Bệnh đái tháo đường có di truyền không?
Các nghiên cứu về di truyền bệnh tiểu đường trong gia đình cho thấy khả năng con cái bị di truyền bệnh tiểu đường từ cha mẹ là rất cao có thể lên tới 75% nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh này. Nếu trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì xác suất con bị bệnh đái tháo đường là 15-20%.
Nhiều bệnh nhân cho rằng, lúc mình đẻ con chưa bị mắc đái tháo đường thì con sẽ không bị mắc bệnh này. Nhưng sự thực thì khả năng mắc bệnh theo gene di truyền đã được định hình từ lúc trẻ hình thành trong bụng mẹ. Do đó, khi trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường thì bạn hoàn toàn có thể nhận được gen gây bệnh đái tháo đường”.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi
Trong trường hợp này, khả năng thai nhi bị nhiễm bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ không cao chỉ từ 1-5%. Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ kiểm tra thấy mình bị bệnh đái tháo đường ở dạng nhẹ thì sẽ có khả năng khỏi sau khi sinh con.
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể mang thai một cách bình thường nếu giữ được mức đường trong máu ổn định, vì nếu không sẽ làm tăng nguy cơ đứa bé bị dị dạng.
Trường hợp nếu sản phụ bị tiểu đường mà không kiểm soát đường trong máu tốt sẽ dẫn đến tăng lượng đường ở thai nhi, làm thai nhi lớn nhanh hơn bình thường và có thể gây khó khăn trong lúc sinh.
Lưu ý trong điều trị đái tháo đường
Nhu cầu năng lượng của mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào cân nặng, mức độ lao động do đó chế độ ăn của mỗi bệnh nhân đái tháo đường cũng khác nhau. Điều quan trọng là cần ăn uống đầy đủ thành phần trong mỗi bữa ăn, nên phân bố các thành phần theo tỉ lệ: carbohydrates 50-60%, chất béo < 30%, protein 10-20%, chất xơ trong chế độ ăn: tối thiểu 20g/1.000Kcalo.
Cần bổ sung vitamin và khoáng chất, có thể không cần bổ sung nếu chế độ ăn cân đối.
Hạn chế bia rượu, tuy nhiên nếu dùng cần tính vào năng lượng tổng cộng (chỉ được dưới 10%).
Ở người bệnh đái tháo đường type 2 không cần ăn nhiều bữa, tuy nhiên bệnh nhân đái tháo đường đang tiêm insulin có thể chia làm 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Việc phân bổ thức ăn dù nhiều hay ít vẫn nằm trong tổng số năng lượng đã tính toán.
Tránh đường hấp thu nhanh: nước ngọt, sữa đặc có đường, chè ngọt, bánh mứt kẹo các loại…
Cần ăn nhiều rau vì rau chứa nhiều chất xơ giúp chậm hấp thu đường và mỡ, thịt cần tiết chế nếu mắc bệnh thận hay suy thận.
Bệnh nhân đái tháo đường nên thường xuyên gặp gỡ các chuyên gia dinh dưỡng để được điều chỉnh chế độ ăn hợp lý và kịp thời.
Ngoài ra người bệnh có thể bổ sung thêm sữa tiểu đường trong chế độ dinh dưỡng của mình nhưng lưu ý khi dùng sữa dành cho người tiểu đường thì chỉ được dùng để thay thế bữa ăn chính khi cần chứ không nên dùng một cách tùy tiện dễ gây tăng đường huyết.
Hoạt động thể lực trong điều trị đái tháo đường: Nên tập thể dục mỗi ngày 30 phút 5 ngày mỗi tuần. Trước khi tập cần kiểm tra sức khỏe để có bài tập phù hợp.
Cần uống nước đầy đủ, đi giày dép phù hợp để chân không bị chấn thương và khô.
Phải đo đường huyết trước khi tập, nếu đường huyết 14mmol/l (252mg/ dl), có nhiễm ceton thì không nên tập. Khi đường huyết < 6 mmol/l (108mg/dl), có thể ăn thêm 15g carbohydrate.
Đối với người bệnh đái tháo đường type 2 mắc béo phì hay quá cân cần được kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh