✴️ Rối loạn cảm xúc sau tai biến mạch máu não – những điều cần biết

Nội dung

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người cao tuổi. Song ngoài những di chứng thể chất, người bệnh còn phải đối diện với chứng rối loạn cảm xúc sau tai biến. Thống kê cho thấy, nguy cơ trầm cảm sau tai biến có thể lên đến 30-50%.

1. Nguy hiểm từ rối loạn cảm xúc sau tai biến mạch máu não

Sau tai biến mạch máu não, có thể dễ dàng nhận ra những di chứng thể chất ở người bệnh như: giật méo miệng, rối loạn thị giác, rối loạn cơ tròn. đại tiểu tiện mất kiểm soát, liệt vận động,… Nhưng những rối loạn cảm xúc sau tai biến lại chưa được nhiều người nhận thức đúng. Thống kê cho thấy, nguy cơ trầm cảm sau tai biến có thể lên đến 30-50%. Và có khi còn cao hơn nữa vì có hiện tượng trầm cảm ẩn, không được nhận biết.

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc sau tai biến này không chỉ đến từ áp lực tâm lý khi phải đối diện với tình trạng thể chất đi xuống. Mà còn xuất phát từ sự thay đổi sinh học do tổn thương mạch máu, các tế bào não.

Người bệnh rất dễ cảm thấy thiếu an toàn trong sinh hoạt. Ngay cả trong những hoạt động đơn giản như leo cầu thang, ra vào nhà vệ sinh. Mặt khác, thái độ chăm sóc, quan tâm từng ly từng tý của con cái cũng dễ khiến họ cảm thấy bị phụ thuộc. Mặc cảm cho rằng bản thân vô dụng, hay cảm thấy có lỗi vì làm phiền người khác. Từ đó ngày càng buồn bã, khép mình và khó chia sẻ hơn.

Rối loạn tâm lý sau tai biến sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và hậu quả. Điển hình là người bệnh trở nên khó chiều. Từ chối uống thuốc. Từ chối điều trị. Không có ý thức tập vật lý trị liệu khiến khả năng phục hồi bị suy giảm. Thậm chí nhiều người còn “đổi tính đổi nết”, từ hiền lành trở nên cáu kỉnh. Cảm xúc dễ thay đổi, vô cảm, mất nhận thức.

Nguy hiểm từ rối loạn cảm xúc sau tai biến mạch máu não

2. Hóa giải tâm lý cho người bệnh sau tai biến

Nghiên cứu thực hiện bởi nhóm Baltimore (Robinson, Price và Starkstein) cho thấy nếu không điều trị, trầm cảm có thể kéo dài hơn hai năm sau tai biến. Điều trị bằng thuốc được cân nhắc sử dụng nhiều hơn. Nhưng cần kết hợp việc dùng thuốc với nâng đỡ tâm lý từ phía gia đình.

Phục hồi sau tai biến không phải là chuyện “ngày một ngày hai”. Vì thế chúng ta cần chấp nhận thực tế đây là một quá trình dai dẳng. Do đó mà trước hết, gia đình cần kiên nhẫn thuyết phục, động viên và hỗ trợ bệnh nhân luyện tập vật lý trị liệu. Khi chức năng vận động được phục hồi thì áp lực tâm lý đối diện với tình trạng thể chất đi xuống sẽ được hóa giải. Ngoài ra, vận động còn giúp phòng tránh hiệu quả những triệu chứng thường gặp. Như cao huyết áp, béo phì, táo bón, loét tì đè… ở bệnh nhân tai biến.

Và sự kiên nhẫn hỗ trợ ấy cần đi kèm với việc cố gắng cải thiện sự tự lập của bệnh nhân. Gia đình nên thể hiện sự quan tâm tinh tế bằng cách khuyến khích họ tự chủ. Từ ngay các hoạt động đơn giản như ăn uống, rửa mặt, thay quần áo, hay vấn đề nhạy cảm như vệ sinh.

Đồng hành cùng người bệnh sau tai biến là một quá trình dài với nhiều áp lực. Nhưng bằng tình yêu thương và sự quan tâm tinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể hoá giải những xáo trộn trong tâm lý người bệnh. Từ đó giúp người bệnh phục hồi thể chất, sớm tái hòa nhập với cuộc sống bình thường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top