✴️ Tổng quan về bệnh đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ (monkeypox) là bệnh có lây nhiễm từ động vật sang người, với triệu chứng tương tự như đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn. Sau khi đậu mùa bị xóa sổ vào năm 1980, bệnh đậu mùa khỉ được xem là mối lo ngại đáng quan tâm nhất của orthopoxvirus đối với sức khỏe cộng đồng. Đậu mùa khỉ thường xuất hiện ở miền trung và tây Châu Phi, gần vùng mưa nhiệt đới và ở một số khu vực dân cư.

Virus gây bệnh đậu mùa khi thuộc chi Orthopoxvirus của họ Poxviridae. Có 2 clade khác biệt của virus bệnh đậu mùa khỉ: Trung Phi (Congo Basin) clade và Tây Phi clade. Congo Basin clade gây bệnh nặng hơn và có khả năng lây nhiễm cao hơn. Tên đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1958 trên một con khỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên khỉ lại không phải là vật mang chính của bệnh đậu mùa khỉ.

Các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong lịch sử

Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện trên người vào năm 1970 ở Cộng hòa Dân chủ Congo ở một bé trai 9 tuổi. Kể từ đó, đa số các ca bệnh được báo cáo đều ở nông thông, khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Congo Basin.

Kể từ năm 1970, các ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận đến từ 11 quốc gia ở Châu Phi: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Cote d’Ivoire, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierrea Leone và Nam Sudan. Nguồn gốc thực sự của những đợt bùng phát vẫn chưa được biết rõ. Vào năm 1996-1997, có một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở Cộng hào Dân chủ Congo, đợt bùng phát dịch này có tỷ lệ tử vong thấp nhưng tỷ lệ mắc cao hơn bình thường. Kể từ năm 2017, ở Nigeria đã có đợt bùng phát dịch quy mô lớn, với hơn 500 ca nghi nhiễm và hơn 200 ca xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ và tỷ lệ tử vong lên đến 3%.

Vào năm 2013, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài lãnh thổ Châu Phi được ghi nhận ở Hoa Kỳ, ca nhiễm đầu tiên do tiếp xúc với thú cưng là một loài cầy thảo nguyên (prairie dogs) được nhập khẩu từ Ghana. Đợt bùng phát này dẫn đến 70 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Hoa Kỳ. Bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được báo cáo ở Israel vào tháng 9 năm 2018, Vương quốc Anh tháng 09 năm 2018, tháng 12 năm 2019, tháng 05 năm 2021 và tháng 05 năm 2022, Singapore vào tháng 05 năm 2019 và Hoa Kỳ vào tháng 07 và tháng 11 năm 2021. Trong tháng 05 năm 2022, nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở nhiều quốc gia không đặc hữu. Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để hiểu hơn về dịch tễ, nguồn lây và kiểu lây của bệnh đậu mùa khỉ.

Lây nhiễm

Sự lây nhiễm từ thú sang người có thể qua việc tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể, sang thương ở da hoặc niêm mạc ở động vật nhiễm bệnh. Ở Châu Phi, bằng chứng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được tìm thấy ở nhiều loài động vật bao gồm sóc (tree squirrels, rope squirrels), chuột túi Gambia (Gambian poached rats), sóc chuột (dormice), khỉ và một số loài khác. Ổ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được xác nhận, khả năng cao là động vật gặm nhấm.

Tiêu thụ thực phẩm chưa được nấu chín kỹ và các sản phẩm từ động vật nhiễm bệnh có thể là yếu tố nguy cơ. Dân cư sống lân cận khu vực rừng mua nhiệt đới có thể tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh.

Lây nhiễm người sang người có thể là do tiếp xúc với dịch tiết hô hấp, sang thương ở da của người nhiễm bệnh hoặc đồ vật bị nhiễm virus. Lây nhiễm qua các phân tử hô hấp cần phải có sự tiếp xúc trực tiếp đủ lâu, tuy nhiên điều này có thể đưa nhân viên y tế vào nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, chuỗi lây bệnh dài nhất trong cộng đồng được ghi nhận từ 6-9 người liên tiếp. Lây nhiễm cũng có thể xảy ra từ mẹ sang con qua nhau thai hoặc qua tiếp xúc gần khi sinh nở. Cho đến nay vẫn chưa rõ bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm qua đường tình dục hay không.

 

Tại sao số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng ở Châu Âu?

Có 92 trường hợp xác nhận nhiễm và 28 trường hợp nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ từ các vùng lãnh thổ không đặc hữu đã được Tổ Chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) ghi nhận. Bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được ghi nhận ở Châu Âu (Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và gần đây có thêm Pháp). Số lượng ca nhiễm/ca nghi nhiễm ở Lục địa già cũng đang dần được tăng lên. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đa số những ca nhiễm bệnh ở Châu Âu đều thuộc Tây Phi Clade. Tình trạng này xảy ra có thể là do lượng người du lịch tăng lên hậu COVID-19.

 

Bàn luận

WHO cho rằng viễn cảnh bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ có thể sẽ không giống COVID-19 vì đậu màu khỉ không lây nhiễm dễ dàng như COVID-19. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn phải đề cao cảnh giác, đây là lúc chúng ta phát huy những bài học đã rút ra từ đại dịch COVID-19.

 


Tài liệu tham khảo

  1. WHO. Monkeypox. Updated 19 May 2022. Accessed date 25 May 2022. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/monkeypox
  2. Monica Gandhi. Monkeypox: How We Got Here, How Smallpox Vaccines Can Help, and How to Contain It. Medscape. Updated 24 May 2022. Accessed date 25 May 2022.  https://www.medscape.com/viewarticle/974540#vp_2
  3. Jennifer Rigby. Explainer: Why monkeypox cases are spreading in Europe, US. Reuters. Updated 19 May 2022. Accessed date 25 May 2022. https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/why-monkeypox-cases-are-rising-europe-2022-05-18/
  4. Monkeypox : information pour les professionnels de santé. Ministère Des Solidarité et de la santé. Update: 24 May 2022. Accessed date 25 May 2022. https://solidarites-sante.gouv.fr/soins-et-maladies/maladies/maladies-infectieuses/article/monkeypox-information-pour-les-professionnels-de-sante

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top