✴️ Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (P3)

Nội dung

PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM KHI CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM SARS-COV-2

Nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm

Thực hiện phòng ngừa chuẩn: tất cả NVYT hoạt động trong khu vực cách ly mang đầy đủ, đúng cách phương tiện PHCN. Đây là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa lây nhiễm cho NVYT

Thực hiện phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong thăm khám, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Thực hiện phòng ngừa lây truyền qua đường không khí khi làm thủ thuật tạo khí dung cho người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Thực hiện vệ sinh hô hấp đối với tất cả NB và NVYT trong khu vực điều trị cách ly.

Kiểm soát tốt thông khí, vệ sinh môi trường buồng bệnh, khu vực cách ly…

Hạn chế tối đa việc vận chuyển NB. Cố gắng sử dụng các kỹ thuật tại giường (X-quang, siêu âm...), nếu cần vận chuyển thì phải thông báo nơi chuyển đến trước khi chuyển, cho NB mang khẩu trang y tế trong quá trình vận chuyển; sử dụng các lối đi vận chuyển riêng được xác định trước để giảm thiểu phơi nhiễm cho NVYT, NB khác.

Tuyệt đối không để người nhà chăm sóc NB cách ly, trừ trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người nhà cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp dự phòng lây nhiễm.

Dụng cụ, thiết bị chăm sóc NB : nên sử dụng một lần cho từng NB riêng biệt. Nếu không thể, cần làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn trước khi sử dụng cho NB khác.

Phòng ngừa chuẩn:

Là tập hợp các biện pháp phòng ngừa cơ bản áp dụng cho tất cả NB trong các cơ sở KBCB không phụ thuộc vào chẩn đoán, tình trạng nhiễm trùng và thời điểm chăm sóc dựa trên nguyên tắc coi tất cả máu, chất tiết, chất bài tiết (trừ mồ hôi) đều có nguy cơ lây truyền bệnh. Phòng ngừa chuẩn cần được áp dụng khi chăm sóc, điều trị cho tất cả NB trong cơ sở KBCB, không phụ thuộc vào chẩn đoán và tình trạng nhiễm trùng của NB.

Phòng ngừa dựa theo đường lây truyền:

  • Phòng ngừa lây truyền qua đường giọt bắn

Mang khẩu trang y tế, kính bảo vệ mắt hoặc mạng che mặt khi thao tác cần tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-COV-2.

  • Phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc

Mang áo choàng và bao giày sạch khi vào phòng bệnh và cởi bỏ trước khi ra khỏi phòng đệm, không được để đồng phục làm việc chạm vào bề mặt môi trường hay những vật dụng khác.

Mang găng sạch trong quá trình chăm sóc, phải thay găng sau khi tiếp xúc với phân, dịch dẫn lưu, dịch tiết của NB....

Vệ sinh tay ngay bằng dung dịch khử khuẩn

  • Phòng ngừa lây truyền qua đường không khí

Mặc áo choàng, mang khẩu trang có hiệu lực lọc cao (ví dụ khẩu trang N95).

Lựa chọn dụng cụ và phương pháp hút đờm kín cho NB có thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định hút đờm.

Tiến hành thủ thuật trong phòng đơn với cửa ra vào phải đóng kín, thông khí an toàn, tốt nhất thực hiện trong phòng áp lực âm.

Đảm bảo thông khí an toàn: thông khí tự nhiên, thông khí cơ học hoặc phối hợp nhưng lưu lượng không khí trao đổi tối thiểu phải đạt ≥12 luồng khí/giờ. Có thể dùng hệ thống hút khí ra ngoài (thấp bên dưới, cách nền nhà 10 - 15cm) khu vực không có người qua lại và tránh cho không khí đã ô nhiễm tái lưu thông.

Quy tắc vệ sinh hô hấp

Che miệng mũi bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi, sau đó bỏ ngay khăn giấy trong thùng đựng chất thải.

Trong trường hợp không có khăn giấy có thể ho vào mặt trên của cánh tay, KHÔNG dùng bàn tay che miệng khi ho.

Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với NB.

Kiểm soát môi trường khu vực cách ly

Kiểm soát môi trường bề mặt: giường bệnh, sàn nhà, tường, hành lang là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Cần chú ý những nguyên tắc sau:

Khu tiếp nhận NB , hành lang, phòng chờ thông thoáng, không cần đóng kín.

Khu vực buồng bệnh:

  • Phòng áp lực âm là phương án tối ưu.
  • Trường hợp không thể làm phòng áp lực âm, cần sử dụng không khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên, đảm bảo thông khí trong buồng cách ly tối thiểu ≥12 luồng không khí trao đổi/giờ.
  • Buồng làm thủ thuật có khả năng tạo khí dung: phải thực hiện trong buồng kín, có thông khí thích hợp (≥ 12 luồng khí trao đổi/giờ).

Nếu không có buồng đạt tiêu chuẩn nói trên:

  • Tiến hành thủ thuật trong buồng cách xa những NB khác. Buồng thủ thuật phải thông khí tốt, ở cuối chiều gió, có cửa sổ đối lưu 2 chiều, cửa sổ mở hướng ra khu vực không có người qua lại.
  • Có thể dùng hệ thống hút khí ra ngoài, khí hút ra phải thải ra môi trường trống, không có người qua lại, không thải vào hành lang hoặc các phòng kế cận.
  • Các bề mặt môi trường cần phải được làm sạch và khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn có nồng độ phù hợp và được cấp phép.

Phương tiện, máy móc, giường tủ: vệ sinh và khử khuẩn hàng ngày, ít nhất ngày 2 lần và khi cần (giữa hai NB , khi NB tử vong, chuyển hoặc ra viện) bằng hóa chất khử khuẩn phù hợp và được cấp phép.

Bảng 2. Các hóa chất khử khuẩn có chứa Clo sử dụng trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở KBCB.

Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

Lây nhiễm thường hay xảy ra ở giai đoạn cởi phương tiện PHCN. Trừ kính/mạng che mặt có thể cho vào chậu đựng dung dịch khử trùng để dùng lại, toàn bộ đồ PHCN phải cho vào túi chuyên dụng, đem đi bằng xe chuyên dụng và xử lý theo quy trình xử trí rác thải lây nhiễm.

Cần có các bức hình (poster) đủ lớn minh hoạ dễ hiểu hai bước Mặc - Cởi bỏ quan trọng này đặt ở các vị trí dễ thấy.

Thực hiện mang và tháo bỏ phương tiện PHCN đúng quy định tại các vị trí đã quy định.

Cách mặc và cách cởi bộ PHCN: Theo một trình tự ngược nhau:

  • Ngoài sử dụng PHCN, các quy trình như khử nhiễm bề mặt và thiết bị, giảm thiểu tiếp xúc với NB và bề mặt không cần thiết, quản lý chất thải đúng qui trình là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ.
  • Nói to, rõ ràng, chậm khi đang đeo khẩu trang và mặt nạ. Khi nhận được hướng dẫn lặp lại những gì bạn đã hiểu cho người nói. Cần đeo biển tên hoặc dán ảnh cá nhân bên ngoài trang phục để nhận biết lẫn nhau.
  • Nên bố trí các thiết bị liên lạc giữa trong và ngoài khu vực cách ly như camera, điện thoại, bộ đàm.

Phòng lây nhiễm khi chăm sóc người bệnh

Khi người bệnh thở ôxy

Đảm bảo nguyên tắc “SAS”:

  • An toàn (Safe): cho nhân viên chăm sóc và NB.
  • Chính xác (Accurate): tránh các kỹ thuật không đáng tin cậy, không quen thuộc hoặc lặp đi lặp lại.
  • Kịp thời (Swift): không vội vàng hoặc chậm trễ.

Nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi trực tiếp chăm sóc cho NB trong quá trình cho thở oxy/thở máy:

  • Có các biện pháp an toàn để làm giảm đến mức tối thiểu lây truyền SARS- CoV-2 qua tiếp xúc hoặc qua các giọt bắn nhỏ (droplet). Sử dụng ống thông mũi lưu lượng cao (HFNC), đảm bảo đặt đúng vị trí của ống thông mũi (phải được nhét hoàn toàn vào lỗ mũi và được cố định bằng dây thun vào đầu NB để làm giảm đến mức tối thiểu thất thoát).
  • Giảm đến mức tối thiểu lây truyền trong các thủ thuật phát sinh giọt bắn li ti (aerosol) ở những người nhiễm/nghi nhiễm SARS-CoV-2. Các thủ thuật phát sinh giọt bắn li ti bao gồm: hút đường thở, nội soi phế quản, đặt nội khí quản, mở khí quản và hồi sức tim phổi, kể cả trợ thở không xâm lấn (NIV).
  • Thực hiện thủ thuật trong phòng áp suất âm với tối thiểu là 12 luồng trao đổi không khí/giờ, NB năm phòng riêng có thông gió tự nhiên.
  • Nhân viên y tế thực hiện các thủ thuật phải mặc áo choàng không thấm nước dài tay, đeo găng tay không vô trùng (2 đôi), mắt kính bảo hộ (có chắn hai bên) và khẩu trang N95/FFP2, mạng che mặt.
  • Sử dụng hệ thống vòng kín trong trường hợp cần hút đờm, dãi.
  • Tránh thông khí qua mask trừ khi cần thiết và sử dụng kỹ thuật áp lực thấp/lưu lượng thấp. Nên dùng kỹ thuật bóp bóng qua mask 2 tay 2 người với vị trí tay “VE”, người thứ hai bóp túi.
  • Đặt nội khí quản cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 là một thủ thuật có nguy cơ cao đối với NVYT, không phân biệt mức độ nghiêm trọng lâm sàng của bệnh. Do vậy phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết; khuyến cáo thực hành cho các nhóm săn sóc đặc biệt và gây mê:
  • Ưu tiên đặt nội khí quản sớm theo kế hoạch thay vì đặt nội khí quản cấp cứu, có nguy cơ lây nhiễm cao.
  • Nếu có thể, tránh trợ thở mask - bóng (bag-mask ventilation).
  • Đảm bảo NB đạt mức độ mê cần thiết (không kích thích).
  • Giảm số NVYT trong phòng chỉ còn thành viên thiết yếu.
  • Cung cấp tất cả các thiết bị và các thuốc men cần thiết trong phòng, không sử dụng xe đẩy.

Khi người bệnh có phẫu thuật

Phải lên kế hoạch trước về đường vận chuyển NB từ khu vực cách ly lên phòng mổ và đường chuyển về bệnh phòng sau mổ. Có dấu hiệu cảnh báo để mọi người nhìn thấy đây là NB nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 (ví dụ treo biển, dán nhãn, màu sắc đặc trưng…).

NB đeo khẩu trang y tế, đội mũ, nằm giường, cáng hoặc ngồi xe lăn, không nói chuyện khi di chuyển.

Nhân viên y tế trước khi di chuyển, thông báo cho phòng mổ sẵn sàng.

Mặc phương tiện PHCN, di chuyển NB đến phòng mổ theo lối đi đã xác định trước. Hạn chế tối đa sử dụng thang máy.

Nhanh chóng bàn giao, điền bảng kiểm an toàn phẫu thuật và đưa thẳng vào phòng mổ, không qua phòng trung gian.

Không mang hồ sơ bệnh án vào phòng mổ, các ghi chép hồ sơ bệnh án sau cuộc mổ được truyền ra ngoài qua mạng, giấy ghi tạm thời hoặc bảng ghi qua ô kính, sao lại trong hồ sơ bệnh án và được NVYT có trách nhiệm ký sau cuộc mổ trong khu vực hành chính sau khi đã tháo phương tiện PHCN.

Tại phòng mổ: Ưu tiên phòng mổ có áp lực âm. Nếu phòng mổ có áp lực dương, tắt hệ thống áp lực dương nếu có thể. Cửa phòng mổ phải dán thông báo NB SARS-CoV-2.

Hạn chế tối đa người vào phòng mổ: BSGM + Phụ mê + PTV + Phụ mổ + Dụng cụ viên + 1 chạy ngoài. Nhân lực tăng thêm tùy tình huống.

Nên chọn bác sĩ và những nhân viên có kinh nghiệm nhất thực hiện.

Hạn chế tối đa mở cửa phòng mổ trong khi mổ. Việc liên lạc trong-ngoài phòng mổ nên qua bộ đàm, điện thoại, ra hiệu… Nên có một nhân viên “chạy ngoài” túc trực bên ngoài ngay tại cửa phòng mổ để thông tin hỗ trợ khi cần thiết.

Không thay người trong suốt cuộc mổ trừ khi bắt buộc.

Thu gom chất thải đúng quy định

Tiệt trùng, khử khuẩn đúng quy định

Tiệt trùng ngay lập tức phòng mổ và những trang thiết bị đã sử dụng cho NB (đèn đặt NKQ, mandrine, mask, máy thở và dây máy thở, monitoring, bơm tiêm điện…thay dây hút khí theo dõi PetCO2, thay các filter lọc trên đường thở).

Sau khi NB chuyển khỏi phòng phẫu thuật, để phòng trống cho tới khi 99,9% không khí được thay thế (VD: với một phòng phẫu thuật với tối thiểu 15 lượt trao đổi khí một giờ, cần tối thiểu 28 phút).

Sau ca phẫu thuật, lau và khử khuẩn vùng bề mặt mà tiếp xúc nhiều ở máy mê và khu vực gây mê bởi các chất khử khuẩn. Cân nhắc sử dụng tấm trải dùng một lần (như tấm phủ nilon) để giảm nhiễm bẩn thiết bị và các bề mặt môi trường.

Chi tiết xem Hướng dẫn phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở KBCB ban hành theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM, NGHI NHIỄM SARS-COV-2 THỂ KHÔNG TRIỆU CHỨNG, MỨC ĐỘ NHẸ VÀ MỨC ĐỘ VỪA

Đại cương

Các trường hợp bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu): cần được khám, chăm sóc, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định.

Đối với các ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị và chăm sóc tại các khu cách ly của các khoa phòng thông thường.

Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Cá thể hóa các biện pháp chăm sóc và điều trị cho từng trường hợp.

Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng.

Chăm sóc

Nhận định

  • Thể trạng, tinh thần, da, niêm mạc.
  • Nhiệt độ, mạch, huyết áp.
  • Tình trạng hô hấp:
  • Nhịp thở, kiểu thở, mức độ khó thở.
  • Độ bão hòa ôxy (SpO2).
  • Các triệu chứng: nghẹt mũi, ho, khạc đàm, đau họng, đau tức ngực.
  • Các triệu chứng khác: tiêu hóa, tiết niệu, đau đầu, đau mỏi cơ, …

Can thiệp điều dưỡng

Đảm bảo hô hấp:

  • Hướng dẫn NB nằm tư thế đầu cao, nếu NB có thể ngồi, đi lại được sẽ giúp hoạt động của cơ hoành tốt hơn, tránh ứ đọng đờm.
  • Cho NB thở oxy (nếu cần) theo chỉ định.
  • Vỗ rung, hướng dẫn NB thở chậm và sâu phòng ứ đọng đờm.
  • Người bệnh cần đeo khẩu trang và thực hiện vệ sinh hô hấp khi ho khạc.
  • Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng.

Thực hiện y lệnh điều trị:

  • Thực hiện y lệnh truyền dịch, tiêm thuốc, uống thuốc đầy đủ và đúng giờ.
  • Phụ giúp bác sĩ làm thủ thuật khi có chỉ định.
  • Thực hiện các xét nghiệm kịp thời và đầy đủ theo chỉ định.
  • Thực hiện các y lệnh khác.

Đảm bảo dinh dưỡng:

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của NB hàng ngày.

Cung cấp suất ăn, nước uống tại giường cho từng NB trong thời gian cách ly.

Động viên NB ăn hết suất ăn theo chỉ định. Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.

Tư vấn, giáo dục sức khỏe:

Ngay sau khi NB nhập viện điều trị cần hướng dẫn NB nội quy khoa phòng, phát tờ thông tin.

Động viên tinh thần, hướng dẫn về bệnh để NB yên tâm điều trị.

Hướng dẫn NB chế độ ăn, tập vận động, tập thở và thể dục liệu pháp.

Hướng dẫn người bệnh sử dụng khẩu trang, vệ sinh hô hấp khi ho, vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân.

Tư vấn cho NB sau khi ra viện (tại nhà): tuân thủ hướng dẫn phòng ngừa dịch tại nhà sau thời gian cách ly. NB cần theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ ngày nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.

Theo dõi và dự phòng các biến chứng:

Theo dõi nhịp thở, SpO2, mạch, nhiệt độ, huyết áp tối thiểu 2 lần/ngày và khi cần; phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của NB như: khó thở tăng lên; dấu hiệu suy hô hấp để có can thiệp phù hợp.

Đối với NB có viêm phổi diễn biến nặng dần, báo bác sỹ, chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phụ giúp bác sỹ làm thủ thuật như đặt ống NKQ/mở khí quản, thở máy.

Lưu ý đối với những trường hợp người bệnh trên 60 tuổi, người có bệnh mạn tính từ trước như bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, đái tháo đường, ung thư…

Đánh giá

Diễn biến tốt:

NB hết sốt, mạch, huyết áp ổn định, không có tình trạng suy hô hấp, không xuất hiện các biến chứng và tai biến chăm sóc như viêm phổi, loét vùng tỳ đè...

NB và gia đình hiểu biết về bệnh, cách chăm sóc và các biện pháp phòng bệnh, phòng ngừa lây nhiễm.

Không lây lan bệnh cho nhân viên y tế và người nhà NB.

Không cải thiện hoặc diễn biến nặng hơn:

Tình trạng toàn thân NB xấu đi, NB suy hô hấp nặng, rối loạn các chức năng cơ thể, xuất hiện các biến chứng như loét vùng tỳ đè, viêm phổi.... hoặc để lại nhiều di chứng hoặc lây lan bệnh cho nhân viên y tế và gia đình NB

 

Xem tiếp: Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (P4)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top