✴️ Xét nghiệm CO2 trong máu

Xét nghiệm CO2 là xét nghiệm máu đơn giản để đo lượng khí CO2 trong máu và thường là một phần của xét nghiệm điện giải.

Thận và phổi giúp duy trì nồng độ CO2 trong máu. Nếu nồng độ CO2 trong máu cao hơn mức bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm để kiểm tra chức năng thận và phổi nhằm đánh giá nồng độ các khí khác trong máu hoặc để kiểm tra khả năng giữ nước trong cơ thể.

Trong bài viết này sẽ đề cập khái niệm xét nghiệm CO2, nồng độ CO2 trong máu bình thường và ý nghĩa của kết quả xét nghiệm này.

Xét nghiệm máu CO2 là gì?

Xét nghiệm máu CO2 là xét nghiệm đo lượng carbon dioxide trong máu, hiện diện dưới dạng CO2, bicarbonate (HCO3 chiếm đa số) và axit carbonic (H2CO3). 

Như một phần của các hoạt động trao đổi bình thường, cơ thể con người tự nhiên tạo ra lượng axit và bazơ cân bằng lẫn nhau. Bất kỳ sự mất cân bằng nào đều có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Carbon dioxide là một chất "có tính axit" do khi kết hợp với nước để tạo thành axit carbonic làm cho máu có tính axit. Xét nghiệm máu CO2 giúp phát hiện những thay đổi trong hàm lượng axit của máu.

Có thể đo nồng độ CO2 trong máu bằng cách sử dụng xét nghiệm máu đơn giản. Máu có thể được lấy từ động mạch hoặc tĩnh mạch.

Máu tĩnh mạch cho biết đo nồng độ bicarbonate. Máu động mạch cho biết áp lực cục bộ carbon dioxide. Cả hai thông số này cho biết chỉ số oxy hóa máu.

     xét nghiệm máu

Khi nào cần xét nghiệm CO2?

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm CO2 như là một xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc để điều tra nguyên nhân gây ra các triệu chứng nhất định. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thể được chỉ định trong trường hợp cấp cứu hoặc ngay trước khi phẫu thuật.

Những người gặp các triệu chứng sau đây có thể cần xét nghiệm máu CO2:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Khó thở
  • Lú lẫn hoặc cảm giác ngất.

Một số trường hợp xét nghiệm máu CO2 có thể được chỉ định kèm với xét nghiệm điện giải để kiểm tra mức độ bicarbonate. Xét nghiệm đo mức độ chất điện giải, bao gồm natri, clorua và kali trong máu, cùng với nồng độ bicarbonate. Chất điện giải giúp duy trì cân bằng chất lỏng của cơ thể, duy trì nhịp tim, co cơ và chức năng não.

Ngoài ra, các chỉ số điện giải cho bác sĩ biết thận hoạt động tốt như thế nào. Nồng độ bicarbonate cao hoặc thấp có thể cho biết người đó bị nhiễm kiềm hoặc nhiễm toan chuyển hóa.

Xét nghiệm máu từ động mạch và tĩnh mạch có thể cung cấp cái nhìn tổng thể về tình trạng điện giải và sự cân bằng của axit, bazơ trong máu của mỗi người.

Mức độ CO2 bình thường

Kết quả xét nghiệm CO2 có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh lý của mỗi người, cũng như phương pháp bảo quản mẫu xét nghiệm và lịch sử dùng thuốc của bệnh nhân.

Hiệp hội Hóa học lâm sàng Hoa Kỳ báo cáo các phạm vi bình thường của tổng lượng CO2 trong máu như sau.

Các phép đo được tính bằng milliequivalents trên lít (mEq/l) cho các đơn vị thông thường và millimol trên lít (mmol/l) cho Hệ thống đơn vị quốc tế (đơn vị SI):

Độ tuổi

Đơn vị quy ước (mEq/l)

Đơn vị quốc tế (SI)

18 - 59

23–29 mEq/l

23–29 mmol/l

60 - 89

23–31 mEq/l

23–31 mmol/l

90+

20–29 mEq/l

20–29 mmol/l

Theo một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí lâm sàng của Hiệp hội thận học Hoa Kỳ, nồng độ HCO3 ở phụ nữ thấp hơn khoảng 1 mEq/l so với nam giới.

     

Kết quả bất thường và ý nghĩa của chúng

Kết quả xét nghiệm CO2 bất thường có thể cao hoặc thấp trong cơ thể. Sự thay đổi nồng độ CO2 có thể gợi ý rằng cơ thể đang dư hoặc thiếu dịch so với bình thường. Điều này chỉ ra sự mất cân bằng trong hệ thống điện giải của cơ thể.

Mức CO2 thấp hơn bình thường có thể do:

  • Bệnh lí Addison
  • Tiêu chảy
  • Ngộ độc với ethylene glycol.
  • Nhiễm toan ceto, trong đó cơ thể sản xuất quá nhiều axit máu
  • Bệnh thận
  • Độc tính salicylate, chẳng hạn như do quá liều aspirin
  • Nhiễm axit lactic, hoặc tích tụ Lactate trong cơ thể

Mức CO2 cao hơn bình thường có thể chỉ ra:

  • Rối loạn hô hấp
  • Hội chứng Cushing
  • Hyperaldosteron, một tình trạng ảnh hưởng đến tuyến thượng thận
  • Nhiễm trùng đường hô hấp

Tổng kết

CO2 luôn tồn tại ở một lượng hằng định trong cơ thể. Mức độ CO2 có thể tăng hoặc giảm do nhiễm trùng, thuốc hoặc do tình trạng bệnh lý.

Xét nghiệm máu CO2 có thể cho biết một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hiện có, kết hợp với các kỹ thuật, xét nghiệm khác bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán và điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top