✴️ Tai biến mạch máu não

1. ĐẠI CƯƠNG:

Tai biến mạch não (TBMN) hay đột quỵ là tình trạng rối loạn khu trú chức năng não tiến triển nhanh trên lâm sàng thường do mạch máu nuôi dưỡng một vùng não bị tắc hoặc vỡ làm vùng não đó bị tổn thương hậu quả là phần cơ thể do vùng não đó chi phối bị rối loạn hoạt động.

Có 2 nhóm nguyên nhân chính là:

+ Chảy máu não: thường có liên quan đến tăng huyết áp (ở người cao tuổi) hoặc dị dạng mạch não (ở người trẻ tuổi).

+ Thiếu máu não cục bộ: do huyết khối hình thành từ mảng vữa xơ tại mạch máu nuôi dưỡng vùng não đó hoặc từ nơi khác đến( buồng nhĩ do rung nhĩ).

 

2. CHẨN ĐOÁN:

2.1. Lâm sàng:

- Khởi phát: có thể có nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cũng có thể hôn mê, liệt.

- Rối loạn tinh thần, ý thức từ lơ mơ đến hôn mê.

- Liệt nửa người.

- Liệt dây thần kinh sọ.

- Rối loạn thần kinh thực vật: tăng tiết dịch phế quản, rối loạn nhịp thở, nhịp tim, rối loạn thân nhiệt.

- Xuất huyết não: thường đột ngột, nhồi máu não thường xảy ra từ từ.

- TBMN thoáng qua: các triệu chứng xuất hiện và hết trong vòng 24 giờ.

2.2. Cận lâm sàng:

- CLVT sọ não: xác định tổn thương là xuất huyết hay nhồi máu, vị trí, kích thước tổn thương.

- MRI sọ não: phát hiện được những tổn thương nhồi máu sớm trong những giờ đầu, phát hiện được các tổn thương nhỏ hơn hoặc nằm thấp ở vị trí thân não.

- Xét nghiệm dịch não tủy: khi nghi ngờ xuất huyết màng não mà chẩn đoán hình ảnh không rõ ràng.

- Chụp động mạch não: thường chỉ định ở người trẻ, khi có nghi ngờ dị dạng mạch não.

- Siêu âm Doppler mạch, điện tim đồ.

- Một số XN máu: đông máu, tiểu cầu, mỡ máu, đường máu, điện giải.

 

3. XỬ TRÍ:

3.1. Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch: được chỉ định khi bệnh nhânđến sớm ≤ 4,5 giờ kể từ khi khởi phát đột qụy, kết quả chụp CT hoặc MRI sọ nãolà thiếu máu não và không có chảy máu não.

3.2.  Đảm bảo hô hấp:

-  Đặt người bệnh nằm nghiêng  an toàn.

-  Loại bỏ dị vật trong miệng (nếu có).

-  Đặt Canuyn miệng, hút đờm dãi khi cần.

-  Đặt nội khí quản thở máy khi có chỉ định : Glasgow<8 điểm và có ứ đọng đờm dãi.

3.3.Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn: Nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, tri giác…để xử trí kịp thời.

3.4. Đảm bảo cân bằng nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan.

3.5. Chống phù não(nếu có):

-  Nằm đầu cao 30 độ.

-  Bảo đảm tốt thông khí.

-  Khống chế tốt huyết áp:

   + Chảy máu não : Khi HA ≥ 200/120 mmHg, hạhuyết áp là cần thiết. Thuốc hạ huyết áp phù hợp với bệnh nhân và không có chống chỉ định đều có thể dùng nhưng không nên hạ HA quá nhanh.

   + Thiếu máu não cục bộ :duy trì HA ở mức 150/90 mmHg.

-  Truyền Manitol liều khởi đầu 0,5g- 1 g/kg/lần trong 20-30 phút .

3.6. Các thuốc bảo vệ thần kinh: Cerebrolysin, Piracetam.....,tăng dẫn truyền thần kinh: Nivalin.....

3.7. Thuốc chống đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu(với thiếu máu não):

-  Aspirin  50- 325mg/ngày, dùng kéo dài (nếu không có chống chỉ định).

- Các thuốc ức chế tiểu cầu nên dùng sớm.

3.8. Phẫu thuật lấy khối máu tụ (với chảy máu não):

- Được chỉ định trong trường hợp khối máu tụ lớn gây chèn ép và tiến triển bệnh ngày càng nặng.

3.9. Chăm sóc toàn diện:

- Đảm bảo dinh dưỡng, kiểm soát đường máu, chống nhiễm trùng, chăm sóc phòng chống loét, vệ sinh răng miệng, đường tiết niệu sinh dục, ngoài da, vỗ rung, phục hồi chức năng sớm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top