I. ĐẠI CƯƠNG
– U máu là một khối u lành tính, thường gặp ở trẻ nhỏ do sự tăng sinh bất thường của các mạch máu tại vị trí u (động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). Xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau.
– Hiện nay ngoại khoa vẫn là biện pháp điều trị có hiệu quả nhất là với những trường hợp u máu khu trú chưa xâm lấn vào cấu trúc xung quanh.
– Nguyên tắc: Lấy bỏ tối đa u máu và hạn chế làm tổn thương các cấu trúc giải phẫu lân cận u. Ngoài ra có một số biện pháp điều trị khác như tiêm xơ, laser…
II. CHỈ ĐỊNH
Tất cả các trường hợp được chẩn đoán u máu có kích thước đo trên phim cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ dưới 10cm (đường kính lớn nhất). Khối u không hoặc xâm lấn rất ít vào các cấu trúc lân cận.
III.CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Mang tính chất tương đối, tùy theo điều kiện từng cơ sở phẫu thuật. Nhìn chung, cần thận trọng chỉ định mổ do người bệnh có các bệnh toàn thân nặng như: bệnh mãn tính nặng, bệnh máu, già yếu, suy kiệt…
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: gồm 2 kíp
– Kíp phẫu thuật: phẫu thuật viên chuyên khoa, 2 trợ thủ, 1 dụng cụ viên và 1 chạy ngoài chuyên khoa.
– Kíp gây mê chuyên khoa: bác sĩ gây mê và 1 -2 trợ thủ.
2. Người bệnh:
Chuẩn bị mổ theo quy trình ngoại khoa thông thường (nhất là khâu vệ sinh, kháng sinh dự phòng). Khám gây mê hồi sức. Giải thích người bệnh và gia đình theo quy định. Hoàn thiện các biên bản pháp lý.
3. Phương tiện:
– Dụng cụ phẫu thuật:
+ Bộ dụng cụ mổ ngoại tổng quát
+ Bộ dụng cụ cho phẫu thuật mạch máu thông thường (chuẩn bị).
– Phương tiện gây mê: Bộ dụng cụ phục vụ gây mê nội khí quản thông thường hoặc gây tê vùng(ngoài màng cứng nếu là u ở hai chi dưới hoặc tê đám rối nếu u ở hai chi trên).
4. Hồ sơ bệnh án: Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án theo quy định chung. Đầy đủ thủ tục pháp lý (biên bản hội chẩn, đóng dấu …).
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Tư thế:
– Tuỳ thuộc vào vị trí của khối u mà người bệnh có thể nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc nằm sấp.
– Đường mổ: Có thể rạch da ngang khối u máu hoặc rạch da dạng hình thoi có khối u máu nằm ở trung tâm của hình thoi
2. Vô cảm: Gây mê nội khí quản hoặc ngoài màng cứng hoặc tê đám rối tuỳ từng vị trí của khối u máu; theo dõi điện tim và bão hoà ô xy mao mạch (SpO2) liên tục. Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch trung ương và ngoại vi. Thở máy có ô-xy hỗ trợ 100%.
3. Kỹ thuật:
– Dùng dao điện phẫu tích khối u máu (gỡ dính và đốt những vị trí chảy máu trong quá trình phẫu tích). Mục đích của phẫu tích nhằm làm rõ và tiếp cận mạch nuôi u và kiểm soát nó.
– Trong quá trình phẫu tích có thể có những mạch máu lớn cần khâu cầm máu bằng chỉ prolene. Với những khối u máu nằm gần bó mạch, thần kinh cần cẩn thận trong quá trình phẫu tích tránh làm tổn thương các thành phần này.
– Cầm máu và khâu rò bạch huyết là công việc quan trọng trong quá trình mổ lấy khối u máu.
– Lấy bệnh phẩm gửi giải phẫu bệnh lý.
– Cầm máu kỹ diện lấy u và kiểm soát tình trạng rò bạch huyết sau mổ.
– Đặt dẫn lưu.
– Đóng đường vết mổ. Kết thúc phẫu thuật.
1. Theo dõi:
– Xét nghiệm hồng cầu, hematocrit ngay sau khi về bệnh phòng.
– Theo dõi tình trạng chi thể, dẫn lưu sau mổ
– Cho kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường tĩnh mạch, giảm đau; truyền máu và các dung dịch thay thế máu … tuỳ theo tình trạng huyết động và các thông số xét nghiệm.
– Cho người bệnh vận động sớm ngay từ ngày đầu sau mổ.
2. Xử trí tai biến:
– Chảy máu sau mổ: do máu chảy từ vị trí gỡ dính, diện bóc tách u cần băng ép. Nếu không được cần mổ lại cầm máu
– Tổn thương thần kinh cảm giác chi thể trong quá trình mổ (với những khối u máu ở chi thể lớn lan rộng).
– Tổn thương mạch máu nuôi chi thể: Hiếm cần phát hiện sớm để mổ kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh