Phương pháp phòng vấn sâu và thảo luận nhóm trong nghiên cứu định tính

Nội dung

1. Phỏng vấn sâu

Phỏng vấn sâu là gì? Khi nào bạn có một cuộc phỏng vấn sâu?

Phỏng vấn trong nghiên cứu định tính nhằm mô tả ý nghĩa của các chủ đề trung tâm của một số đối tượng cụ thể. Theo nghiên cứu của Kvale (1996), nhiệm vụ chính của việc phỏng vấn là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, ý nghĩa và khám phá các yếu tố mới thông qua đối tượng trả lời.

Những người phỏng vấn chuyên nghiệp có thể tận dụng buổi trò chuyện với các đáp viên để đào sâu và mở rộng thông tin xung quanh chủ đề được định sẵn. Khi thực hiện phỏng vấn, nhà nghiên cứu cần phải theo dõi thái độ, hành vi của đáp viên để ghi nhận và điều tra thêm thông tin dựa trên biểu hiện của họ (McNamara, 1999).

4 phương pháp phỏng vấn sâu hữu dụng trong nghiên cứu định tính

  • Phỏng vấn mang tính chất trò chuyện, thân mật

Phỏng vấn mang tính chất trò chuyện thân mật: Không có câu hỏi định trước nào được đặt ra, hoàn toàn ngẫu hứng theo tiến trình của câu chuyện. Phương pháp này giúp người phỏng vấn và người tham gia có được bầu không khí trao đổi cởi mở, thoải mái và dễ chia sẻ nhất. Đây cũng là phương pháp dễ thích nghi nhất đối với cả người phỏng vấn và đáp viên.

  • Phương pháp tiếp cận hướng dẫn chung/tiếp cận bán cấu trúc

Phương pháp phỏng vấn có hướng dẫn chung/ tiếp cận bán cấu trúc nhằm mục đích đảm bảo thu thập được cùng khoảng thông tin chung giống nhau từ những người tham gia phỏng vấn. Điều này giúp cuộc phỏng vấn có tính tập trung cao hơn so với phương pháp phỏng vấn theo hướng trò chuyện, thân mật; đồng thời, giúp rút ngắn thời gian phỏng vấn cho cả hai bên. Bên cạnh đó, vì người phỏng vấn chỉ hướng dẫn sơ qua cho đáp viên, nên phương pháp này vẫn đảm bảo mức độ tự do chia sẻ thông tin và khả năng thích ứng trong việc thu thập thông tin từ người tham gia phỏng vấn.

  • Phương pháp phỏng vấn tiêu chuẩn hóa, kết thúc mở

Phương pháp phỏng vấn tiêu chuẩn hóa, kết thúc mở là đặt ra các câu hỏi mở giống nhau cho tất cả những người tham gia phỏng vấn. Cách tiếp cận này tạo điều kiện cho cuộc phỏng vấn diễn ra nhanh hơn.

Đồng thời, người phỏng vấn đảm bảo được việc thu thập thông tin trong một phạm vi lĩnh vực cụ thể, nhưng vẫn đảm bảo được việc khám phá ra các yếu tố mới nhờ vào việc đặt câu hỏi mở cho các đáp viên.

  • Phương pháp phỏng vấn cấu trúc cố định

Trong phương pháp phỏng vấn có cấu trúc cố định, câu trả lời cố định, tất cả những người tham gia phỏng vấn được hỏi những câu hỏi giống nhau và được yêu cầu chọn câu trả lời trong số các lựa chọn đã được định sẵn, kể cả những lựa chọn thay thế.

Cách tiếp cận này giúp tối ưu hóa thời gian phỏng vấn, thông tin thu thập được cố định, dễ phân tích. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là hạn chế sự đào sâu, khám phá các yếu tố mới thông qua câu trả lời của đáp viên.


2. Thảo luận nhóm

Một nhóm tập trung thường bao gồm từ 6 đến 8 người có chung một số đặc điểm nhất định phù hợp với chủ đề cuộc thảo luận, ví dụ cùng một trình độ học vấn, cùng một độ tuổi, cùng một giới tính ...

Thảo luận nhóm tập trung (TLNTT) thường được sử dụng để đánh giá các nhu cầu, các biện pháp can thiệp, thử nghiệm các ý tưởng hoặc chương trình mới, cải thiện chương trình hiện tại và thu thập các thông tin về một chủ đề nào đó phục vụ cho việc xây dựng bộ câu hỏi có cấu trúc ... ...

Ưu điểm của phương pháp

- Cung cấp một khối lượng thông tin đáng kể một cách nhanh chóng và rẻ hơn so với phỏng vấn cá nhân.

- Rất có giá trị trong việc tìm hiểu quan niệm, thái độ và hành vi của cộng đồng

- Hỗ trợ việc xác định những câu hỏi phù hợp cho phỏng vấn cá nhân

Nhược điểm

- Nghiên cứu viên khó kiểm soát động thái của quá trình thảo luận so với phỏng vấn cá nhân.

- Thảo luận nhóm tập trung không thể đưa ra tần suất phân bố của các quan niệm và hành vi trong cộng đồng.

- Kết quả TLNTT thường khó phân tích hơn so với phỏng vấn cá nhân.

- Số lượng vấn đề đặt ra trong TLNTT có thể ít hơn so với PV cá nhân

- Việc chi chép lại thông tin và chi tiết của cuộc thảo luận nhóm tập trung rất khó, nhất là việc gỡ băng ghi âm.

return to top