Giải pháp cho bệnh nhân dị dạng động tĩnh mạch

Nội dung

Bệnh dị dạng động tĩnh mạch (AVM) hay gặp ở hệ thống thần kinh trung ương nhưng cũng có thể gặp ở mọi ví trí trong cơ thể. 

 

Bệnh dị dạng động tĩnh mạch (AVM) hay gặp ở hệ thống thần kinh trung ương nhưng cũng có thể gặp ở mọi ví trí trong cơ thể.

 

Dị dạng động tĩnh mạch là gì?

Bệnh xảy ra khi có sự nối thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch, thường do bẩm sinh. Dị dạng động tĩnh mạch không mang đặc tính di truyền. Bệnh thường phát hiện được ở nhóm người trẻ tuổi, trung niên (20-40 tuổi).

 

Triệu chứng dị dạng động tĩnh mạch

Triệu chứng của bệnh thay đổi tùy theo vị trí, kích thước, lưu lượng dòng chảy và các biến chứng. Ở giai đoạn sớm, chưa có biến chứng, đa số các trường hợp dị dạng động tĩnh mạch không có triệu chứng. Bệnh thường phát hiện được khi khám nghiệm tử thi hoặc tình cờ phát hiện được khi người mắc đang được điều trị bệnh khác.

Các biểu hiện thường gặp nhất bao gồm:

  • Đau đầu, động kinh với tính chất tùy thuộc vào vị trí tổn thương dị dạng và từng bệnh nhân.
  • Người bệnh có thể bị hạn chế vận động và phối hợp động tác. Cụ thể như yếu, liệt; chóng mặt; nói khó; rối loạn cảm giác (tê cóng, ngứa, đau); rối loạn trí nhớ (ảo giác, lẫn lộn, mất trí nhớ).

 

Nguyên nhân gây dị dạng động tĩnh mạch

Trong ổ dị dạng động tĩnh mạch, máu được lưu thông trực tiếp từ động mạch nuôi sang tĩnh mạch dẫn lưu, không có mao mạch nuôi dưỡng cho tổ chức xung quanh. Hậu quả là phần tổ chức xung quanh bị cướp máu, loạn dưỡng, thiếu máu và hoại tử. Ngoài ra, do máu lưu thông trực tiếp từ nơi có áp lực cao (động mạch) sang nơi có áp lực thấp (tĩnh mạch) nên sẽ có nguy cơ vỡ thành mạch và chảy máu, đặc biệt nguy hiểm với hệ thần kinh trung ương (não, tủy) và các tạng.

 

Việc chẩn đoán bệnh dị dạng động tĩnh mạch dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các kĩ thuật thăm dò hình ảnh
 

Chẩn đoán bệnh

Việc chẩn đoán bệnh dị dạng động tĩnh mạch dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các kĩ thuật thăm dò hình ảnh, bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau:

  • Siêu âm Doppler mạch máu
  • Chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA)
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA)
  • Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)

 

Phương pháp điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị, trong đó các phương pháp thường được áp dụng nhất hiện nay là:

  • Can thiệp nội mạch

Tuỳ theo vị trí và tính chất của ổ dị dạng, các ống thông (catheter), vi ống thông (microcatheter) được đưa vào trung tâm ổ dị dang (nidus) theo đường động mạch, tĩnh mạch hoặc chọc trực tiếp, sau đó đưa các vật liệu gây tắc mạch vào ổ dị dạng để lấp tắc toàn bộ các mạch máu dị dạng. Tuy nhiên việc nút mạch tùy thuộc vào kích thước mạch máu đến ổ dị dạng, nếu mạch máu quá nhỏ thì không thể thực hiện được. Nút mạch thường kết hợp với các phương pháp điều trị khác như xạ phẫu hoặc phẫu thuật.

  • Xạ phẫu

Một chùm bức xạ hẹp tập trung liều cao vào các AVM và liều rất thấp đến các tổ chức xung quanh, xạ phẫu được chỉ định trong điều trị AVM tại não. Bức xạ này khiến các AVM teo lại dần dần trong khoảng thời gian vài tháng đến 2 năm. Đây là phương pháp điều trị rất ít biến chứng, an toàn, hiệu quả, nhất là ở các vị trí có chức năng quan trọng trong não. Tuy nhiên trong thời gian đầu sau khi xạ phẫu khi ổ AVM chưa hoại tử hết, vẫn có nguy cơ bị chảy máu não.

  • Phẫu thuật

Đây là phương pháp cổ điển nhất để điều trị AVM, là phương pháp điều trị có hiệu quả tức thì và vĩnh viễn nếu AVM bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên nguy cơ rủi ro của phẫu thuật cao hơn nút mạch và xạ phẫu nhất là các ổ AVM ở sâu trong não hoặc ở các vị trí có chức năng quan trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top