✴️ Tổng quan mới về tác dụng của gừng trong điều trị đau nửa đầu

Nội dung

Mở đầu

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale, trong nhiều năm gần đây, những được ứng dụng nhiều trong các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng để làm rõ những lợi ích của gừng tươi, chiết xuất gừng cũng như phát hiện thành phần cơ lợi của gừng trong vấn đề phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý mạn tính.

Gừng chứa nhiều hợp chất hóa học, bao gồm terpene, polysaccharide, lipid và acid hữu cơ, trong số những hợp chất này, 6-shogaol, 6-gingerol và 10-dehydrogingerdione được cho là những hợp chất quan trọng nhất. Ngoài ra, gừng cũng chứa các hợp chất chống oxy hóa và có tác dụng kháng viêm. Gừng cũng chứa một lượng nhỏ prostaglandin và làm giảm nhẹ một số chỉ số lipid và đường huyết.

Một số ứng dụng của gừng trong lâm sàng

Ứng dụng được biết đến nhiều nhất của gừng có thể là điều trị buồn nôn và nôn, chẳng hạn nôn và buồn nôn trong thai kỳ, hóa trị liệu, hậu phẫu và say tàu xe. Gừng cũng mang lại một số lợi ích trong việc điều trị đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. Một số giả thuyết về lợi ích của gừng đối với các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, khó tiêu, đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư cũng đã được đặt ra.

Gừng cũng có vai trò quan trọng trọng tâm thần-thần kinh, chẳng hạn trong cơ chế bệnh sinh của sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, ngày nay, gừng được nghiên cứu nhiều về những lợi ích trong điều trị đau nửa đầu.

Đau nửa đầu

Đau nửa đầu thường đi kèm với một số các bệnh lý tâm thần-thần kinh khác chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, động kinh và rối loạn vận động. Đau nửa đầu còn liên quan đến việc làm tăng nguy cơ của một số rối loạn tâm thần-thần kinh khác như đột quỵ và sa sút trí tuệ.

Kiểm soát đau nửa đầu bao gồm việc xác định và loại trừ các nguyên nhân khởi phát cơn đau nửa đầu ở bệnh nhân. Một số yếu tố gây khởi phát cơn đau nửa đầu thường gặp ở bệnh nhân là bỏ bữa ăn, uống thức uống có chứa caffeine, uống rượu, ăn phô mai, chocolate, quả hạch, hoa quả sấy khô. Các biện pháp điều trị bằng thuốc và không bằng thuốc cũng được áp dụng để phòng ngừa và làm giảm tần suất cơn đau nửa đầu. Một số thuốc điều trị thường được kê đơn để điều trị bệnh nhân đau nửa đầu là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và triptan. Một số thuốc được kê đơn để phòng ngừa đau nửa đầu bao gồm chẹn beta, topiramate, valproate và thuốc chống trầm cảm.

Mặc dù đau nửa đầu là tình trạng phổ biến, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót trong điều trị đau nửa đầu. Đây có thể là hậu quả của việc chậm trễ trong chẩn đoán, dự phòng và điều trị. Do vậy, bệnh nhân thường không được điều trị kịp thời bằng thuốc. Trong những tình huống này, các biện pháp điều trị tại nhà (chẳng hạn gừng) có thể là một giải pháp hữu hiệu cho bệnh nhân.

Gừng trong điều trị đau nửa đầu

Gừng được xem là một tác nhân hiệu quả để điều trị đau nửa đầu, giảm đau đầu và một số tình trạng liên quan đến buồn nôn tại nhà.

Do vậy, đã có một vài nghiên cứu về những lợi ích này của gừng để để cung cấp bằng chứng khoa học. Trong đó có tổng quan hệ thống và phân tích gộp của nhóm tác giả Chen và Cai từ 3 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng với tổng cộng 227 bệnh nhân được phân thành 2 nhóm điều trị bằng gừng và placebo. Trong đó có 2 nghiên cứu khảo sát hiệu lực điều trị của gừng và 1 nghiên cứu về hiệu lực dự phòng của gừng. Trong 2 nghiên cứu về hiệu lực điều trị, gừng đã cho thấy hiệu quả làm giảm điểm đau trung bình cũng như làm tăng tỷ lệ bệnh nhân hết đau sau 2 giờ so với nhóm placebo. Gừng cũng làm giảm nguy cơ buồn nôn và nôn liên quan đến đau nửa đầu, gừng cũng không làm tăng nguy cơ gặp phải những tác động bất lợi trong điều trị. Trong nghiên cứu về hiệu lực dự phòng của gừng, có 42% bệnh nhân ở nhóm được điều trị bằng gừng (so với 39% ở nhóm placebo) có tần suất đau nửa đầu giảm hàng tháng, tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Bàn luận

Gừng tươi hoặc chiết xuất gừng có thể có lợi để điều trị đau nửa đầu tại nhà cho những bệnh nhân không được đánh giá hoặc không được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, gừng có bằng chứng hạn chế về tác dụng phòng ngừa đau nửa đầu, vì vậy đối với phòng ngừa đau nửa đầu, tạm thời vẫn chưa có kết luận cụ thể. Cho tới nay vẫn chưa xác định được thành phần mang lại lợi ích trong điều trị đau nửa đầu của gừng, do vậy cần lưu ý rằng lợi ích của gừng có thể biến đổi theo vị trí, nguồn gốc và thành phần hóa học.


Nguồn

  1. C. Ginger for migraine. J Clin Psychiatry. 2021;82(6):21f14325. DOI: 10.4088/JCP.21f14325
  2. Chen L, Cai Z. The efficacy of ginger for the treatment of migraine: a meta-analysis of randomized controlled studies. Am J Emerg Med. 2021;46:567–571

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top