Trên thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp các bệnh nhân sau khi điều trị khỏi Covid-19 nhưng vẫn còn có triệu chứng khó thở, hụt hơi, thở gấp mỗi khi gắng sức. Biểu hiện khó thở hậu Covid có thể biến mất sau vài tuần âm tính nhưng cũng có khi lại kéo dài lâu khỏi gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, năng suất lao động và đời sống sinh hoạt của người bệnh.
1. Nguyên nhân, triệu chứng khó thở hậu Covid
Theo một số nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 trong thời gian gây bệnh có thể đã làm tổn thương phổi của bệnh nhân nhưng khó có thể phát hiện ra bằng các xét nghiệm thông thường. Trong giai đoạn nhiễm bệnh, cấu trúc vi mô của phổi đã gặp phải những xáo trộn bất thường, hệ mạch cũng bị ảnh hưởng gây rối loạn quá trình trao đổi Oxy và CO2. Chính điều này đã gây ra phản ứng ho dai dẳng cho người bệnh. Sau khi Covid qua đi, di chứng khó thở hậu Covid vẫn có khả năng “làm phiền” bệnh nhân trong thời gian dài.
Những tổn thương ở phổi thường gặp nhất là xơ hóa phổi, các tổn thương kính mờ ở phổi, khí phế thũng, dày các vách liên tiểu thùy, viêm phổi tổ chức,...
Khó thở hậu Covid là di chứng khá phổ biến ở những người đã từng là F0
Ngay cả khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tình trạng khó thở vẫn có thể tiếp tục kéo dài với các triệu chứng như sau:
Hay cảm thấy chóng mặt, không nhận đủ không khí;
Cảm giác tức nặng ngực, hụt hơi;
Trong quá trình làm việc hay phải dừng lại giữa chừng để nghỉ ngơi thì mới có thể thở lại được bình thường.
Nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh cần đi cấp cứu càng sớm càng tốt:
Có cơn đau tức ngực dữ dội, bất ngờ;
Có thể kèm theo cơn đau tim;
Cơn đau tức ngực lan tới các bộ phận khác như lưng, cánh tay, cổ, hàm;
Thở khò khè, nuốt sặc, ho, cổ họng căng cứng;
Cơn khó thở xảy ra khi nói chuyện, nghỉ ngơi, khi hoạt động nhẹ, khi hít vào, lúc đang ăn uống hay thậm chí là cả khi đang ngủ;
Phải đứng lên thì mới thở được.
2. Những điều cần làm khi gặp phải tình trạng khó thở hậu Covid
Khi đột nhiên cảm thấy khó thở, bạn không nên quá lo lắng hoặc bị hoảng loạn vì điều này sẽ khiến cho tình trạng khó thở trở nên nghiêm trọng hơn. Để xoa dịu triệu chứng này, bạn hãy làm theo những cách như sau:
Giữ tâm trạng bình tĩnh, hít một hơi thật sâu và chậm rãi thở ra;
Tư thế ngồi cần thoải mái nhất có thể;
Khi đang làm việc thì hãy giải lao một chút để cơn khó thở qua đi. Đặc biệt không nên hoạt động liên tục, tránh các tư thế khom lưng hay mang vác vật nặng trong thời gian dài. Nếu làm việc quá tải hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, không nên gắng sức;
Luôn chuẩn bị sẵn thiết bị đo SpO2 dùng để kiểm tra áp độ bão hòa oxy trong máu;
Khi bị khó thở hãy uống trà gừng ấm. Để dễ uống hơn bạn có thể cho thêm lát chanh và một chút mật ong vào trà;
Tập thở bụng thư giãn hoặc áp dụng những bài tập thở đơn giản như ngồi thiền;
Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, các bài vận động từ từ như đi bộ. Đến khi triệu chứng khó thở không còn nữa, bạn có thể tập chạy bộ.
3. Các biện pháp điều trị triệu chứng khó thở hậu Covid
Di chứng khó thở hậu Covid là tình trạng xuất phát từ việc phổi gặp phải những tổn thương như xơ hóa, phổi đông đặc, sẹo, kính mờ, tổn thương ngoại biên,... Những bệnh nhân bị Covid-19 mức độ nặng mà phải vận dụng đến phương pháp thở oxy, thở máy sẽ có nguy cơ bị khó thở hậu Covid cao hơn so với người không phải thở máy.
Khi cảm thấy khó thở, hãy bình tĩnh và ngồi xuống nghỉ ngơi
Căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng và kết quả chẩn đoán hình ảnh từ chụp CT, chụp X-quang, bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị phù hợp cho người bệnh.
Một số biện pháp điều trị sau đây sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện di chứng khó thở hậu Covid:
3.1. Tập vật lý trị liệu
Phương pháp này áp dụng cho tất cả những bệnh nhân có biểu hiện khó thở hậu Covid. Ở những trường hợp bị khó thở nhẹ, bệnh nhân sẽ sử dụng phương pháp tập vật lý trị liệu vận động, tuy nhiên đối với những ca bị nặng hơn thì tập vật lý trị liệu hô hấp sẽ là lựa chọn thích hợp.
Tập vật lý trị liệu vận động:
Lợi ích của phương pháp này đó là hỗ trợ tăng cường dung tích phổi cho những người bị tổn thương phổi sau khi bị Covid-19 (ví dụ như bị hẹp phổi, xơ phổi,...). Bệnh nhân sẽ thực hiện các động tác hít thở có tác dụng mở rộng khoang ngực thông qua các hoạt động như: hít xà, hít đất, squat, bơi lội, chèo thuyền,...
Tập vật lý trị liệu hô hấp:
Phương pháp này cũng có chung mục tiêu là hỗ trợ cải thiện chức năng hô hấp của phổi, bằng cách thực hiện các thao tác cơ học như dẫn lưu tư thế, vỗ lồng ngực và rung. Mục đích của các thao tác này là để tập trung lực lượng và giải phóng các chất cần đào thải qua đường thở.
Triệu chứng khó thở hậu Covid nếu ở mức độ nhẹ thì có thể cải thiện được bằng các bài tập vật lý trị liệu vận động
Thường những người không thể đẩy những chất bài tiết này ra ngoài qua phản xạ ho thì sẽ áp dụng phương pháp này. Nguyên nhân bởi vì đó là những chất dịch dai, dày, tích tụ nhiều và bám chặt vào đường thở gây cản trở hoạt động hô hấp. Tập vật lý trị liệu hô hấp sẽ áp dụng cho bệnh nhân bị áp xe phổi, xơ phổi, rối loạn thần kinh cơ, giãn phế quản, viêm phổi,...
3.2. Điều trị bằng thuốc
Mặc dù đã khỏi Covid-19 nhưng phổi của bệnh nhân đã bị virus tấn công làm cho tổn thương. Do đó người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng tái nhiễm viêm phổi hoặc viêm phổi mạn tính, viêm phế quản. Ở những trường hợp bị viêm phổi thể nhẹ, bác sĩ thường sẽ chỉ định các loại thuốc như erythromycin, clarithromycin hoặc azithromycin. Đôi khi có những bệnh nhân cần phải kê kháng sinh liều mạnh nếu mắc thêm một số bệnh như tim mạch, tiểu đường, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD,...
3.3. Phương pháp hồi sức
Bên cạnh khó thở hậu Covid, có những bệnh nhân đã từng là F0 sau khi khỏi bệnh còn mắc thêm các di chứng nghiêm trọng khác như suy hô hấp cấp, nhiễm trùng phổi phải được tiến hành điều trị bằng thở máy và theo dõi tại phòng hồi sức tích cực.
Các bác sĩ sẽ phải điều trị hồi sức, xử lý tình trạng nhiễm trùng, áp xe phổi bằng cách dẫn lưu màng phổi, nếu tình trạng nghiêm trọng có thể sẽ phải cần thực hiện phẫu thuật mở khoang màng phổi, làm sạch khu vực này thông qua kỹ thuật bóc tách toàn bộ ổ áp xe. Trên thế giới cũng đã xảy ra không ít trường hợp bị tổn thương phổi nặng nề phải ghép phổi và lọc máu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh