Một vài thuốc điều trị liên quan đến ngưng tim đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 (hội nghị EASD 2023)

Nội dung

Hội nghị thường niên lần thứ 59 của Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu (EASD) đã diễn ra tại Hamburg, Đức vào vào 02 – 06 tháng Mười vừa qua. Hội nghị đã thu hút hơn 11,000 người tham dự. Hội nghị đã mang lại nhiều thông tin mới và quan trọng trong thực hành lâm sàng. Bài viết cung cấp đến quý vị đồng nghiệp tóm tắt của một phiên báo cáo thú vị, liên quan về các thuốc điều trị có liên quan đến ngưng tim đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

 

Điểm chính

  • Kháng sinh và thuốc chống loạn thần làm tăng nguy cơ nguy tim đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 không có bệnh tim mạch mắc kèm.
  • Một số tình trạng như hạ đường huyết quá mức, tăng huyết áp nghiêm trọng và rối loạn lipid máu cũng làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 không có bệnh tim mạch mắc kèm.
  • Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 có bệnh tim mạch mắc kèm, albumin niệu và suy tim là những yếu tố làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột.

 

Tóm tắt phiên hội nghị

Ngưng tim đột ngột liên quan đến 50% trường hợp tử vong do tim mạch và 20% trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân ở các nước phát triển. Trong số những bệnh nhân bị ngưng tim đột ngột, bệnh nhân trong độ tuổi 40 – 60 mắc đái tháo đường chưa có tiền sử tim mạch là nhóm bệnh nhân thường gặp.

 

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu bao gồm 3919 bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 có/không có bệnh tim mạch mắc kèm. Biến cố ngưng tim đột ngột được ghi nhận ở 689 bệnh nhân. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị ngưng tim đột ngột được ghép với những bệnh nhân đái tháo đường type 2 không bị ngưng tim đột ngột (nhóm chứng). Các chỉ số lâm sàng bao gồm huyết áp và glucose huyết, thuốc điều trị và tiền sử bệnh được ghi nhận. Phân tích đa biến được tiến hành thông qua việc phân tầng bệnh nhân có hoặc không có bệnh tim mạch mắc kèm 

 

Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích toàn bộ dân số nghiên cứu (bệnh nhân đái tháo đường có/không có bệnh tim mạch mắc kèm) cho thấy insulin là yếu tố liên quan nhiều nhất với nguy cơ ngưng tim đột ngột. Lý giải phù hợp cho hiện tượng này có thể là tình trạng bệnh thường nghiêm trọng ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần được kiểm kiểm soát đường huyết bằng insulin. Tiền sử loạn nhịp và sử dụng thuốc cường động (prokinetic) – những yếu tố có thể gây kéo dài khoảng QT, cũng có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột 

Đối với nhóm bệnh nhân đái tháo đường không có bệnh tim mạch mắc kèm, các thuốc chống loạn thần có khả năng kéo dài khoảng QT và kháng sinh có khả năng kéo dài khoảng QT có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột. Ngoài ra, các tình trạng như đường huyết đói hạ quá mức, huyết áp tâm thu tăng cao, nồng độ HDL thấp và nồng độ LDL cao cũng liên quan đến nguy cơ ngưng tim đột ngột tăng.

Ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường mắc kèm bệnh tim mạch, albumin niệu và suy tim có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột

 

Kết luận

Như vậy, một số nhóm kháng sinh (nhóm macrolide và fluoroquinolone) và thuốc chống loạn thần làm tăng nguy cơ nguy tim đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 không có bệnh tim mạch mắc kèm. Cụ thể, các thuốc chống loạn thần làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột gấp 3 lần và các thuốc kháng sinh (nhóm macrolide và fluoroquinolon) làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột gấp 2 lần so với nhóm chứng. Ngoài các thuốc điều trị, một số tình trạng như hạ đường huyết quá mức, tăng huyết áp nghiêm trọng, rối loạn lipid máu cũng làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường type 2 không có bệnh tim mạch mắc kèm. Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 có bệnh tim mạch mắc kèm, albumin niệu và suy tim là những yếu tố làm tăng nguy cơ ngưng tim đột ngột

 

Nguồn

  1. Becky McCall. Common Meds Link to Sudden Cardiac Arrest in Type 2 Diabetes. Medscape. Updated 23 Oct 2023. Accessed date 27 Oct 2023. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/997629#vp_1
  2. European Association for the Study of Diabetes. Annual meeting. URL: https://www.easd.org/annual-meeting/easd-2023.html
return to top