Bệnh giun chỉ bạch huyết do 3 loài ký sinh trùng gây ra và có thể dẫn đến phù lớn các chi và các phần khác của cơ thể.
Bệnh giun chỉ Bancrofti do loài giun chỉ Wuchereria bancrofti gây nên. Bệnh này do muỗi Culex quinquefasciatus, một vài loài muỗi Anopheles và Aedes truyền.
Bệnh giun chỉ Brugia, do Brugia malayi và B. timori gây nên. Muỗi truyền bệnh chủ yếu là các loài Mansonia.
Giun chỉ Wuchereria bancrofti
SỰ TRUYỀN BỆNH
Giun chỉ trưởng thành sống trong các bạch mạch của cơ thể, sinh ra ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển trong mạch máu và được muỗi hút khi đốt người bệnh. Sau khi phát triển trong cơ thể muỗi nhiều ngày, ấu trùng đi qua da khi muỗi đốt người, di chuyển đến các hạch bạch huyết và phát triển thành giun chỉ trưởng thành ở các mạch bạch huyết. Khả năng mắc bệnh do một lần muỗi đốt là rất thấp. Giun chỉ trưởng thành có thể sống nhiều năm, sinh ra một số lượng lớn ấu trùng trong máu.
Giun chỉ Bancrofti có 2 thể: ở thể phổ biến nhất, ấu trùng giun chỉ di chuyển trong máu về đêm, trong khi ở thể thứ hai, ấu trùng có mặt liên tục trong mạch máu nhưng số lượng lại tăng lên vào ban ngày. Các vật truyền bệnh của thể thứ nhất là muỗi Culex quiquefasciatus và một số loài Anopheles. Thể thứ hai được thấy ở Nam Thái Bình Dương và một số vùng nông thôn ở Đông Nam Á nơi mà loài truyền bệnh chính là các loài muỗi đốt ban ngày, như một số loài Aedes.
Bệnh giun chỉ Brugia, do loài B.malayi gây ra, cũng có hai thể, trong đó, thể phổ biến nhất được truyền về đêm và thể kia được truyền cả đêm lẫn ngày. Thể thứ nhất xảy ra tại các vùng trồng lúa ở châu Á. Thể này do các loài Anopheles đốt mồi ban đêm và các loài Mansonia đẻ trứng ở các vùng đầm lầy ở Indonesia và Malaysia có thể nhiễm sang người sống gần đó.
Bệnh giun chỉ do Brugia timori do loài Anopheles barbirostris truyền.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng chủ yếu được xác định tùy theo thời gian bị nhiễm bệnh. Giun chỉ trưởng thành sống trong mạch bạch, có thể gây viêm nặng cho hệ thống bạch mạch và các cơn sốt cấp tính, lặp đi lặp lại. Nhiễm trùng thứ phát là yếu tố chủ yếu dẫn tới phù nề bạch mạch và chân voi.
PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ GIUN CHỈ
Có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng các biện pháp phòng chống muỗi đốt hoặc làm giảm số lượng muỗi. Có thể xác định những trường hợp nghi ngờ bằng cách phát hiện ấu trùng trong máu qua kính hiển vi. Hoặc sử dụng test chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên giun chỉ lưu hành trong máu.
Điều trị bằng diethylcarbamazin (DEC). DEC có tác dụng diệt ấu trùng nhiều hơn so với giun chỉ trưởng thành. Giun chỉ trưởng thành chỉ bị tiêu diệt sau khi điều trị thời gian dài.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh