Huyết khối tĩnh mạch ở các bệnh nhân ung thư đã được mô tả lần đầu tiên bởi Armand Trouseau từ năm 1865. Cơ chế hình thành huyết khối do ung thư rất phức tạp và do nhiều yếu tố gây nên.
Điều đáng chú ý là tỷ lệ bệnh nhân ung thư có huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc nhồi máu phổi lên đến 20%. Theo Khorana và cộng sự thì huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở các bệnh nhân ung thư. Trong đó, các loại ung thư tụy, phổi, đường tiêu hóa, thận, vú và tiền liệt tuyến là những loại ung thư có nguy cơ hình thành huyết khối cao nhất.
Bệnh lý huyết khối là gánh nặng có thể ảnh hưởng lên cả hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Trong đó, huyết khối thuyên tắc tĩnh mạch bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) và thuyên tắc phổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thường gặp. Theo thống kê, hàng năm, VTE đe dọa tính mạng của hàng triệu người trên thế giới.
Tính riêng châu Âu, HKTMS đã là nguyên nhân tử vong của hơn 500.000 người mỗi năm, cao hơn gấp đôi tổng số bệnh nhân tử vong do AIDS, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và tai nạn giao thông. Hơn thế nữa, quan điểm mới về huyết khối tĩnh mạch không còn coi đó chỉ là một bệnh lý cấp tính từng giai đoạn mà là một quá trình tiến triển mạn tính cần theo dõi, điều trị và dự phòng lâu dài.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh đôi khi không điển hình. Chẩn đoán thuyên tắc - huyết khối dựa vào nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch, tính chất 1 bên của các triệu chứng lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (bao gồm các kỹ thuật xâm lấn và không xâm lấn).
Nguy cơ tái phát HKTMS cao nhất trong những tháng đầu sau khi được chẩn đoán xác định ung thư, nguy cơ này tồn tại trong nhiều năm sau khi xuất hiện triệu chứng của HKTMS. Quá trình điều trị hóa chất làm gia tăng nguy cơ mắc HKTMS lên 7 lần so với người không mắc ung thư. Khi phải nhập viện, tỷ lệ HKTMS ở người ung thư còn gia tăng hơn nữa. Thậm chí, nguy cơ tái phát HKTMS ở người mắc ung thư cao gấp 3 lần so với người có HKTMS đơn thuần.
Mối quan hệ giữa ung thư và tắc mạch là khá rõ ràng, tiến triển HKTMS ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến diễn tiến của người mắc ung thư...
Lĩnh vực ung thư - tim mạch (oncocardiology) là sự giao thoa giữa hai chuyên ngành lớn trong chăm sóc sức khỏe mạn tính, liên quan đến chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch ở người có ung thư.
Đối với người bệnh ung thư, các biện pháp điều trị mới (hóa chất, tia xạ) kéo dài tuổi thọ và cứu sống người bệnh, song cũng gây không ít độc tính và ảnh hưởng đối với bệnh tim mạch. Đối với người bệnh tim mạch, các biện pháp điều trị mới kéo dài sống còn, khiến khả năng phát hiện và gia tăng ung thư cũng bộc lộ rõ hơn.
HKTMS hiện nay là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong ở các bệnh nhân ung thư. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ hình thành HKTMS nằm trong khoảng từ 0,8 - 8%, cao nhất trong nhóm ung thư não, phổi, tử cung, bàng quang, tụy, dạ dày và thận. Bệnh nhân ung thư đã di căn có tỷ lệ mắc cao gấp 4 - 15 lần so với các bệnh nhân khác.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh