Phối hợp bốn thuốc hạ áp và hiệu quả điều trị (Hội nghị AHA 2022)

Nội dung

Mở đầu

Kết quả nghiên cứu QUARTER-USA đã cho thấy phối hợp 4 thuốc với liều thấp có thể làm giảm nhiều hơn gần 5 mmHg so với biện pháp hạ áp đơn trị với liều cơ bản trong hơn 12 tuần theo dõi ở bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ - trung bình. Sử dụng phối hợp thuốc hạ áp chứa 4 thuốc khác nhau có thể được xem là một biện pháp hiệu quả để điều trị tăng huyết áp chỉ qua một bước điều trị.

Kết quả nghiên cứu QUARTER đã được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) năm 2022 bởi GS. Mark Huffman, trường đại học Washington.

Nghiên cứu QUARTER được thực hiện dựa trên một mô hình nghiên cứu khác tại Australia (QUARTER-Australia). Nghiên cứu này tiến hành so sánh phối hợp 4 thuốc (bao gồm candesartan, amlodipine, indapamide và bisoprolol) với candesartan đơn trị liều tiêu chuẩn.

Phối hợp 4 thuốc gây ra nhiều phản ứng có hại hơn liệu pháp đơn trị, nhưng tỷ lệ bệnh nhân ngưng điều trị lại cao hơn ở nhóm đơn trị. Nghiên cứu gần như không có báo cáo về những phản ứng có hại nghiêm trọng của phối hợp 4 thuốc.

Nghiên cứu mới QUARTER và nghiên cứu trước đó được thực hiện ở Australia tương tự nhau về hiệu quả hạ huyết áp của biện pháp phối hợp 4 thuốc. Hai nghiên cứu này cho thấy việc điều trị tăng huyết áp bằng phối hợp 4 thuốc mang lại nhiều hiệu quả hơn biện pháp đơn trị và khá an toàn.

Phối hợp 4 thuốc trong 1 viên là một biện pháp điều trị có thể giảm thiểu số lần thăm khám của bệnh nhân tăng huyết áp, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và có thể cải thiện tuân thủ điều trị. Phối hợp 4 thuốc có thể làm hạ huyết áp của bệnh nhân một cách hiệu quả để đạt mục tiêu huyết áp của hướng dẫn điều trị mới chỉ sau 1 bước điều trị. Tuy nhiên với kết quả của thử nghiệm SPRINT, để đạt được mục tiêu huyết áp này, bệnh nhân phải trải qua nhiều hơn 3 lần thăm khám. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã không quay lại phòng khám để điều chỉnh chiến lược điều trị.

 

Nghiên cứu QUARTER-Australia

Nghiên cứu này được tiến hành vào năm 2021, trên tổng cộng 591 bệnh nhân, so sánh phối hợp 4 thuốc điều trị ở liều thấp (¼ liều tiêu chuẩn): irbesartan 37.5 mg, amlodipine 1.25 mg, indapamide 0.625 mg, bisoprolol 2.5 mg với irbesartan liều 150 mg/ngày trong vòng 12 tuần. Kết quả cho thấy phối hợp 4 thuốc ở liều thấp mang lại nhiều hiệu quả điều trị hơn. Phối hợp 4 thuốc làm giảm nhiều hơn 6.9 mmHg huyết áp tâm thu, 5.8 mmHg huyết áp tâm trương so với irbesartan đơn trị liều tiêu chuẩn. Sự khác biệt về hiệu quả giảm huyết áp của 2 biện pháp điều trị có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Nghiên cứu QUARTER-Australia cho thấy phối hợp 4 thuốc với liều thấp mang lại hiệu quả điều trị nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng giữa tác dụng điều trị - sự dung nạp thuốc và tính tuân thủ điều trị.

 

Nghiên cứu QUARTER-USA

Nghiên cứu bao gồm 62 bệnh nhân từ Chicago. Những bệnh nhân này có thể có huyết áp > 140/90 mmHg chưa từng được điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh nhân có huyết áp > 130/85 mmHg đã được điều trị tăng huyết áp. Huyết áp tâm thu trung bình là 138 mmHg và huyết áp tâm trương trung bình là 84 mmHg.

Nghiên cứu tiến hành so sánh giữa 2 biện pháp điều trị, phối hợp 4 thuốc điều trị với liều thấp (¼ liều tiêu chuẩn): candesartan 2 mg, amlodipine 1.25 mg, indapamide 0.625 mg, bisoprolol 2.5 mg và candesartan liều 8 mg. Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm điều trị này. Amlodipine liều 5 mg/ngày có thể được bổ sung vào phác đồ điều trị ở cả 2 nhóm bệnh nhân nếu huyết áp của bệnh nhân duy trì > 130/80 mmHg sau 6 tuần điều trị. Kết quả có 18% bệnh nhân ở nhóm phối hợp 4 thuốc và 53% bệnh nhân ở nhóm đơn trị phải bổ sung amlodipine 5 mg.

Kết quả cho thấy phối hợp 4 thuốc điều trị làm giảm nhiều hơn 4.8 mmHg huyết áp tâm thu và 4.9 mmHg huyết áp tâm trương so với candesartan đơn trị sau 12 tuần theo dõi. Tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về hiệu quả hạ áp giữa 2 nhóm điều trị do cỡ mẫu nghiên cứu quá nhỏ.

Sau 12 tuần theo dõi, huyết áp trung bình của nhóm bệnh nhân được điều trị bằng phối hợp 4 thuốc là 121/73 mmHg, huyết áp trung bình của nhóm đơn trị bằng candesartan là 124/77 mmHg.

Phản ứng có hại của thuốc xảy ra ở 25% bệnh nhân nhóm phối hợp 4 thuốc và 10% bệnh nhân nhóm đơn trị bằng candesartan. Tuy nhiên, phản ứng có hại của thuốc dẫn đến hậu quả ngưng điều trị chỉ xảy ra ở 6.3% bệnh nhân phối hợp 4 thuốc, nhưng có tận 26.7% bệnh nhân đơn trị bằng candesartan phải ngưng điều trị vì những tác động bất lợi.

 

Bàn luận

Trong số những bệnh nhân có huyết áp chưa được kiểm soát ở Hoa Kỳ, có 40% bệnh nhân vẫn chỉ được điều trị đơn trị. Kết quả nghiên cứu QUARTER-USA cho thấy nhiều hứa hẹn về hiệu quả của việc phối hợp 4 thuốc về cả hiệu quả, khả năng dung nạp và tính an toàn của biện pháp điều trị.

Tuy đã có nhiều hướng dẫn điều trị và đồng thuận quốc tế về các biện pháp điều trị tăng huyết áp và mục tiêu huyết áp của bệnh nhân, tuy nhiên vẫn có nhiều khoảng trống trong việc thực hành khởi đầu điều trị, điều chỉnh liều và quan trọng là thuyết phục bệnh nhân quay trở lại tái khám. Các nỗ lực điều trị luôn hướng đến việc khiến bệnh nhân đạt được hiệu quả điều trị một cách an toàn hơn. Tuy nhiên việc dự đoán bệnh nhân đáp ứng tốt hơn với một thuốc điều trị cụ thể là điều không thể, do vậy phối hợp 4 thuốc điều trị khác nhau với liều thấp hơn có thể là một cách tiếp cận an toàn và hiệu quả.


 

Tài liệu tham khảo

  1. Sue Hughes. Four-Drug Combo Gets BP Down in One Step: QUARTET-USA. Medscape. updated 08 nov 2022. Accessed date 09 Nov 2022. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/983724#vp_2
  2. Chow CK, Atkins ER, Hillis et al. QUARTET Investigators. Initial treatment with a single pill containing quadruple combination of quarter doses of blood pressure medicines versus standard dose monotherapy in patients with hypertension (QUARTET): a phase 3, randomised, double-blind, active-controlled trial. Lancet. 2021 Sep 18;398(10305):1043-1052. doi: 10.1016/S0140-6736(21)01922-X.
  3. SPRINT Research Group, Wright JT Jr, et al. A Randomized Trial of Intensive versus Standard Blood-Pressure Control. N Engl J Med. 2015 Nov 26;373(22):2103-16. doi: 10.1056/NEJMoa1511939. Epub 2015 Nov 9. Erratum in: N Engl J Med. 2017 Dec 21;377(25):2506.
return to top