Mang thai có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe răng miệng không mong muốn mà nguyên nhân là sự thay đổi hormone, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ estrogen và progesteron, hai loại hormon có thể làm tăng sự đáp ứng của mô lợi với mảng bám trên răng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng sức khỏe toàn thân và sức khỏe răng miệng luôn không thể tách rời, vì vậy việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt trong suốt thời kì mang thai là điều đặc biệt quan trọng. Hãy đến khám nha sĩ để đánh giá tình trạng răng miệng của bạn và có một kế hoạch kiểm soát tốt cho thai kỳ.
Khi cao răng, mảng bám không được loại bỏ, nó có thể gây viêm lợi: lợi sưng, đỏ nhạy cảm và dễ chảy máu. Chứng bệnh được gọi là “Viêm lợi thai kì” ảnh hưởng đến hầu hết các thai phụ ở nhiều mức độ khác nhau và thường sẽ bắt đầu thấy ở bề mặt lợi từ tháng thứ hai của thai kì. Nếu bạn đã có sẵn bệnh viêm lợi, mang thai sẽ khiến tình trạng của bạn nặng hơn trong suốt quá trình mang thai. Viêm lợi không được điều trị sẽ dẫn đến viêm quanh răng – giai đoạn nghiêm trọng hơn của viêm lợi, bao gồm tình trạng tiêu xương.
Các nghiên cứu đưa ra mối liên hệ giữa sinh non, sinh thiếu cân và viêm lợi. Lượng lớn vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu từ mô lợi bị viêm, từ đó sẽ đến tử cung của mẹ, làm giải phóng ra một sản phẩm trung gian hóa học được gọi là prostagladin, yếu tố bị nghi ngờ gây ra tình trạng đẻ non.
Làm thế nào để ngăn ngừa viêm lợi?
Bạn có thể ngăn ngừa viêm lợi bằng cách giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đặc biệt là vùng gần viền lợi. Bạn nên đánh răng với kem đánh răng chứa fluor ít nhất 2 lần một ngày và sau mỗi bữa ăn nếu có thể. Ngoài ra, hãy dùng chỉ nha khoa mỗi ngày.
Bổ sung dinh dưỡng tốt sẽ giúp giữ khoang miệng của bạn thật khỏe mạnh, đặc biệt lưu ý cung cấp đầy đủ vitamin C và vitamin B12. Bên cạnh đó, thăm khám nha sĩ định kì để nha sĩ giúp bạn kiểm soát cao răng mảng bám, từ đó góp phần phòng ngừa viêm lợi.
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao hình thành khối u– một loại viêm, lành tính (không tiến triển thành ung thư), xuất hiện giữa hai răng hay ở vùng lợi sưng bị kích thích. Vùng lợi này được cho là có ảnh hưởng của cao răng mảng bám. Bình thường, tổ chức hạt này sẽ được giữ nguyên và thường tự mất đi sau khi đứa trẻ chào đời, tuy nhiên nếu khối u gây khó chịu và cản trở hoạt động nhai, chải răng hay các hoạt động vệ sinh răng miệng khác, nha sĩ của bạn có thể sẽ quyết định cắt bỏ nó đi.
Thăm khám và kiểm soát vệ sinh răng miệng định kì nên được duy trì suốt thời kì mang thai, tuy nhiên, những thủ thuật không cấp cứu chỉ nên được thực hiện ở giai đoạn hai của thai kì. Những vấn đề răng miệng cấp gây ra đau đớn nghiêm trọng có thể được xử lý ở bất kì giai đoạn nào của thai kì, tuy nhiên cần có sự hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa sản về vấn đề sử dụng thuốc tê cũng như kê đơn thuốc cho bạn.
Chỉ nên chụp phim X quang trong trường hợp khẩn cấp. Cuối cùng, các thủ thuật có kế hoạch hay những thủ thuật với mụcc đích thẩm mỹ nên được hoãn lại đến sau khi sinh. Mỗi người có một đặc điểm riêng, vì vậy, tốt nhất bạn hãy thảo luận và quyết định kế hoạch điều trị các vấn đề của mình với nha sĩ của bạn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh