✴️ Xử trí ong đốt ở trẻ em

Nội dung

Ở nước ta, các loại ong đốt người đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Các loại ong đó là: ong mật, ong vàng, ong vò vẽ (ong bắp cày), ong nghệ (ong bầu)… Điểm khác biệt giữa ong mật với các loại ong khác là khi đốt, vòi của ong mật bị đứt, đoạn đứt có chứa những túi nọc độc bị giữ lại trong da của nạn nhân, trong khi đó các loại ong khác thì chúng có thể rút vòi ra và đốt được nhiều lần.

Nọc độc của các loài ong có đặc điểm chung là chứa một protein có tính kháng nguyên cao, có khả năng làm tăng IgE qua con đường đáp ứng miễn dịch dịch thể ở những người bị ong đốt. Ngoài ra, trong nọc ong có các amin sinh học, phospholipase, phosphatase và hyaluronidase.

Biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong ở tất cả các loại ong là sốc phản vệ. Riêng ở ong vò vẽ: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), suy đa cơ quan.

ĐÁNH GIÁ LÂM SÀNG

Phản ứng gây ra do nọc ong có nhiều hình thái và mức độ khác nhau.

Trong thực tế, người ta phân ra 4 nhóm mức độ phản ứng dị ứng:

+ Nhóm 1: Những trường hợp chỉ có phản ứng tại chỗ đốt: Nốt sẩn tại chỗ, đau, ngứa

+ Nhóm 2: Phản ứng toàn thân mức độ nhẹ:

  • Cảm giác bỏng rát miệng
  • Ngứa môi, miệng, họng
  • Cảm giác nóng bức
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Ban sẩn mề đay
  • Phù mạch
  • Sung huyết kết mạc

+ Nhóm 3: Phản ứng toàn thân mức độ nặng:

  • Ho, thở khò khè
  • Mất, giảm nhu động ruột
  • Vã mồ hôi
  • Kích thích
  • Co thắt phế quản
  • Nhịp tim nhanh
  • Xanh tái

+ Nhóm 4: Phản ứng toàn thân mức độ rất nặng:

  • Khó thở 
  • Trụy mạch
  • Nôn, đái ỉa không tựchủ
  • Co thắt phế quản nặng
  • Phù thanh quản
  • Sốc
  • Ngừng thở
  • Ngừng tim

Có khoảng 0,5 – 5% số người bị ong đốt biểu hiện triệu chứng nặng của nhóm 4.

 

XỬ TRÍ

Nguyên tắc điều trị:

Phát hiện và điều trị ngay sốc phản vệ.

Chăm sóc tại chỗ vết đốt.

Điều trị biến chứng.

Điều trị tại tuyến cơ sở

Cấp cứu ngừng thở ngừng tim nếu có.

Điều trị sốc phản vệ: Adrenalin 1‰ liều 0,3ml (TDD).

Sơ cứu vết ong đốt:

+ Dùng kẹp rút ngòi đốt kèm túi nọc ong trên da (ong mật).

+ Rửa sạch, sát trùng da nơi vết ong đốt bằng Alcool Povidin 10%.

Điều trị ngoại trú: trong trường hợp không có phản ứng sốc phản vệ, ong mật đốt, ong vò vẽ < 10 vết đốt.

+ Thuốc giảm đau Paracetamol.

+ Hướng dẫn thân nhân cách chăm sóc và theo dõi tại nhà: lượng nước tiểu,dấu hiệu nặng cần tái khám ngay: tiểu ít, thay đổi màu nước tiểu, khó thở.

Tiêu chuẩn chuyển viện:

+ Sốc phản vệ sau khi cấp cứu.

+ Ong vò vẽ đốt > 10 vết đốt.

+ Tiều ít, tiểu đỏ hoặc màu đen.

Điều trị tại tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương

*Tiểu Hemoglobine và Myoglobine: thường xuất hiện sau 24-72 giờ do tánhuyết (tiểu hemoglobine), hủy cơ (tiểu myoglobine).

Thiếu máu cần bù máu (tán huyết, tiểu hemoglobine).

Truyền dịch:

+ Tất cả trường hợp có số mũi ong vò vẽ đốt nhiều (> 10 mũi) hoặc có tiểu ít, tiểu đỏ hoặc màu đen.

+ Lượng dịch tăng hơn nhu cầu (khoảng gấp rưỡi nhu cầu) để tăng thải độc tố ong vò vẽ phòng ngừa suy thận do tiểu Hemoglobin, Myoglobin.

Điều chỉnh rối loạn điện giải, đặc biệt chú ý tăng kali máu.

Tiểu Myoglobin: kiềm hóa nước tiểu để tăng thải myoglobin qua thận.

Dung dịch Dextrose 5% trong 0,45% saline 500ml (Dextrose 10% 250 ml+ Normalsalin 250 ml), pha thêm 50 ml Natri Bicarbonate 4,2%. Truyền tốc độ 7 ml/kg/giờ đến khi không còn tiểu myoglobine, thường ở ngày thứ 3.

Có thể xem xét kết hợp với truyền dung dịch Manitol 20% trong 1-2 ngày đầu, liều 0,5g/kg/lần, chống chỉ định trong trường hợp suy thận, quá tải.

Giữ pH nước tiểu > 6,5.

*Suy thận cấp: Suy thận cấp là biến chứng muộn (3-5 ngày) thường gặp ở ong vò vẽ đốt trên 20 mũi. Suy thận là do tổn thương trực tiếp của độc tố trên thận hay do hậu quả tiểu myoglobin hoặc hemoglobin. Vì vậy các trường hợp ong vò vẽ đốt trong những ngày đầu phải theo dõi sát lượng dịch nhập, nước tiểu và xét nghiệm TPTNT, chức năng thận mỗi ngày nhất là các trường hợp có tiểu Hemoglobin và myoglobin.

Hạn chế dịch, điều trị rối loạn điện giải. Thường suy thận cấp do ong đốt tựhồi phục không di chứng sau 14-21 ngày.

Chỉ định lọc thận hay thẩm phân phúc mạc:

+ Phù phổi cấp.

+ Tăng kali máu nặng không đáp ứng điều trị nội khoa.

+ Toan máu không đáp ứng Bicarbonate.

+ Hội chứng urê huyết cao.

*Suy hô hấp:

Suy hô hấp do ARDS xuất hiện sớm trong 24-48 giờ đầu kèm hình ảnh phù phổi trên X-quang nhưng CVP bình thường.

Điều trị: thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP) hay thở máy với PEEP cao 6 - 10 cm H2O.

*Suy đa cơ quan:

Lọc máu liên tục có tác dụng lấy bớt độc tố ong và các cytokine.

Hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt kèm tổn thương đa cơ quan.

Cần xem xét chỉ định lọc máu sớm ngay khi bệnh nhân có biểu hiện tổnthương ≥ 2 cơ quan.

*Điều trị rối loạn điện giải, đặc biệt tăng kali máu do tán huyết hủy cơ, suy thận.

*Kháng sinh: 

Nếu có nhiễm trùng vết đốt hay do ong vò vẽ đốt > 10 mũi: kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1: Cephalexin 25 - 50 mg/kg/ngày (U), chia 3 - 4 lần.

Nếu có bằng chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt, bạch cầu tăng chuyểntrái hoặc tổn thương đa cơ quan: Cefazolin 50 - 100 mg/kg/ngày TM, cần giảm liều khi suy thận.

*Corticoid: không chỉ định thường qui, chỉ dùng khi có phản ứng phản vệ.

*Lọc máu liên tục:

- Chỉ định:

+ Suy thận kèm huyết động học không ổn định.

+ Tổn thương ≥ 2 cơ quan.

*Theo dõi:

Dấu hiệu sinh tồn, lượng nước tiểu, màu sắc nước tiểu.

Lượng xuất nhập, cân nặng mỗi ngày khi biểu hiện thiểu niệu.

Ion đồ, TPTNT.

 

PHÒNG NGỪA

Phá bỏ tổ ong ngay khi phát hiện.

Không cho trẻ đến gần hoặc chọc phá tổ ong.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top