✴️ Hiệu quả của thuốc điều trị COVID-19 ra sao?

Nội dung

Mở đầu

Trong thời đại thực hành y học thực chứng, chúng ta luôn đưa ra những quyết định điều trị dựa trên bằng chứng hiệu lực, an toàn và cân nhắc sự lựa chọn của bệnh nhân. Trong đợt đại dịch COVID-19 lần này, các thử nghiệm lâm sàng sớm của các thuốc điều trị đã được xúc tiến đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, dẫn đến chất lượng của các nghiên cứu bị ảnh bưởng hoặc có quá ít bệnh nhân tham gia nghiên cứu1. Do vậy, bằng chứng hiệu lực của một số thuốc điều trị COVID-19 không thể được lặp lại2,3. Tuy nhiên, các thuốc điều trị này đã được sử dụng và kê đơn rộng rãi, cộng với một số bác sĩ không muốn thay đổi lựa chọn điều trị sang các biện pháp thay thế khác có hiệu lực. Ivermectin và fluvoxamine là các ví dụ điển hình, 2 thuốc này vẫn được kê đơn rộng rãi, mặc dù đã có bằng chứng cho thấy cả 2 thuốc này với liều trong cửa sổ trị liệu đều không có hiệu quả đối với COVID-191, 2 – 4.

 

Bằng chứng không hiệu quả của một số thuốc điều trị

Trong báo cáo của Bramante và cộng sự, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng “COVID – OUT” đã tiến hành nghiên cứu về hiệu quả của metformin, ivermectin và fluvoxamine trong điều trị nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn sớm ở 1323 bệnh nhân ngoại trú5. Những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 30 – 85 tuổi và có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng vì thừa cân hoặc béo phì. Kết quả nghiên cứu cho thấy metformin, fluvoxamine và ivermectin không làm giảm bớt tình trạng giảm oxy huyết và cũng không làm giảm tỷ lệ bệnh nhân phải đến khoa cấp cứu, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên vì đối tượng của nghiên cứu chỉ tập trung vào nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, nên kết quả nghiên cứu vẫn chưa sẵn sàng để khái quát hóa trên nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn1.

Một phân tích phối hợp gồm 3 triệu bệnh nhân mắc COVID-19 kèm đái tháo đường từ 24 nghiên cứu quan sát và 110 bệnh nhân trong một thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành, kết quả cho thấy việc sử dụng metformin trước khi nhập viện (không phải dùng metformin trong điều kiện nội trú) có liên quan đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong6.

Phân tích gộp về hiệu lực của fluvoxamine trên 2208 bệnh nhân ngoại trú mắc COVID-19 không nghiêm trọng cho thấy fluvoxamine không làm giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ thở máy hoặc tử vong7.

Đối với ivermectin, phân tích gộp bao gồm 2407 bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng và không nghiêm trọng không cho thấy bằng chứng ivermectin có khả năng làm giảm tỷ lệ thở máy, nhập viện, rút ngắn thời gian nằm viện, mức độ nghiêm trọng về mặt lâm sàng hoặc tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, các phân tích cũng không tìm thấy mối quan hệ giữa tác động và liều của ivermectin7.

 

Các hướng dẫn điều trị

Hướng dẫn điều trị của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã đưa ra những khuyến cáo điều trị COVID-19 dựa trên bằng chứng cập nhật mới nhất đối với từng thuốc điều trị tiềm năng. Trong hướng dẫn cập nhật mới nhất của WHO (cập nhật cho tới ngày 14 tháng Bảy 2022), mặc dù không bao gồm kết quả nghiên cứu COVID-OUT, nhưng WHO đã đưa ra khuyến cáo dứt khoát chống lại việc kê đơn fluvoxamine và ivermectin trong điều trị COVID-19. Tuy nhiên đối với metformin, WHO vẫn chưa đưa ra khuyến cáo. Bảng 1 thể hiện các lựa chọn điều trị được khuyến cáo và không được khuyến cáo trong hướng dẫn điều trị của WHO1, 8.

Bảng 1. Các thuốc được WHO đưa ra khuyến cáo ủng hộ hoặc chống

Tác hại khi kê đơn thuốc không có hiệu lực đối với COVID-19

Kê đơn thuốc điều trị không có hiệu lực đối với COVID-19 có thể trung lập, cũng có thể không gây ra tác hại. Tuy nhiên, các thuốc điều trị này có thể gây ra một số tác động bất lợi trong khi không hề mang lại lợi ích điều trị cho bệnh nhân. Do vậy, cần phải dựa vào bằng chứng để đưa ra quyết định đúng đắn trên lâm sàng1.

 

Bàn luận

Mặc dù WHO đã đưa ra khuyến cáo rõ ràng đối với những thuốc không hiệu lực trong điều trị COVID-19, tuy nhiên những thuốc này vẫn tiếp tục được kê đơn để điều trị COVID-19 ở một số bệnh nhân. Kết quả thử nghiệm COVID-OUT là một bằng chứng ủng hộ và mức độ chắc chắn đối với sự kém hiệu quả của một số thuốc điều trị COVID-19.


Tài liệu tham khảo

  1. Salim S. Abdool Karim and Nikita Devnarain. Time to Stop Using Ineffective Covid-19 Drugs. N Engl J Med. 2022; 387:654-655 DOI: 10.1056/NEJMe2209017.
  2. Bhuta S, Khokher W, Kesireddy N, et al. Fluvoxamine in nonhospitalized patients with acute COVID-19 infection and the lack of efficacy in reducing rates of hospitalization, mechanical ventilation, and mortality in placebo-controlled trials: a systematic review and meta-analysis. Am J Ther. 2022;29(3):e298-e304.
  3. Shafiee A, Teymouri Athar MM, Kohandel Gargari O, Jafarabady K, Siahvoshi S, Mozhgani SH. Ivermectin under scrutiny: a systematic review and meta-analysis of efficacy and possible sources of controversies in COVID-19 patients. Virol J. 2022;19:102-102.
  4. Schmith VD, Zhou JJ, Lohmer LRL. The approved dose of ivermectin alone is not the ideal dose for the treatment of COVID-19. Clin Pharmacol Ther. 2020;108:762-765.
  5. Bramante CT, Huling JD, Tignanelli CJ, et al. Randomized trial of metformin, ivermectin, and fluvoxamine for Covid-19. N Engl J Med. 2022;387:599-610.
  6. Chen Y, Lv X, Lin S, Arshad M, Dai M. The association between antidiabetic agents and clinical outcomes of COVID-19 patients with diabetes: a Bayesian network meta-analysis. Front Endocrinol (Lausanne). 2022;13:895458-895458.
  7. Agarwal A, Rochwerg B, Lamontagne F, et al. A living WHO guideline on drugs for Covid-19. BMJ. 2020;370:m3379-m3379.
  8. World Health Organization. Therapeutics and COVID-19: living guideline. July 14, 2022 (https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-therapeutics-2022.4. opens in new tab).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top