✴️ U bạch mạch (lymphangioma)

Nội dung

I. ĐỊNH NGHĨA

U bạch mạch là một dị dạng bẩm sinh (Congenital Malformation ) của mạch bạch huyết lành tính thường gặp ở vùng đầu - cổ, hay gặp ở các trẻ em.

 

II. NGUYÊN NHÂN

Không xác định được nguyên nhân, thực chất là một dị dạng bẩm sinh mạch bạch huyết.

 

III. CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán xác định

1.1. Lâm sàng

Có khối u ở vùng lưỡi, má, trên mặt, vùng dưới hàm, bên cổ với các đặc điểm sau:

- Màu da, niêm mạc trên u gần như bình thường.

- U có ranh giới không rõ, bóp không xẹp, không đau.

- U hay bị bội nhiễm.

- U có thể gây rối loạn chức năng như nuốt vướng, nuốt khó, cảm giác khó thở ... nếu u nằm trong vùng họng - miệng.

1.2. Cận lâm sàng

- Siêu âm: có vùng giảm âm, ranh giới không rõ.

- CT Scanner: có hình ảnh khối u ranh giới không rõ.

2. Chẩn đoán phân biệt

- U máu: Da và niêm mạc trên u sẫm mầu, bóp xẹp, đôi khi sờ thấy mạch đập.

 

IV. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc

Gây xơ hóa và phẫu thuật cắt bỏ khối u.

2. Điều trị cụ thể

Điều trị qua 2 giai đoạn

- Điều trị làm xơ hóa khối u.

+ Vô cảm.

+ Dùng kim chuyên dụng cho các thủ thuật mạch máu (angiocatheter) đâm xuyên qua da vào các nang.

+ Hút dịch chứa trong nang càng sạch càng tốt.

+ Bơm thuốc gây xơ hóa vào nhiều vị trí của khối u để làm xơ hóa toàn bộ khối u.

- Phẫu thuật cắt bỏ khối u

+ Vô cảm.

+ Rạch da hoặc niêm mạc.

+ Tách bóc bộc lộ khối u.

+ Cắt bỏ khối u.

+ Kiểm soát vùng phẫu thuật.

+ Đặt dẫn lưu.

+ Khâu phục hồi.

+ Kháng sinh.

 

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

1. Tiên lượng

- Nếu không điều trị u, có thể gây biến dạng mặt.

- Nếu điều trị phẫu thuật lấy bỏ được toàn bộ u thì kết quả tốt. Nếu u to, phẫu thuật không triệt để, thì u tiếp tục phát triển.

2. Biến chứng

- Biến dạng mặt.

- Bội nhiễm.

 

VI. PHÒNG BỆNH

Khám kiểm tra trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top