1. Cấu tạo của mắt
Để tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo của mắt, có thể chia thành 2 phần là cấu tạo bên ngoài và cấu tạo bên trong. Trong đó:
- Cấu tạo bên ngoài của mắt: Phần ngoài của mắt bao gồm những bộ phận như sau:
+ Lông mi và mi mắt: Chức năng của các bộ phận này là giúp cho mắt có thể đóng và mở linh hoạt, giúp bảo vệ mắt có thể tránh khỏi những tác nhân gây hại như khói bụi, dị vật,... và giúp mắt điều tiết, tránh xảy ra tình trạng khô mắt.
+ Củng mạc: Bộ phận này có đặc điểm rất cứng, chính là một màng bao quanh nhãn cầu.
+ Giác mạc: Vị trí của bộ phận này là ở phía trước của củng mạc. Giác mạc giống như một thấu kính giúp chúng ta nhìn thấy sự vật.
+ Kết mạc: Chính là phần lòng trắng của nhãn cầu.
+ Mống mắt là bộ phận quyết định màu mắt và nằm ngày sau giác mạc.
+ Đồng tử: Nằm ở trung tâm của mống mắt. Nhờ có các cơ trong mống mắt, đồng tử có thể giãn ra hoặc co lại để lượng ánh sáng vào mắt được cân bằng.
- Cấu tạo bên trong của mắt bao gồm:
+ Thủy dịch: Là một chất dịch rất quan trọng trong việc duy trì hình dạng cầu căng cho mắt. Đồng thời, đây cũng là bộ phận cung cấp dưỡng chất cho giác mạc.
+ Thủy tinh thể: Nằm ở phía sau đồng tử. Có chức năng hội tụ tia sáng vào võng mạc giúp cho hình ảnh trong mắt được rõ ràng và sắc nét hơn.
+ Võng mạc: Vị trí của võng mạc là nằm ở phía trong cùng của nhãn cầu. Có khả năng tiếp nhận và cảm nhận ánh sáng. Sau đó, bộ phận này sẽ truyền tín hiệu về não nhờ có dây thần kinh thị giác. Từ đó, chúng ta sẽ có ý thức về những sự vật, sự việc mà mình quan sát được.
+ Dịch kính: Giống như một chiếc đệm trong suốt. Nhiệm vụ của bộ phận này là đảm bảo nhãn cầu ổn định. Khi dịch kính trong suốt là một phần quan trọng để đảm bảo ánh sáng có thể đi đến võng mạc.
+ Hắc mạc: Chính là bộ phận nằm giữa củng mạc và võng mạc.
2. Chức năng của mắt
Về mặt quang học, đôi mắt có khả năng thu chụp những thông tin về màu sắc và hình ảnh giống như những chiếc máy ảnh. Sau đó, những thông tin này sẽ chuyển lên não bộ để được xử lý và lưu trữ.
Đôi mắt còn được gọi là “cửa sổ” của tâm hồn. Đôi khi chỉ thông qua một ánh nhìn, bạn có thể hiểu ý và trao đổi thông tin với người đối diện. Hành động này có thể thay cho nhiều lời nói. Bởi vậy, đôi mắt có thể giúp chúng ta giao tiếp phi ngôn ngữ.
3. Cơ chế hoạt động của mắt
Để hiểu một cách đơn giản, cơ chế hoạt động của mắt tương tự như cơ chế hoạt động của máy chụp ảnh. Để chụp được ảnh, ánh sáng phản xạ từ vật được khúc xạ qua hệ thống thấu kính và hội tụ tại phim, qua quá trình rửa hình sẽ cho ta các bức ảnh.
Mắt có hệ thấu kính thuộc bán phần trước nhãn cầu bao gồm giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể. Ánh sáng vào mắt sau khi được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ hội tụ trên võng mạc của mắt.
Tại đây tín hiệu ánh sáng sẽ được các tế bào cảm thụ ánh sáng trên võng mạc chuyển thành tín hiệu thần kinh. Sau đó, tín hiệu đó được truyền đến não thông qua hệ thần kinh thị giác và được xác nhận là hình ảnh tại não bộ. Đây chính là cơ chế hoạt động của mắt để bạn nhìn thấy một vật nào đó.
Đối với máy ảnh, chúng ta phải điều chỉnh tiêu cự chính xác và mức độ ánh sáng, khi ống kính bị bẩn phải lau chùi và bảo dưỡng cẩn thận.
Trong thực tế mắt chúng ta cũng thực hiện những công việc đó một cách hoàn toàn tự động. Ví dụ, để thay đổi tiêu cự thì thủy tinh thể sẽ thay đổi độ cong của mình dưới sự điều khiển của cơ thể mi trong mắt. Việc điều chỉnh độ co giãn của mống mắt sẽ làm thay đổi kích thước của lỗ đồng tử, từ đó điều khiển cường độ chùm sáng đi vào.
Các tuyến lệ chính và phụ hoạt động giúp cho giác mạc luôn được bôi trơn, nó là một cơ chế vệ sinh và bảo vệ tự nhiên mà tạo hóa ban cho đôi mắt. Các hoạt động này diễn ra tự động dưới sự điều khiển vô cùng tinh vi của các cơ chế thần kinh, mà không một máy ảnh cao cấp nào có thể sánh kịp.