✴️ Quan điểm về thai to theo ACOG 2020

Nội dung

???? Trong thực hành sản khoa rất thường gặp các trường hợp nghi ngờ thai to (Macrosomia). Khi cân nặng lúc sinh tăng lên thì khả năng bất thường gặp trong quá trình chuyển dạ cũng tăng lên, như: mắc vai, chấn thương lúc sinh và các thương tổn vĩnh viễn cho trẻ.

???? Vào tháng 1/2020, Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã ban hành hướng dẫn lâm sàng dựa trên mức độ khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị thai to, thay thế cho bản hướng dẫn trước vào tháng 10/2016, nhằm mục đích xác định các nguy cơ, đánh giá độ chính xác và các hạn chế của các phương pháp ước lượng cân nặng thai, gợi ý về điều trị lâm sàng cho các sản phụ nghi ngờ có thai to.

✅ Những cập nhật về quan điểm mới

1️⃣ Dự đoán cân nặng lúc sinh không hoàn toàn chính xác khi đánh giá bằng siêu âm hoặc dựa vào lâm sàng. Đối với các trường hợp nghi ngờ thai to, ước lượng cân nặng bằng siêu âm sinh trắc có độ chính xác không tốt hơn so với khám bụng.

2️⃣ Sản phụ nếu không có chống chỉ định nên được khuyến cáo tập luyện các bài tập aerobic và bài tập vận động thể lực trong khi mang thai để giảm nguy cơ thai to.

3️⃣ Kiểm soát đái tháo đường ở người mẹ làm giảm nguy cơ của thai to, vì vậy, kiểm soát đường máu mẹ được khuyến cáo ở các sản phụ có đáo tháo đường thai kỳ.

✅ Về tính các chỉ số liên quan thai

1️⃣ Tương tự với ước tính cân nặng thai dựa trên lâm sàng, siêu âm có thể được xem là công cụ hiệu quả nhất để loại trừ thai to, điều này có thể giúp giảm tử vong mẹ và con.

2️⃣ Về lợi ích sức khoẻ, đặc biệt là đối với kết cục thai kỳ, khuyến cáo tư vấn sản khoa ở các bệnh nhân béo phì về lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật giảm béo.

3️⃣ Trường hợp nghi ngờ thai to hay thai có cân nặng cao thì không phải là chỉ định để khởi phát chuyển dạ trước 39 0/7 tuần vì không có đủ bằng chứng về lợi ích của việc giảm biến chứng mắc vai có thể ưu thế hơn so với nguy cơ của việc sinh sớm.

✅ Giá trị của việc dự đoán:

1️⃣ Mặc dù việc dự đoán thai to là không chính xác, mổ lấy thai theo kế hoạch có thể có ích đối với trẻ sơ sinh nghi thai to khi cân nặng ước lượng ít nhất là 5000 g ở sản phụ không có đái tháo đường và khi cân nặng ước lượng ít nhất 4500 g ở sản phụ có đái tháo đường.

2️⃣ Ở những sản phụ nghi ngờ thai to nên được tư vấn cụ thể từng trường hợp về các nguy cơ và lợi ích của sinh đường âm đạo và sinh mổ dựa trên mức độ nghi ngờ thai to và các mối lo ngại liên quan.

3️⃣ Một vấn đề cũng đáng quan tâm đối với bệnh nhân và bác sĩ sản phụ khoa hay các nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa, đó là xem xét đến cân nặng lúc sinh của trẻ ở lần sinh trước đó và cân nặng dự đoán ở lần sinh này khi đưa ra quyết định về việc sinh thường sau khi đã có mổ lấy thai, tuy nhiên, nghi ngờ thai to không phải là một chống chỉ định của sinh thường sau mổ lấy thai.

4️⃣ Mặc dù việc đưa ra một định nghĩa được chấp nhận toàn cầu đối với thai to còn khó khăn, tuy nhiên thuật ngữ “Thai to” được dùng để chỉ sự phát triển cân nặng của thai quá mức cho phép, trước đây lấy mốc 4000 g hoặc 4500g ở bất kể tuổi thai nào.

____________________________________________

???? tài liệu tham khảo:

1. ACOG Practice Bulletin No. 216: Macrosomia. Obstet Gynecol. 2020 Jan;135(1):e18-e35.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31856124/

2. Doty MS, Chen HY, Sibai BM, et al. Maternal and neonatal morbidity associated with early term delivery of large-for-gestational-age but nonmacrosomic neonates. Obstet Gynecol 2019;133:1160–6.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31135729/

3. Martin JA, Hamilton BE, Osterman MJK, Driscoll AK, Drake P. Births: final data for 2017. Natl Vital Stat Rep 2018;67(8):1–50. (Level II-3)

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30707672/

4. Wang J, Moore D, Subramanian A, Cheng KK, Toulis KA, Qiu X, et al. Gestational dyslipidaemia and adverse birthweight outcomes: a systematic review and meta-analysis. Obes Rev 2018;19:1256–68. (Systematic Review and Meta-Analysis)

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29786159/

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top