✴️ Đoạn chi do tiểu đường

Nội dung

Bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) thường dễ bị tổn thương thần kinh và có các vấn đề về mạch máu. Trong một số trường hợp, việc cắt bỏ bàn chân hoặc đoạn chi dưới của người bệnh có thể phải được thực hiện. Tuy nhiên, điều trị hiệu quả thường có thể phòng tránh được biến chứng này.

Đối với bệnh nhân ĐTĐ, việc giảm lưu lượng máu đến bàn chân làm tăng nguy cơ bị thương hoặc vết loét tại khu vực này. Nếu người bệnh có vấn đề về thần kinh và bị mất cảm giác ở bàn chân, họ có thể ít khi chú ý đến các vết loét ở bàn chân hoặc chân trước khi chúng trở nên trầm trọng.

Đối với các vấn đề mạch máu, cụ thể như bệnh mạch máu ngoại vi (PAD), những vết loét này có thể không lành và dẫn tới nhiễm trùng, chết mô và có khả năng phải cắt bỏ chi dưới.

Mặc dù người bệnh ĐTĐ có nhiều nguy cơ phải đoạn chi nhưng có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp phải đoạn chi bằng cách đi giày dép phù hợp và chăm sóc tốt bàn chân.

 

1. Thực trạng đoạn chi ở bệnh nhân đái tháo đường

ĐTĐ là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới đoạn chi. Theo Hiệp hội Đái tháo đường của Mỹ, trên thế giới, cứ 30 giây lại có một người bị mất một chi do các biến chứng liên quan tới ĐTĐ. Theo một nghiên cứu năm 2012 cho thấy loét bàn chân xảy ra ở 4 – 10% bệnh nhân ĐTĐ. Khi bị loét chân, đa số có tiên lượng tốt:

  • 60–80% vết loét ở chân sẽ lành lại.
  • 10–15% vẫn sẽ tiến triển.
  • 5–24% cuối cùng sẽ dẫn đến cắt cụt chi trong vòng 6–18 tháng kể từ lần đánh giá ban đầu.

Theo Báo cáo thống kê ĐTĐ quốc gia của Mỹ năm 2014 có 108000 người lớn bị cắt cụt chi dưới liên quan đến ĐTĐ, cụ thể cứ trong 1000 bệnh nhân ĐTĐ thì có 5 người bị đoạn chi.

 

2. Khi nào thực hiện đoạn chi?

Không phải người bệnh ĐTĐ nào cũng cần phải đoạn chi, điều này xảy ra thường là do vết thương hoặc vết loét ở bàn chân hoặc cẳng chân không lành được. Hầu hết các trường hợp đoạn chi được thực hiện theo một tiến trình. Đầu tiên, bác sĩ sẽ loại bỏ một lượng mô nhỏ nhất có thể. Nếu vết thương phẫu thuật không lành hoặc lượng máu tới chi không đủ thì họ có thể đề nghị phẫu thuật tiếp để loại bỏ thêm mô.

Khi nào thực hiện đoạn chi

 

3. Dấu hiệu cảnh báo

Những người sống chung với bệnh nhân ĐTĐ nên chú ý đến bàn chân của người bệnh vì các vết thương ở bàn chân có nguy cơ cao không lành dẫn tới khả năng phải đoạn chi. Một số dấu hiệu và triệu chứng mà chúng ta nên chú ý và đi khám bác sĩ như:

  • Nổi mụn nước.
  • Móng chân mọc ngược.
  • Mụn cóc bàn chân.
  • Lở loét.
  • Bệnh bàn chân lực sĩ (Athlete’s foot).
  • Một vết loét kéo dài hơn một tuần.
  • Sưng, nóng, đỏ, đau.
  • Chảy máu liên tục.
  • Xuất hiện các vết loét sâu, thậm chí có thể nhìn thấy xương.
  • Đổi màu da.
  • Mùi hôi từ vết thương.
  • Vết loét lớn hơn 2cm, lâu lành.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được điều trị sớm nhất. Các phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân gây ra vấn đề.

Việc quan trọng là người bệnh phải kiểm tra bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường thường xuyên để xác định các vấn đề tiềm ẩn càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị các vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.

 

4. Yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng tránh đoạn chi

Một số phương pháp có thể gíup bệnh nhân phòng tránh được việc đoạn chi. Hai vấn đề quan trọng cần phải chú ý đó là duy trì đường huyết và chăm sóc bàn chân đúng cách.

Duy trì đường huyết: Một số yếu tố lối sống có thể giúp bệnh nhân kiểm soát được nồng độ đường huyết như:

  • Giảm căng thẳng.
  • Tuân thủ chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Dùng thuốc và insulin theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Duy trì chế độ ăn gồm bữa chính và phụ một cách phù hợp.
  • Hạn chế thức ăn và đồ uống quá nhiều đường.
  • Duy trì cân nặng và huyết áp ở ngưỡng lý tưởng.
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Chăm sóc bàn chân: Chăm sóc tốt bàn chân là bước dự phòng quan trọng khác cần được thực hiện, bao gồm:

  • Kiểm tra bàn chân thường xuyên để tìm vết cắt, vết bầm tím, vết phồng rộp và vết xước, trường hợp hạn chế vận động có thể nhờ người thân hỗ trợ.
  • Vận động các ngón chân thường xuyên để kích thích lưu lượng máu.
  • Vệ sinh chân hằng ngày, đi tất khô và mang giày dép bảo hộ khi đi ra ngoài.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Cẩn thận tránh các vết xước khi cắt tỉa móng chân, tránh loại bỏ vết chai tại nhà.
  • Đi giày vừa với kích thước chân.
  • Đi khám bàn chân thường xuyên.

Ngoài ĐTĐ, các yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng bị đoạn chi, bao gồm:

  • Hút thuốc.
  • Bất thường ở bàn chân.
  • Tăng đường huyết.
  • Tăng huyết áp.
  • Đã thực hiện đoạn chi trước đó.
  • Lưu thông máu kém đến các chi.
  • Vết chai.
  • Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân.
  • Tiền sử loét bàn chân.
  • Suy giảm thị lực hoặc các vấn đề khác về mắt.
  • Bệnh thận.

 

5. Tiên lượng

Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ cao bị đoạn chi dưới. Các vết thương hoặc vết thương không lành là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới đoạn chi. Các yếu tố khác như nồng độ đường huyết cao và hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ cắt bỏ liên quan tới bàn chân, bao gồm đoạn chi.

Có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh bằng cách chăm sóc bàn chân, kiểm soát nồng độ đường huyết và điều trị ngay khi có bất kỳ vấn đề nào ở bàn chân.

Thực hiện chế độ ăn kiêng cân bằng, luyện tập thể thao thường xuyên và duy trì cân nặng cũng sẽ là biện pháp cần thiết giúp phòng tránh đoạn chi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top