Đề phòng bệnh thấp tim sau viêm họng

Bệnh thấp tim

Thấp tim là nguyên nhân phổ biến gây bệnh van tim, liên quan đến việc nhiễm vi khuẩn gọi là liên cầu khuẩn nhóm A. Đây là tình trạng liên cầu khuẩn nhiễm ở họng, gây viêm họng, sau đó xâm nhập đến tim, gây tổn thương van tim. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn đều dẫn tới thấp tim, mà chỉ có khoảng 3% số bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn nhóm A do không được điều trị triệt để nên tiến triển thành thấp tim. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, thường là 5 – 15 tuổi, đôi khi nhỏ hơn. Có khoảng phân nửa số bệnh nhân đã bị thấp tim sẽ tái phát các đợt thấp tim sau đó.

 

Biến chứng bệnh thấp tim sau viêm họng

Viêm họng thường xảy ra vào mùa lạnh, mùa mưa, trong đó 30% trường hợp do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra (còn lại do virút). Loại viêm họng này khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt, đau họng, nuốt đau, không sổ mũi. Khoảng hai đến ba tuần sau viêm họng, bệnh nhân bị viêm khớp, tập trung ở những khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, cổ chân và di chuyển nhanh từ khớp này sang khớp khác. Sau năm đến bảy ngày, khớp hết đau dù không điều trị gì, không để lại di chứng. Sau khi viêm họng, trong cơ thể xuất hiện kháng thể chống lại liên cầu khuẩn. Chính kháng thể này lại phá huỷ mô nội mạc tim và cơ tim, gây bệnh ở tim. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy tim cấp nguy hiểm đến tính mạng và để lại di chứng hở hẹp các van tim dẫn đến suy tim mạn tính.

 

Đề phòng biến chứng bệnh thấp tim sau viêm họng

Để phòng ngừa, cần vệ sinh răng, họng, miệng hàng ngày, tránh không để mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, VA, viêm xoang. Khi phát hiện trẻ bị viêm đường hô hấp do liên cầu khuẩn nhóm A, cần tích cực điều trị theo toa bác sĩ (dùng kháng sinh để loại trừ ngay sự nhiễm liên cầu khuẩn). Việc điều trị kịp thời và hợp lý giúp ngăn ngừa liên cầu khuẩn xâm nhập tim gây thấp tim.

Khi bị viêm họng khoảng 1-2 tuần, cần lưu ý nếu có các triệu chứng sau:

  • Sưng, nóng, đỏ, đau một hoặc nhiều khớp.
  • Mệt, khó thở, đau ngực, xanh xao, vã mồ hôi, phù, tiểu ít, hồi hộp, tim đập nhanh, tim to, sưng, đập yếu.
  • Tay chân yếu, cầm đồ đạc và cử động trở nên vụng về, dễ đánh rơi và làm vỡ đồ đạc, viết chữ xấu đi, dễ té ngã, có những cử động múa may tự phát không kiềm chế được.
  • Nổi những mảng hồng ban hình tròn ở thân người (gần nách, háng).
  • Nổi những nốt cục dưới da nhỏ như hạt đậu, ở cùi chỏ, đầu gối, ống quyển, dọc cột sống, da đầu.
  • Chảy máu cam, đau bụng, biếng ăn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top