Với cận thị ở trẻ em thì điều phiền toái thường gặp với bản thân trẻ và cha mẹ chúng là việc thường xuyên phải thay kính. Bên cạnh đó, trẻ cận thị nặng còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý tại mắt như bong võng mạc, thoái hoá hoàng điểm… Các bác sĩ ở nhiều quốc gia đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tìm kiếm loại thuốc có thể làm chậm tiến triển cận thị và họ đã phát hiện ra công dụng mới của atropine.
Cận thị gia tăng mạnh trong vài thập niên gần đây, là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực. Tại Mỹ, ước chừng có 42% trẻ em cận thị, tăng 25% so với thập niên 70. Báo cáo của các nước châu Á trên trẻ em cận thị chiếm tỷ lệ 80-90%. Điều lo ngại cho trẻ cận thị không chỉ là việc thay và mua kính gọng hay kính tiếp xúc mới mà còn là những biến chứng tiềm tàng và nguy hiểm nếu cận thị mức nặng - số kính cao như bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, đục thể thủy tinh và glôcôm sắc tố. Rất nhiều nghiên cứu viên nhãn khoa hy vọng giảm thiểu được số người cận thị số cao, do vậy cũng giảm thiểu được người bị những biến chứng vừa nêu. Một trong những cứu cánh của họ chính là atropine.
Đã nhiều năm các bác sĩ mắt dùng dung dịch atropine nhỏ mắt 1% để điều trị lác, nhược thị, hay như một loại thuốc thay thế. Các bác sĩ mắt ở châu Á, nơi mà cận thị đang ở mức cảnh báo bắt đầu nghiên cứu dùng atropine nhỏ mắt để làm chậm lại cận thị tiến triển từ những năm 80. Nhưng mãi đến năm 2000 vẫn chưa có những nghiên cứu nghiêm túc để đánh giá tác dụng và độ an toàn của loại thuốc này. Các bác sĩ dùng atropine với nồng độ khác nhau để điều trị cận thị cho thấy, dùng ở nồng độ cao, atropine gây giãn đồng tử trong một tuần, do vậy gây các tác dụng phụ như nhìn mờ khi đọc sách, sợ ánh sáng. Trẻ đang đeo kính phải chuyển sang dùng kính 2 tròng hoặc kính màu, thêm nữa, thuốc có thể gây kích ứng da. Chính những tác dụng phụ của thuốc làm người ta không ưa dùng atropine, đặc biệt là ở Mỹ. Tuy nhiên, TS. David Hunter - Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Nhi Boston, Đại học Y Harvard trong nghiên cứu gần đây của mình đã chứng tỏ nồng độ atropine thấp hơn gần như không có tác dụng phụ còn nhóm của BS. Donald T.Tan - giáo sư nhãn khoa, nghiên cứu viên chính của Viện Nghiên cứu và Viện Mắt Quốc gia Singapore đã tìm ra nồng độ thấp nhất của atropine có tác dụng với cận thị qua các quãng thời gian, đồng tử không bị giãn quá 1mm và gần như không bị mất thị lực nhìn gần, giúp cho đọc sách và nhìn vật tiêu gần không bị ảnh hưởng.
BS. Donald T. Tan cho biết, một ngày nào đó, điều này có thể thực hiện được. Trong 5 năm tiến hành thử nghiệm lâm sàng, dung dịch atropine 0.01% tỏ ra có tác dụng làm chậm đi tiến triển của cận thị trên 50% các trường hợp và hầu hết không gây tác dụng phụ. Các khám phá cũng gợi ý rằng loại thuốc này cũng là ứng cử viên tiềm tàng để trở thành phương thuốc điều trị hiệu quả chống lại trào lưu cận thị trên toàn thế giới. Cùng với các can thiệp khác, phương pháp điều trị trên có thể trở thành phương pháp dự phòng tuyệt vời đối với giảm thị lực do cận thị cho trẻ em trên toàn thế giới, Dr. Tan nhấn mạnh.
Hiện nay, cơ chế hoạt động của atropine trong việc giảm nhẹ cận thị còn chưa được hiểu biết tường tận. Các chuyên gia cho rằng cần xác định khi nào thì điều trị này an toàn, thuốc nhỏ trong bao nhiêu lâu thì có tác dụng. Cần có thêm những nghiên cứu trên atropine với cận thị tiến triển tiến hành tại châu Âu, Nhật Bản để giúp trả lời những câu hỏi trên. Nhưng với tỷ lệ cận thị tăng vọt như hiện nay, nó có thể là công cụ chính để điều trị căn bệnh này ở trẻ em.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh