Hiện tượng đánh trống ngực là gì?

Đánh trống ngực là cảm giác khi tim của bạn đập quá mạnh và quá nhanh, cảm giác như rung lên. Bạn có thể cảm thấy tim đập thình thịch ở ngực hoặc ở cổ.

Đánh trống ngực gây cảm giác khó chịu và lo lắng, nhưng thường không nguy hiểm và có thể tự hết. Hầu hết các trường hợp, đánh trống ngực thường liên quan đến căng thẳng và lo lắng hoặc sử dụng các chất kích thích như caffeine, nicotine hoặc rượu. Đánh trống ngực cũng thường xuất hiện khi mang thai.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, đánh trống ngực có thể là một dấu hiệu của bệnh lí tim mạch nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu bạn bị đánh trống ngực nhiều thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sỹ. Bạn cũng nên kiểm tra ngay nếu đánh trống ngực đi kèm với khó thở, chóng mặt, đau ngực hoặc ngất.

Bác sỹ sẽ hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán xác định hoặc tìm các bệnh lí nguyên nhân. Điều trị nguyên nhân có thể làm giảm hoặc hạn chế đánh trống ngực. Nếu bạn không có các bệnh lí nguyên nhân thì thay đổi lối sống như kiểm soát căng thẳng và tránh các yếu tố khởi phát sẽ có thể giúp bạn phòng ngừa bị đánh trống ngực.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra đánh trống ngực, có thể liên quan đến tim của bạn hoặc không.

Những nguyên nhân không liên quan đến tim mạch bao gồm:

  • Những cảm xúc mạnh như lo lắng, sợ hãi, hoặc căng thẳng; đánh trống ngực thường xảy ra khi có những cơn hoảng sợ.
  • Hoạt động thể lực mạnh
  • Sử dụng cafeine, nicotine, rượu, các thuốc cấm như cocain và amphetamin
  • Các bệnh tuyến giáp, đường máu thấp, thiếu máu, huyết áp thấp, sốt hoặc mất nước
  • Thay đổi hóc-môn trong chu kì kinh nguyệt, mang thai và thời kì tiền mãn kinh. Đánh trống ngực khi mang thai thường là một dấu hiệu của thiếu máu.
  • Các thuốc giảm cân, thuốc thông mũi, thuốc hít hen suyễn, và một số loại được sử dụng để ngăn ngừa chứng loạn nhịp tim hoặc điều trị suy giáp.
  • Một số thực phẩm chức năng thảo mộc và dinh dưỡng
  • Rối loạn điện giải
  • Một số người bị đánh trống ngực sau khi ăn những bữa ăn lớn chứa nhiều tinh bột, đường và chất béo. Đôi khi ăn những thức ăn có nhiều mononatri glutamat (MSG), nitrat hoặc natri có thể gây ra tình trạng này.
  • Nếu bạn bị đánh trống ngực sau khi ăn một số đồ ăn nhất định thì vấn đề có thể là do bạn nhạy cảm với chúng. Vì vậy, bạn có thể tránh sử dụng những thức ăn này và thay thế bằng các thực phẩm cùng nhóm.

Đánh trống ngực cũng có thể liên quan đến các bệnh lí tim mạch tiềm ẩn như:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Suy tim sung huyết, vấn đề về van tim hoặc bệnh lí cơ tim

 

Chẩn đoán

Bác sỹ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh cũng như những thuốc bạn đang dùng, chế độ ăn và lối sống. Bác sỹ cũng sẽ hỏi thời điểm, mức độ thường xuyên hoặc hoàn cảnh cụ thể bạn bị đánh trống ngực.

Đôi khi các xét nghiệm máu có thể chỉ ra tình trạng thiếu máu, rối loạn điện giải hoặc bất thường về tuyến giáp và giúp xác định nguyên nhân gây đánh trống ngực. Những xét nghiệm hữu ích khác bao gồm:

Điện tâm đồ: có thể được tiến hành khi bạn nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức. Điện tâm đồ sẽ ghi lại các tín hiệu điện học của tim và giúp xác định nhịp tim bất thường.

Holter điện tim: máy Holter được đeo ở ngực để ghi lại liên tục tín hiệu điện của tim trong vòng 24-48 giờ và có thể xác định được những bất thường về nhịp tim mà không quan sát được trên xét nghiệm điện tim định kì.

Chụp Xquang: giúp xác định một vài bất thường về tim của bạn

Siêu âm tim: cung cấp những thông tin chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim.

Nếu cần thiết, bác sỹ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán hoặc để điều trị.

Điều trị

Điều trị đánh trống ngực tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong hầu hết các trường hợp thì đánh trống ngực không có hại và sẽ tự hết mà không cần điều trị.

Nếu vấn đề của bạn không do các bệnh lí tiềm ẩn thì bác sỹ có thể khuyên bạn tránh các yếu tố khởi phát như:

  • Giảm lo lắng và căng thẳng: các bài tập thư giãn, Yoga, thái cực quyền...
  • Tránh một số loại thức ăn, đồ uống hoặc các chất như rượu, nicotine, cafeine và ma túy.
  • Tránh sử dụng các thuốc gây kích thích như thuốc ho và cảm lạnh, các thực phẩm chức năng thảo mộc và dinh dưỡng.

Nếu việc thay đổi lối sống không làm giảm đánh trống ngực, bác sỹ có thể chỉ định một số thuốc như thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi.

Nếu đánh trống ngực có liên quan đến các bệnh lí tiềm ẩn, ví dụ như thiếu máu, thì cần tập trung vào điều trị bệnh. Còn nếu nguyên nhân là do dùng thuốc thì bác sỹ sẽ đổi thuốc khác cho bạn. Khi đánh trống ngực có liên quan đến rối loạn nhịp tim thì cần được điều trị nội khoa hoặc các thủ thuật can thiệp tim mạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top