Trong thực hành y khoa, kết quả xét nghiệm ảnh hưởng đến lâm sàng ở nhiều khía cạnh, từ sàng lọc, chẩn đoán, định hướng điều trị cho đến tiên lượng. Kết quả xét nghiệm không chính xác sẽ dẫn đến các quyết định lâm sàng không phù hợp và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Trong thực hành xét nghiệm, 68-77% sai sót thường xảy ra ở khâu tiền phân tích [1], liên quan chủ yếu đến chất lượng mẫu bệnh phẩm. Quản lý và giám sát hiệu quả các nguồn gây nhiễu trước phân tích là rất quan trọng để đưa ra kết quả xét nghiệm có độ tin cậy cao. Trong số đó, các chỉ số huyết thanh học (Serum Indices) bao gồm tán huyết, đục do tăng lipid máu và vàng do tăng bilirubin (HIL-Hemolysis, Icterus, Lipaemia) là những nguyên nhân hàng đầu nhưng chưa được khảo sát thỏa đáng [2-4].
Chỉ số huyết thanh học là một thuật ngữ dùng để xác định các đặc điểm của huyết thanh hoặc huyết tương, gồm: mức độ tán huyết, độ đục do tăng lipid máu và độ vàng do tăng bilirubin bằng việc sử dụng bảng màu hoặc các hệ thống phân tích tự động. Chỉ số tán huyết là kết quả của sự phá vỡ màng tế bào hồng cầu do nhiều nguyên nhân (bệnh lý, cơ học). Tán huyết có thể gây ảnh hưởng kết quả của xét nghiệm đo quang hoặc so màu thông qua một số cơ chế: (1) làm thay đổi nồng độ chất phân tích trong mẫu và (2) can thiệp vào phép đo chất phân tích. Việc phát tán các thành phần nội bào của hồng cầu sẽ làm tăng nồng độ chất phân tích như kali, aspartate aminotransferase (AST), lactate dehydrogenase (LDH) ... hoặc làm giảm nồng độ chất phân tích do gây ra sự thoái hóa của chất phân tích trong mẫu. Bilirubin bị thoái hóa thông qua hoạt động pseudoperoxidase của hemoglobin, trong khi các protease nội bào có thể phá vỡ insulin và troponin-T.
Hình 1. Bảng màu đánh giá mức độ tán huyết bằng cảm quan thị giác
Độ vàng của huyết thanh do tăng bilirubin ảnh hưởng các kết quả xét nghiệm thông qua bước sóng hấp thụ trong phép đo quang và sự tương tác hóa học giữa các chất. Bilirubin hấp thụ ánh sáng trong khoảng từ 400 đến 540nm, cực đại ở 460nm, vì vậy, các xét nghiệm đo quang thực hiện các phép đo độ hấp thụ ở các bước sóng này có thể bị ảnh hưởng, chẳng hạn như các xét nghiệm phosphate và creatinine được đo bằng phương pháp Jaffe [5]. Các đặc tính chống oxy hóa của bilirubin, cung cấp cho nó khả năng phản ứng với hydro peroxide là chất trung gian trong một số xét nghiệm phổ biến (bao gồm cholesterol, triglyceride, axit uric và creatinine), do đó các xét nghiệm này dễ bị nhiễu bởi việc tăng bilirubin trong mẫu thử [5,6].
Hình 2. Bảng màu đánh giá độ vàng của huyết thanh do tăng bilirubin bằng cảm quan thị giác
Độ đục của huyết thanh do tăng lipid máu ở nồng độ cao có thể gây nhiễu kết quả một số xét nghiệm hóa sinh, thông qua cơ chế chủ đạo là hiệu ứng tán xạ ánh sáng ở nồng độ cao của các hạt lipoprotein có kích thư lớn như chylomicrons và VLDL. Nguyên nhân phổ biến nhất của tăng lipid trong mẫu là một bữa ăn có chất béo trước khi lấy mẫu, hoặc uống nhiều rượu, đái tháo đường, suy thận, dinh dưỡng, một số loại thuốc và điều kiện di truyền [7]. Các lipoprotein gây ra sự tán xạ ánh sáng trên dãy quang phổ (300 đến 700nm), do đó gây ảnh hưởng đến các xét nghiệm (1) có nguyên tắc đo độ đục, áp dụng cho các chất có bản chất protein như protein toàn phần, albumin, globulin, một số protein khác. Sự tán xạ ánh sáng không gây ra các đỉnh ảnh hưởng cụ thể, nhưng nó tăng khi bước sóng hấp thụ giảm. Do đó, (2) các xét nghiệm đo quang lấy độ hấp thụ ở bước sóng ngắn hơn của quang phổ dễ bị nhiễu nhất. Các xét nghiệm được đo bằng các bước sóng trong khoảng 340nm, dễ bị nhiễu do tăng độ đục do lipid như ure, creatine kinase, cholesterol, triglycerid ... Ngoài ra, việc tăng nồng độ lipid trong mẫu gây ra sự phân bố không đều của phân tử chất cần phân tích do tương tác giữa các đầu ưu nước - kị nước và các lipoprotein; hoặc thay đổi tính ưa nước của mẫu và/hoặc sự tương tác của các hạt lipoprotein với thuốc thử xét nghiệm đều có thể gây nhiễu trong phép đo
Hình 3. Bảng màu đánh giá độ đục của huyết thanh do tăng lipid máu bằng cảm quan thị giác
Việc đánh giá các chỉ số huyết thanh học bằng cảm quan thị giác là sử dụng mắt thường để xác định mức độ của các giá trị (bán định lượng) thông qua các bảng màu in sẵn. Phương pháp này đang được sử dụng trên thực hành vì đơn giản, ít tốn kém, nhanh nhưng rất chủ quan. Việc đánh giá các chỉ số huyết thanh học ở tất cả các máy phân tích sinh hóa tự động hiện tại sử dụng cùng một nguyên tắc cho các phép đo chỉ số. Mẫu sau khi được pha loãng sẽ được đo độ hấp thụ quang phổ bằng những bước sóng khác nhau. Do sự chồng chéo phổ hấp thụ của chúng, các tính toán hiệu chỉnh được đặt ra vì sự đóng góp của nhiều chỉ số huyết thanh học cùng tồn tại trong một mẫu. Một số hệ thống sinh hóa tự động hiện nay thực hiện các phép đo nhiều hơn ba cặp bước sóng để tính toán các chỉ số huyết thanh một cách chính xác hơn [8]. Phương pháp đánh giá bằng máy tự động có nhiều tiềm năng trong việc nâng cao chất lượng mẫu xét nghiệm, tuy nhiên, kém thuận tiện trong công tác kiểm bệnh phẩm trước xét nghiệm, tăng chi phí và kéo dài thời gian có kết quả. Vì vậy, xác định sự tương đồng của việc đánh giá chỉ số huyết thanh học theo từng mức độ trong mỗi chỉ số bằng hai phương pháp nêu trên là rất cần thiết cho công tác đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng xét nghiệm, tiến đến tăng độ tin cậy và hài lòng của khách hàng. Nhiều nghiên cứu đánh giá các chỉ số huyết thanh học bằng cảm quan thị giác thông qua bảng màu và bằng hệ thống phân tích tự động đã được thực hiện, với hệ số đồng thuận không cao [9,10].
Khoa Xét nghiệm, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiến hành đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “So sánh độ chính xác của việc đánh giá chỉ số huyết thanh học bằng phương pháp cảm quan thị giác qua bảng màu với phương pháp phân tích tự động trên máy sinh hóa - miễn dịch” với mục tiêu xác định độ chính xác của việc đánh giá chỉ số tán huyết (H), chỉ số vàng huyết thanh do tăng bilirubin (I) và chỉ số đục huyết thanh do tăng lipid máu (L) ở các mức nồng độ, bằng phương pháp cảm quan thị giác qua bảng màu so với phương pháp phân tích tự động trên máy sinh hoá-miễn dịch đang sử dụng tại khoa . Nghiên cứu được thực hiện trên 420 mẫu huyết thanh được thu thập từ 07/2020 đến 11/2020 Mẫu được đánh giá ba chỉ số huyết thanh song song bằng hai phương pháp cảm quan thị giác và bằng máy. Các kết quả được ghi nhận độc lập. Độ chính xác của hai phương pháp được đánh giá bằng các chỉ số: độ chính xác, độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự báo dương, giá trị dự báo âm. Kết quả nghiên cứu ghi nhận trong 420 mẫu, có 121 mẫu không có chỉ số huyết thanh nào (28,8%), 260 mẫu có một chỉ số huyết thanh (61,9%) và 39 mẫu có nhiều hơn một chỉ số huyết thanh (9,3%). Đối với nhóm mẫu chỉ có một chỉ số huyết thanh: độ chính xác khi phân biệt giữa mức "có và không có" (0-1234) giữa phương pháp cảm quan thị giác và hệ thống máy cho chỉ số H, I và L lần lượt là 0,87; 0,72; 0,84. Đối với chỉ số H, độ chính xác giữa hai phương pháp ở các mức nồng độ 0-1; 1-2, 2-3, 3-4 lần lượt là 0,86; 0,76; 0,59; 0,53. Đối với chỉ số I, độ chính xác giữa hai phương pháp ở các mức nồng độ 0-1; 1-2, 2-3, 3-4 lần lượt là 0,72; 0,58; 0,50; 0,40. Đối với chỉ số L, độ chính xác giữa hai phương pháp ở các mức nồng độ 0-1; 1-2, 2-3, 3-4 lần lượt là 0,84; 0,57; 0,33; 0,50. Đối với mẫu có hai chỉ số trở lên, do sự tương tác của các chỉ số trong cùng mẫu, không xác định được độ chính xác giữa hai phương pháp. So với phương pháp đánh giá tự động bằng máy phương pháp đánh giá các chỉ số huyết thanh học bằng cảm quan thị giác có độ chính xác tốt trong việc phân biệt mẫu có hoặc không có chỉ số huyết thanh. Ở các mức nồng độ khác nhau đối với cùng chỉ số huyết thanh, phương pháp cảm quan thị giác ít chính xác trong việc phân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO