Bệnh hở van tim và những điều bạn cần phải biết

Bệnh hở van tim là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không ngoại trừ bất kỳ ai. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Dưới đây là một vài thông tin hữu ích giúp người bệnh hiểu rõ về căn bệnh này.

 

1. Thế nào là bệnh hở van tim?

Bệnh hở van tim là hiện tượng van tim không thể đóng kín được. Trái tim của chúng ta được ví như một nhà, 4 buồng tim tương ứng với 4 căn phòng. 4 van tim van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi giống như những “cánh cửa” ngăn cách các các “căn phòng” trong ngôi nhà ấy.

Thông thường van tim sẽ đóng lại ngay sau khi máu được bơm đi khỏi buồng tim và di chuyển từ tâm nhĩ xuống tâm thất hoặc từ tâm thất phải lên động mạch phổi, tâm thất trái ra động mạch chủ theo một chiều cố định, ngăn không cho dòng máu chảy ngược trở lại. Nhưng đối với những bệnh nhân hở van tim thì các van này không thể đóng kín như bình thường, làm dòng máu trào ngược trở lại và gây ứ đọng máu tại đó.

Quá trình lưu thông máu vì vậy mà gặp trở ngại, việc đưa máu đi nuôi cơ thể trở nên khó khăn. Điều này sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.

 

Hở van tim đang là một căn bệnh phổ biến hiện nay, hãy tự trang bị thêm kiến thức cho bản thân để có một trái tim khỏe mạnh.

 

2. Phân loại và các mức độ của bệnh

2.1 Phân loại bệnh hở van tim

Hiện nay, hở van tim được phân thành 4 loại chính:

  • Hở van tim hai lá: Van hai lá nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái không thể đóng kín, khiến máu trào ngược trở lại nhĩ trái.
  • Hở van tim ba lá: Van ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải không thể đóng kín, máu trào ngược từ thất trái lên nhĩ trái.
  • Hở van động mạch chủ: Khi van tim nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ không thể đóng kín, một lượng máu từ động mạch chủ sẽ trào ngược trở lại buồng thất trái.
  • Hở van động mạch phổi: Van động mạch phổi nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Khi van này không thể đóng chặt, máu sẽ trào ngược về tâm thất phải.

2.2 Các mức độ của bệnh hở van tim

Dựa vào mức độ hở của van tim, có thể chia bệnh thành 4 cấp độ từ nhẹ đến rất nặng.

 

Dựa trên các hình ảnh siêu âm tim và độ hở của van tim, có thể chia hở van tim thành bốn mức độ:

  • Mức nhẹ (1/4): tỷ lệ chiếm hở khoảng 20%, bệnh sẽ dễ dàng điều trị nếu được phát hiện sớm.
  • Mức trung bình (2/4): tỷ lệ hở là 21-40%
  • Mức nặng (3/4): tỷ lệ hở là hơn 40%
  • Mức rất nặng (4/4): hơ hoàn toàn

 

3. Nguyên nhân gây bệnh hở van tim

Các nguyên nhân chính gây hở van tim gồm:

  • Bẩm sinh: Người bệnh có thể mắc các bệnh lý về tim ngay từ khi mới ra đời.
  • Các bệnh lý về tim khác:
    • Bệnh lý van tim do hậu khớp, thấp tim
    • Bệnh lý van tim do tuổi tác khiến các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa của người già
    • Một số bệnh lý hiếm gặp: cơ tim giãn nở, viêm nội tâm mạc, phình động mạch chủ,…
    • Dây chằng van tim bị hở, phần cơ giữ van tim bị đứt, bị giãn…

Ngoài ra còn một số yếu tố tác động khác cũng có thể khiến van tim bị hở như: u tim, lupus ban đỏ hệ thống, do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

 

4. Triệu chứng của người bị hở van tim

Ở giai đoạn đầu của bệnh với mức độ nhẹ, các triệu chứng của bệnh thường không biểu hiện rõ ràng nên bệnh nhân có thể khó nhận ra được. Có rất nhiều trường hợp khi tình cờ đi thăm khám người bệnh mới phát hiện ra mình bị mắc bệnh hở van tim.

Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có một số triệu chứng như:

  • Khó thở: Người bệnh sẽ thấy khó thở hơn vì máu bị thiếu oxy, đặc biệt là khi nằm sẽ khó thở hơn khi ngồi.

 

Khó thở triệu chứng điển hình của bệnh nhân hở van tim.

 

  • Mệt mỏi: Vì van tim hở khiến tim không đáp ứng đủ lượng máu đi nuôi cơ thể. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Đặc biệt, những người lao động quá sức có thể dẫn tới lao lực và bị ngất.
  • Tim đập nhanh: Khi xuất hiện triệu chứng này, bệnh nhân thường sẽ nhầm lẫn với bệnh rối loạn nhịp tim. Nhưng thực tế tim đập nhanh không kiểm soát có thể là dấu hiệu của hở van tim hai lá giai đoạn đầu.

Ngoài ra còn một số triệu chứng kèm theo như: hoa mắt, chóng mặt, ho nhiều nhất vào ban đêm, sưng chân hoặc mắt cá chân…

 

5. Hở van tim nguy hiểm đến mức nào?

Nếu bệnh hở van tim không điều trị kịp thời sẽ gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Nhất là những bệnh nhân nặng, nếu không có phác đồ điều trị phù hợp sẽ dẫn tới một số biến chứng nặng nề như:

  • Huyết khối
  • Suy tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Hội chứng mạch vành cấp
  • Đột quỵ

 

6. Phương pháp chẩn đoán hở van tim

Hiện nay, một số phương pháp được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh, đó là:

  • Điện tâm đồ
  • X-quang ngực
  • Siêu âm tim
  • Xét nghiệm máu xác định nồng độ các chất trong máu

 

7. Điều trị hở van tim

7.1 Các phương pháp điều trị chủ yếu

Tùy vào tình trạng bệnh nhân như mức độ hở van, thể lực, các bệnh lý đi kèm mà các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị gồm các phương pháp khác nhau.

Trong đó, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp được ưu tiên sử dụng trong những trường hợp bệnh nhẹ và vừa, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng như đau ngực, khó thở, mệt mỏi.

Cùng với đó là các loại thuốc nhằm điều trị các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu… để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp bệnh nặng và có nguy cơ gây biến chứng, các biện pháp khác có thể được xem xét sử dụng.

 

7.2 Các phương pháp điều trị hỗ trợ

Thay đổi lối sống lành mạnh và có chế ăn uống hợp lý:

  • Hạn chế ăn muối <3g/ngày
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá
  • Kiểm soát cân nặng vừa phải
  • Cân đối lượng nước đưa vào cơ thế
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm ăn nhanh và thực phẩm không rõ nguồn gốc
  • Bổ sung thực phẩm xanh, giàu vitamin

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về căn bệnh hở van tim hi vọng đã giúp bạn có thêm hiểu biết về căn bệnh này. Khi có bất kì một triệu chứng bất thường nào, hãy tới các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị kịp thời nhất. Hy vọng các bạn sẽ có một sức khỏe tốt để có một trái tim khỏe mạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top