Rối loạn nhịp tim nhanh là tình trạng xảy ra khi trái tim đập quá 100 nhịp/phút. Có nhiều dạng rối loạn nhịp tim nhanh. Trong số đó, có dạng rối loạn nhịp tim nhanh sinh lý xảy ra với tất cả mọi người khi tập thể dục, khi bạn trải qua các tình huống căng thẳng, lo lắng, sợ hãi hoặc phấn khích. Tình trạng này được gọi là nhịp nhanh xoang.
Bên cạnh đó, cũng có những dạng rối loạn nhịp tim nhanh bệnh lý, thường xảy ra do có các trục trặc trong hệ thống điện tim. Theo đó, thông thường, các tín hiệu điện tim sẽ chạy dọc theo con đường từ tâm nhĩ (các buồng tim trên) xuống tâm thất (các buồng tim dưới) và kích hoạt nhịp tim đều đặn, nhịp nhàng. Tuy nhiên, nếu có điều gì đó gián đoạn con đường này, bạn có thể trải qua tình trạng rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim nhanh thường xảy ra do có một đoạn tín hiệu điện tim bị lỗi tại tâm nhĩ. Do đó, dạng rối loạn nhịp tim này thường được gọi là rối loạn nhịp tim nhanh trên thất. Rối loạn nhịp tim nhanh trên thất thường gây ra nhiều phiền toái trong hầu hết các trường hợp.
Trong trường hợp đoạn tín hiệu điện tim bị lỗi tại tâm thất, bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng nhịp nhanh thất. Dạng nhịp tim nhanh này có nguy cơ cao gây nguy hiểm, dù không phải trường hợp nào cũng vậy.
Biết chính xác dạng dạng rối loạn nhịp tim nhanh con gái bạn đang gặp phải có thể giúp tìm ra hướng điều trị phù hợp, giúp giảm nguy cơ rủi ro.
Thông thường, các bác sỹ sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng mới có thể khẳng định tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh con gái bạn gặp phải là không nguy hiểm. Theo đó, các bác sỹ có thể phải tìm hiểu lịch sử y tế của gia đình, thực hiện các bài kiểm tra, xét nghiệm như:
- Đánh giá sức khỏe tim mạch tổng thể: Những người có trái tim, hệ thống điện tim khỏe mạnh sẽ ít có nguy cơ gặp phải dạng rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm.
- Đo điện tim.
- Đánh giá triệu chứng: Các triệu chứng như đánh trống ngực, chóng mặt, khó thở, mệt mỏi… thường cảnh báo các dạng rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm. Nếu con gái bạn chỉ bị nhịp tim nhanh nhưng không đi kèm với các triệu chứng trên, bạn cũng không cần quá lo lắng.
Trong trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh không nguy hiểm như con gái bạn, việc điều trị có thể tùy thuộc vào mức độ khó chịu mà các triệu chứng gây ra. Nếu các cơn rối loạn nhịp tim nhanh không khiến bé thấy khó chịu (ví dụ như chúng chỉ xảy ra vài lần/năm, mỗi lần chỉ kéo dài một vài phút…) thì việc điều trị là chưa thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, nếu các cơn rối loạn nhịp tim nhanh xảy ra thường xuyên, kéo dài, khiến bé thấy lo lắng, việc điều trị có thể được cân nhắc. Có thể các bác sỹ sẽ cho bé uống thuốc chống rối loạn nhịp tim, hoặc thực hiện phẫu thuật triệt đốt rối loạn nhịp để ổn định nhịp tim.
Trên thực tế, tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh được chẩn đoán trong trong độ tuổi thanh thiếu niên là khá phổ biến. Bạn cũng không cần quá lo lắng vì nguy cơ tử vong do rối loạn nhịp tim nhanh ở những người trẻ tuổi là rất hiếm gặp. Chưa kể, các dạng rối loạn nhịp tim nhanh bệnh lý vẫn có thể được điều trị nếu được phát hiện kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh