✴️ Tổn thương lành tính cổ tử cung

1. KHÁI NIỆM

Cổ tử cung (CTC) là đoạn thấp nhất của tử cung, có phần nằm trong âm đạo và phần nằm trên âm đạo. Phần trong âm đạo chịu tác động trực tiếp của một loạt các thay đổi sinh lý hoặc bệnh lý khác nhau, trong đó có thể kể đến sự thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ, tuổi tác và hoạt độngg sinh sản, pH acid môi trường âm đạo, các tác nhân nhiễm trùng bao gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng, tạo nên nhiều tổn thương lành tính khác nhau.

2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Lâm sàng

2.1.1. Tổn thương viêm:

Thường gặp viêm âm đạo và cổ tử cung phối hợp dưới trạng thái cấp tính / bán cấp tính hoặc mạn tính.

Cổ tử cung đỏ, có khí hư bám trên bề mặt. Nếu viêm ống cổ tử cung có thể thấy chất nhầy ống cổ tử cung đục như mủ.

2.1.2. Soi cổ tử cung:

Ổ viêm, chấm đỏ, vết trợt, hình ảnh bầu trời sao 2.1.2. Tổn thương loạn dưỡng:

Thường do thiểu năng oestrogen, gặp ở phụ nữ sau mãn kinh: suy buồng trứng, cắt 2 buồng trứng, tia xạ vùng chậu, sau mãn kinh.

Cổ tử cung teo, biểu mô mỏng, nhạt màu, dễ xuất huyết dưới niêm mac, test Lugol (-) hoặc nhạt màu.

2.1.3. Polype cổ tử cung:

Là các khối lành tính phát triển từ mô đệm cổ tử cung và được che phủ bởi biểu mô trụ, về sau do hiện tượng chuyển sản trở thành biểu mô lát, thường xuất phát từ ống cổ tử cung, có chân hoặc không có chân, kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài cm, thường quan sát thấy ở phụ nữ sinh đẻ nhiều lần.

Người bệnh thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể ra khí hư nhiều, rong huyết, ra máu sau giao hợp.

2.1.4. Lộ tuyến cổ tử cung và vùng tái tạo của lộ tuyến:

Lộ tuyến CTC là tình trạng biểu mô trụ cổ trong lan xuống hoặc lộ ra ở phần cổ ngoài, nơi bình thường chỉ có biểu mô lát.

Triệu chứng chính của lộ tuyến là ra khí hư nhầy, nhìn bằng mắt thường thấy không có biểu mô lát tầng, thay vào đó có nhiều nụ nhỏ, màu hồng đậm hơn biểu mô lát, có chất nhầy bên trên.

Vùng tái tạo của lộ tuyến: là vùng lộ tuyến cũ, trong đó biểu mô lát cổ ngoài lan vào thay thế và che phủ các tuyến, gọi là sự tái tạo của biểu mô lát hay biểu mô hoá.

Cửa tuyến và đảo tuyến: là những vùng hẹp hoặc rộng của biểu mô tuyến tuyến còn sót lại trong vùng biểu mô lát có nguôn gốc chuyển sản, tiếp tục chế tiết chất nhầy.

Nang Naboth là trường hợp biểu mô lát che phủ biểu mô tuyến, nhưng chưa thay thế được mô tuyến ở dưới nên các tuyến vẫn tiếp tục chế tiết chất nhầy, lâu ngày tạo thành nang. Nang có kích thước to nhỏ khác nhau, màu trong, trắng đục hoặc vàng nhạt, trên bề mặt có thể có các mạch máu, trong nang chứa dịch nhầy do biểu mô tuyến chế tiết.

2.1.5. Sùi mào gà cổ tử cung:

Tổn thương sùi mào gà có thể gặp ở cả thành âm đạo và cổ tử cung hoặc chỉ trên bề mặt cổ tử cung. Trong thai kỳ sùi mào gà thường lan tràn nhanh và nhiều.

2.1.6. Lạc nội mạc tử cung:

Là những nốt màu xanh tím hay đen sẫm, nhỏ, đơn độc hoặc rải rác quanh cổ tử cung

2.1.7. U xơ cổ tử cung:

Thường là u lồi ra, chắc, đôi khi che lấp cổ tử cung hoặc làm xóa cổ tử cung.

2.2. Cận lâm sàng

Soi tươi, nhuộm Gram phát hiện các tác nhân thường gặp như nấm Candida, trùng roi âm đạo, lậu cầu, Gardnerella vaginalis.

- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: hình ảnh bình thường hoặc các biến đổi lành tính.

- Soi cổ tử cung: ổ viêm, chấm đỏ, vết trợt, hình ảnh bầu trời sao. Lộ tuyến cổ tử cung sau khi bôi acid acetic 3% thấy các tuyến hình như "chùm nho" và không bắt màu iod.

Sinh thiết cổ tử cung: kết quả mô bệnh học bình thường hoặc biến đổi lành tính.

3. ĐIỀU TRỊ

3.1. Nguyên tắc chung, mục tiêu điều trị

Người bệnh có tổn thương lành tính ở cổ tử cung cần được loại trừ tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư trước khi điều trị. Một số tổn thương lành tính ở cổ tử cung như vùng tái tạo/nang Naboth, lộ tuyến hẹp không có triệu chứng cơ năng không cần phải điều trị. Các phương pháp điều trị tổn thương cổ tử cung bao gồm đặt thuốc, cắt/đốt điện, áp lạnh, hóa hơi bằng laser.

3.2. Điều trị cụ thể:

3.2.1. Tổn thương viêm:

Kháng sinh đặc hiệu theo tác nhân.

3.2.2. Tổn thương loạn dưỡng:

Dùng thuốc đặt hoặc bôi tại chỗ chứa estrogen (Ovestin, Colposeptine, Colphotrophine).

3.2.3. Polype cổ tử cung: - Chỉ định điều trị:

Polyp cổ tử cung to.

Polyp cổ tử cung có triệu chứng: ra khí hư nhiều, rong huyết, ra máu sau giao hợp.

Nghi ngờ có tổn thương tiền ung thư/ung thư.

Chống chỉ định: đang có viêm âm đạo: trì hoãn đến khi điều trị khỏi viêm âm đạo.

Chuẩn bị: xét nghiệm tế bào cổ tử cung /mô bệnh học để loại trừ các tổn thương tiền ung thư/ung thư

- Các bước tiến hành:

Bước 1: Sát khuẩn âm đạo, bộc lộ cổ tử cung, xác định chân polyp: có cuống, không có cuống, xuất phát từ cổ ngoài hay ống cổ tử cung.

Bước 2: Dùng kẹp hình tim kẹp polyp và xoắn quanh cuống cho đến khi cuống đứt. Nếu polyp to không có cuống cần dùng dao điện cắt bỏ ở chân.

Bước 3: Bôi chất dính Monsel và ép vào vị trí cuống/diện cắt để cầm máu. Có thể nhét gạc dài âm đạo để cầm máu.

Bước 4: Sát khuẩn lại âm đạo. Gửi bệnh phẩm cắt làm mô bệnh học. 3.2.4. Lộ tuyến cổ tử cung và vùng tái tạo của lộ tuyến:

- Chỉ định: nguyên tắc là chỉ điều trị khi có triệu chứng

3.2.4. Lộ tuyến rộng, tiết dịch nhiều.

Lộ tuyến + viêm âm đạo – cổ tử cung tái diễn.

Có chỉ định điều trị khác: lộ tuyến + vô sinh, lộ tuyến rộng + có nhu cầu đặt dụng cụ tử cung

- Điều kiện: không có viêm nhiễm, test acid acetic (-), tế bào cổ tử cung không có bất thưởng tế bào biểu mô. Thời điểm sau sạch kinh 2 - 3 ngày, tối đa không quá ngày thứ 10 của vòng kinh.

- Các phương pháp điều trị: đốt điện, áp lạnh, laser. Phá hủy biểu mô tuyến đến ranh giới biểu mô lát - trụ. Trường hợp nang Naboth cần điều trị thì chọc và đốt mô tuyến phía dưới.

- Theo dõi sau điều trị:

Kháng sinh đường uống 5 ngày

Kiêng giao hợp tối thiểu 4 tuần

Tư vấn cho khách hàng/người bệnh biết cần đến ngay cơ sở y tế để khám lại nếu có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau: sốt hơn 2 ngày, ra máu âm đạo nhiều, ra khí hư nhiều, hôi; đau bụng dưới nhiều

Hẹn tái khám sau 3 tháng

3.2.5. Sùi mào gà cổ tử cung:

Đốt điện, đốt laser hoặc áp lạnh.

3.2.6. Lạc nội mạc tử cung: 

Đốt ổ lạc nội mạc.

3.2.7. U xơ cổ tử cung:

Cắt u xơ cổ tử cung.

4. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Polype cổ tử cung thường lành tính, nhưng có khoảng 1% các trường hợp có chuyển dạng ác tính, bên cạnh đó một số ung thư cổ tử cung có thể biểu hiện một khối dạng polype, do đó cần cắt polype để xét nghiệm mô bệnh học.

Sau lộ tuyến, thông qua hiện tượng chuyển sản có thể thay thế hoàn toàn biểu mô tuyến thành biểu mô lát bình thường. Nếu sự thay thế diễn ra không hoàn toàn sẽ để lại các cửa tuyến, đảo tuyến, nang Naboth, là các biến đổi lành tính. Nếu có các yếu tố nguy cơ tác động lâu dài vào vùng chuyển tiếp (nhiễm HPV nguy cơ cao, tồn tại dai dẳng) có thể hình thành tổn thương tiền ung thư và ung thư.

5. TIÊN LƯỢNG VÀ PHÒNG BỆNH

Phần lớn tổn thương lành tính cổ tử cung không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm và/hoặc sàng lọc ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo để loại trừ ung thư cổ tử cung.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top