Có rất nhiều nghiên cứu y sinh học đột phá trên động vật được công bố rộng rãi. Liệu việc thực hiện nghiên cứu trên động vật có phải là mô hình sức khỏe hoàn hảo với con người?
Những ai đọc nhiều thông tin y tế chắc hẳn đều quen thuộc với việc sử dụng động vật trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học.Từ những nghiên cứu về dinh dưỡng đến các nghiên cứu về ung thư hay chuyển hóa chất, các nhà khoa học cũng như các nhà báo đã đưa ra những nét tương đồng giữa động vật và con người. Tuy nhiên, rắc rối có thể nảy sinh khi các nhà nghiên cứu phân tích sức khỏe con người dựa trên những kết quả này.
Các nhà khoa học gọi thuật ngữ này là “ý nghĩa lâm sàng” (clinical relevance cũng được dùng thay thế cho thuật ngữ clinical significance). Rất nhiều nhà tài trợ yêu cầu người nghiên cứu phải đánh giá việc sử dụng mô hình động vật để dự đoán tác động của kết quả đó trên sức khỏe con người. Trong khi đó, các nhà báo lại muốn làm hấp dẫn người đọc mà bỏ qua ý nghĩa mối tương quan lâm sàng và tệ hơn khi họ quên rằng các kết quả đó thu được từ nghiên cứu trên động vật chứ không phải trên con người.
Các tranh luận về ý nghĩa lâm sàng của các nghiên cứu trên động vật vẫn đang tiếp tục và một tài khoản Twitter @justsayinmice đã khuyến khích mạng xã hội truyền đạt các thông tin với đầu đề “IN MICE” (có thể hiểu là nghiên cứu trên chuột) đối với các thông tin chưa được đánh giá trên mô hình con người.
Chúng ta đã biết rằng các nghiên cứu trên động vật đã có nhiều đóng góp trong tiến bộ của y sinh và lí do các nhà khoa học vẫn duy trì mô hình nghiên cứu trên động vật dù một số nghiên cứu không tương quan với mô hình con người.
Trong thời gian làm nghiên cứu khoa học trước khi làm việc tại Tạp chí Medical News Today, tác giả Yella Hewings-Martin đã tham gia một số nghiên cứu về sự lành vết thương trên loài lợn.
Nhóm tác giả gồm Kirk Maurer thuộc Trung tâm nghiên cứu tại Đại học Dartmouth và Fred Quimby từ Đại học Rockefeller, New Hampshire, Hoa Kỳ đã đề cập tới các nghiên cứu trên động vật trong một cuốn sách mang tên Laboratory Animal Medicine, xuất bản năm 2015. Họ ghi nhận “các tài liệu cổ xưa nhất của người Babylon và Assyria cổ đại có nhắc đến việc điều trị và phẫu thuật cho cả động vật và con người.”
Suốt nhiều thế kỷ, động vật đã cung cấp ra nhiều thông tin mà ngày nay chúng ta cũng đã thu thập được. Từ những phát hiện của nhà khoa học Galen thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên rằng máu chứ không phải khí, dịch chảy trong lòng mạch cho đến những phát hiện về gen và tế bào mầm năm 2006, những nghiên cứu trên động vật luôn đóng vai trò quan trọng.
Thuật ngữ quan trọng ở đây là “mô hình động vật”. Nhiều tác giả nỗ lực xác định một mô hình động vật lý tưởng. Họ giải thích rằng yếu tố quan trọng nhất là phải có sự tương đồng của mô hình này với mô hình bệnh lý của con người.
Tuy nhiên khi thực hiện nghiên cứu họ đều nhận ra rằng một mô hình nghiên cứu có thể đóng vai trò thay thế chứ không nhất thiết phải giống y hệt con người.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Future Science OA, hai nhà khoa học Françoise Barré-Sinoussi và Xavier Montagutelli thuộc viện Pasteur Paris, Pháp đã thảo luận những đóp góp của các nghiên cứu trên động vật cho y khoa.
“Việc sử dụng động vật trong nghiên cứu không chỉ do có sự tương đồng lớn về mặt sinh học ở các loài có vú mà thực tế các bệnh lý của con người cũng có những tác động trên các loài khác..đặc biệt là hầu hết các bệnh truyền nhiễm, hay những bệnh phổ biến khác như đái tháo đường type 1, tăng huyết áp, dị ứng, động kinh, bệnh lý cơ, v..v.”
“Không những bệnh này có cùng cơ chế bệnh học mà còn giống nhau tới 90% về thuốc điều trị giữa động vật và con người”
Những tác giả này đều kể ra danh sách dài các nhà khoa học đạt giải Nobel có những phát hiện góp phần hình thành các hướng điều trị mới trong y khoa đều dựa vào các mô hình nghiên cứu trên động vật. Ví dụ như công trình tìm ra insulin điều trị đái tháo đường từ loài chó của Frederick G. Banting và John Macleod; công trình nghiên cứu vaccin của Emil von Behring thực hiện trên loài lợn và thỏ; hay công trình ở chuột trong liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đã giúp James Allison và Tasuku Honjo đạt giải Nobel năm 2018.
Dù khẳng định vai trò của động vật trong nghiên cứu nhưng các tác giả trên cũng nhấn mạnh rằng các kết quả thu được từ động vật có thể không tương đồng khi áp dụng trên con người.
Một phần là do sự khác biệt vì di truyền giữa các giống loài với con người. Trong khi một số người sử dụng các khác biệt này để phủ nhận các kết quả nghiên cứu trên động vật, một số khác lại ủng hộ việc sử dụng động vật trong nghiên cứu, thậm chí những khác biệt này còn giúp các nhà khoa học này có thêm những hiểu biết rõ hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh