✴️ Tổng quan về những phương pháp điều trị đái tháo đường (tiểu đường)

Những phương pháp điều trị tiểu đường phổ biến hiện nay

Vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường nhưng căn bệnh này có thể được điều trị và kiểm soát hiệu quả. Nhiều người bị tiểu đường tuýp 2 dạng nhẹ có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và luyện tập, thậm chí có thể không cần sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ dựa trên danh sách nhiều yếu tố để xem xét lựa chọn phương pháp điều trị cho bạn, bao gồm:

  • Độ tuổi
  • Tình trạng sức khỏe chung
  • Tiền sử mắc bệnh
  • Loại tiểu đường
  • Mức độ bệnh
  • Khả năng dung nạp đối với một vài loại thuốc
  • Phương thức hoặc liệu pháp điều trị trước đây
  • Dự đoán tiến triển của bệnh
  • Ý kiến và nguyện vọng của bạn.

Quá trình điều trị chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống và luyện tập, thuốc trị tiểu đường, insulin hoặc các loại thuốc tiêm khác.

Liệu pháp Insulin

Những người bị tiểu đường tuýp 1 cần đến liệu pháp insulin do tuyến tụy không tự sản xuất insulin được. Ở những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2, cơ thể không hấp thụ hiệu quả insulin hoặc tuyến tụy thường tiết ra quá ít insulin, dẫn đến một vài bệnh nhân phải sử dụng liệu pháp điều trị bằng insulin nếu những phương pháp điều trị khác không giúp duy trì lượng glucose ở mức an toàn.

Do các enzym ở dạ dày cản trở việc hấp thụ insulin, việc uống insulin không hiệu quả trong việc hạ đường huyết ở những người bị tiểu đường nặng. Insulin phải được truyền trực tiếp vào máu bằng cách tiêm. Những dụng cụ thường dùng để tiêm bao gồm ống và kim tiêm; bút tiêm insulin có hộp nhỏ chứa insulin hoặc ống bơm insulin chứa liều lượng phù hợp. Những loại insulin dạng hít mới cũng đã có mặt trên thị trường.

Không phải mọi loại insulin đều như nhau. Chúng khác nhau ở thời điểm bắt đầu tác dụng sau khi được tiêm, thời điểm hiệu quả đạt đỉnh và thời gian tồn tại trong cơ thể. Vì những lý do này, bác sĩ có thể kê đơn nhiều loại insulin khác nhau để sử dụng ở những thời điểm trong ngày, bao gồm:

  • Insulin tác dụng nhanh
  • Insulin tác dụng ngắn
  • Insulin tác dụng kéo dài
  • Các giải pháp trung gian.

 

Làm thế nào để kiểm soát bệnh tiểu đường?

Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu là cách duy nhất để biết lượng đường huyết có nằm trong khoảng mong muốn hay không. Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lượng glucose trong máu và gây ra nhiều biến động không mong muốn bao gồm:

  • Thức ăn
  • Chế độ vận động
  • Các loại thuốc
  • Bệnh khác
  • Các đồ uống chứa cồn
  • Thời điểm trong ngày
  • Căng thẳng.

Bạn kiểm tra lượng đường huyết và biết được cơ thể phản ứng với các yếu tố kể trên nhiều bao nhiêu thì bạn càng an toàn bấy nhiêu. Việc chú ý đến tất cả các dấu hiệu hạ hoặc tăng đường huyết có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng tiểu đường của bản thân. Nếu bạn có triệu chứng tăng hoặc hạ đường huyết, hãy lập tức kiểm tra lượng đường trong máu và điều trị thích hợp.

Một cách khác để kiểm tra tính hiệu quả của kế hoạch điều trị tiểu đường là xét nghiệm nồng độ HbA1C hay A1C. Đây không chỉ là tiêu chuẩn quốc tế trong việc chẩn đoán bệnh tiểu đường mà còn giúp đo lường lượng đường huyết trong khoảng 2 đến 3 tháng. Xét nghiệm này quyết định xem bạn có cần thay đổi chế độ ăn uống, phác đồ insulin và các yếu tố khác hay không. Mức A1C lý tưởng ở bệnh nhân thay đổi tùy theo độ tuổi và một số yếu tố khác. Hiệp hội tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến nghị chỉ số A1C dưới mức 7% ở một số người nhưng con số này không áp dụng cho tất cả mọi người. Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về mức HbA1C chỉ tiêu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top