Triệu chứng báo hiệu bệnh tim mạch

Ở Việt Nam, hàng năm, 30% số ca tử vong là do mắc các bệnh lý tim mạch. Nếu trước đây, bệnh tim mạch thường gặp ở những người cao tuổi thì nay, căn bệnh này đã khiến cho không ít bạn trẻ phải gắn bó với thuốc điều trị, với bệnh viện.

Các yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều yếu tố được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Những yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.

Nhóm nguyên nhân đầu tiên dễ thấy nhất là do môi trường sống và lối sống không lành mạnh. Hút thuốc lá hoặc thuốc lào; lười hoạt động; ăn uống thiếu hợp lý dẫn đến thừa cân; căng thẳng (stress) là những nguyên nhân trực tiếp gây nên các bệnh lý về tim mạch.

Nhóm nguyên nhân thứ 2 là do bệnh lý gây nên như: tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, đái tháo đường. Cuối cùng là do yếu tố gia đình, một số bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình.

Xuất phát từ những nguyên nhân trên, chúng ta dễ nhận thấy những đối tượng như: người hay hút thuốc, thừa cân béo phì, người bị tiểu đường, huyết áp là những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch rất cao. Ngoài ra, những người cao tuổi, những người mà gia đình có người mắc bệnh tim mạch thì cũng nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ.

 

Cần phát hiện sớm

Thông thường, những người có các bệnh lý về tim mạch sẽ có những dấu hiệu như: khó thở, đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, ngất xỉu, phù, tím tái, mệt mỏi... Có những dấu hiệu cảnh báo biến cố mà khi xuất hiện mọi người tuyệt đối không nên chủ quan bỏ qua.

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim: Đó là những cơn đau thắt ngực, cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức hoặc đau...kéo dài vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức. Cảm giác khó chịu có thể gặp ở một số vị trí như: đau, tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, thậm chí ở vùng dạ dày. Ngoài ra, còn có những dấu hiệu kèm theo như: khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, đau đầu...

Dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não: Đó là đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, khó nói hoặc không hiểu lời người khác nói; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Có những dấu hiệu thoáng qua nên khiến cho người bệnh chủ quan, bỏ qua nghĩ là sẽ không sao. Đến khi dấu hiệu trở nên thường xuyên gây khó chịu cho người bệnh, lúc đó họ mới đến các cơ sở y tế để khám thì thường bệnh đã trở nặng.

Do đó, khi chúng ta thấy xuất hiện các dấu hiệu kể trên dù là thoáng qua cũng không nên chủ quan mà phải tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên qua khám, tư vấn và phát hiện điều trị kịp thời.

 

Dự phòng

Phòng ngừa bệnh lý tim mạch có thể đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và các chi phí về kinh tế. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý tim mạch gia tăng và xảy ra ở người trẻ hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu như giới trẻ có một lối sống lành mạnh hơn.

Để dự phòng, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

Không hút thuốc lá: Những chất độc hại trong thuốc lá dễ làm tổn thương các mạch máu và tim, gây xơ vữa động mạch. Chất nicotin trong thuốc lá làm cho tim đập nhanh, huyết áp tăng cao làm cho các chất mỡ tích tụ lại và đóng thành cục gây tắc nghẽn mạch. Vì vậy, không nên hút thuốc lá để tim mạch luôn được khỏe mạnh.

Tập thể dục điều độ: Luyện tập thể dục thể thao điều độ giúp điều hòa huyết áp, tim mạch, giúp tim co bóp tốt hơn. Mỗi người nên chọn cho mình những môn thể dục phù hợp với sức khỏe, điều kiện sống và luyện tập đều đặn mỗi ngày.

Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý: Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố thuận lợi cho bệnh tim mạch. Do đó, cần duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý bằng cách kiểm soát cân nặng thường xuyên, điều chỉnh chế độ ăn uống.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Hạn chế muối, giảm ăn chất béo, mỡ động vật, đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, tinh bột, đồ ăn đóng hộp, bơ, sữa động vật. Nên ăn nhiều chất xơ trong rau củ quả để giúp giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể, ăn nhiều các loại hạt tốt cho tim.

Tránh căng thẳng: Tình trạng căng thẳng không có lợi cho người mắc bệnh huyết áp hay tim mạch là nguyên nhân chính của nhồi máu cơ tim. Do đó, hãy luôn để cơ thể trong trạng thái thoải mái nhất.

Khám sức khỏe định kỳ 6 -12 tháng/lần: Khi thấy có những dấu hiệu cảnh báo, nên đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Trong trường hợp người bệnh đã có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top