Bệnh sán lá gan

Nội dung

I. Đại cương

– Bệnh sán lá gan (Fascioliasis) bao gồm sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Sán lá gan lớn do 2 loài Fasciola hepatic hoặc Fasciola gigantica gây nên. Sán lá gan sống ký sinh ở động vật ăn cỏ như cừu, dê và gia súc như trâu, bò. Người bị bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau cần, ngó sen, cải xoong hoặc uống nước chưa đun sôi có ấu trùng nang sán. Ấu trùng sán qua đường tiêu hóa, thường vào gan gây tổn thương nhu mô và cư trú, phát triển thành sán trưởng thành trong đường mật, đôi khi lạc chỗ gây tổn thương các cơ quan khác ngoài gan.

– Tổn thương trong nhu mô gan:

+ Hoại tử áp xe: sán phá hủy nhu mô gan, gây xuất huyết, viêm có xâm nhập nhiều bạch cầu ái toan và hoại tử. Các ổ viêm và hoại tử trong nhu mô gan tạo nên các ổ apxe có kích thước từ 0,5-2cm. Các ổ apxe nhỏ tập trung thành ổ apxe lớn. Khi di chuyển trong nhu mô gan, sán gây nhiều ổ hoại tử dạng nốt nhỏ và đường ống dài từ 3 – 5 cm giống như đường hầm không có thành và đường bờ.
+ Gây viêm xung huyết và xơ hóa vùng sán di chuyển sát với bao gan hay dọc theo đường mật nhưng không gây tổn thương thành mạch máu.

– Tổn thương đường mật, túi mật: khi vào trong đường mật, sán phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sản trưởng thành tiết ra proline, một amino axit có nhiều protein gây viêm, xơ hóa, tăng sản dày thành đường mật, túi mật. Đôi khi bội nhiễm và chảy máu. Sán bên trong đường mật có thể gây tắc mật, biến chứng cuối cùng có thể gây viêm gan, xơ gan tắc mật.
– Sán lạc chỗ: đôi khi sán chưa trưởng thành lạc chỗ tới các cơ quan khác ngoài gan như đường tiêu hóa, dưới da, phổi, màng phổi, hốc mắt, khớp, não, lách, tụy, vú, cột sống… Sán lạc chỗ thường không thể trưởng thành và đẻ trứng được nên thường chết để lại các tổn thương viêm, u hạt, vôi hóa.

 

II. Lâm sàng

* Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này được tính từ khi nhiễm ấu trùng nang sán cho đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, tương ứng với khoảng thời gian ấu trùng thoát kén, xuyên qua thành ruột đi vào khoang màng bụng. Thời gian dài ngắn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng và đáp ứng của cơ thể, trung bình là 6 tuần, dao động khoảng 2 – 12 tuần.

* Giai đoạn xâm nhập nhu mô gan:
– Đau bụng: hạ sườn phải hoặc thượng vị, 1/4 bụng trên bên phải hoặc điểm Murphy.
– Sốt nhẹ kéo dài vài ngày. Có thể sốt cao hay rét run.
– Kém ăn, mệt mỏi, sút cân

* Giai đoạn mạn tính hay tắc nghẽn (đường mật):
– Đau thượng vị và hạ sườn phải
– Vàng da, biểu hiện từng đợt
– Gan, lách to
– Thiếu máu do chảy máu đường mật.

* Sán lá gan lớn lạc chỗ  và Hội chứng Halzoun
– Các vị trí lạc chỗ là da niêm mạc, hệ thần kinh, mắt, cơ quan sinh sản, tụy, hệ tiêu hóa, hệ cơ xương khớp, hệ bạch huyết, phổi, màng phổi.
– Các biểu hiện bao gồm:

+ Đau: Đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ

+ Ho, khó thở: Thường do tràn dịch màng phổi.

+ Sán lạc chỗ: Là do sán di chuyển ra ngoài gan (chui ra khớp gối, dưới da ngực, áp xe đại tràng, phúc mạc…)

– Hội chứng Halzoun: Do người bệnh ăn gan sống của gia súc nhiễm sán non, sán sẽ bám vào màng nhầy niêm mạc thực quản gây đau, khó nuốt, đôi khi gây viêm thanh quản, tắc nghẽn đường thở.

 

III. Cận lâm sàng

* Công thức máu
– Số lượng bạch cầu có thể tăng hoặc bình thường, nhưng bạch cầu ái toan tăng rõ rệt trên 500/mm3 hoặc tỷ lệ bạch cầu ái toan lớn hơn 8% tổng số bạch cầu.

* Sinh hóa máu
– Ở giai đoạn mạn tính, bilirubin tăng khi có biểu hiện viêm và tắc nghẽn đường mật.

* Huyết thanh miễn dịch gắn kết men
– Xét nghiệm huyết thanh rất phù hợp cho việc phát hiện kháng nguyên hoặc kháng thể lưu hành, nhưng xét nghiệm xác định kháng thể được ưa chuộng hơn bởi lẽ đơn giản hơn và có dấu hiệu đảo ngược huyết thanh (seroconversion) xảy ra trong vòng 1-2 tuần sau nhiễm. ELISA có độ nhạy cao (99,9%-100%) và độ đặc hiệu (95%-99,9%). Tuy không phải là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán nhưng trong thực tế sán lá gan lớn đẻ trứng rất ít, khả năng tìm thấy trứng trong phân là rất thấp nên xét nghiệm ELISA trở thành phương pháp chẩn đoán rất có giá trị và thường cho kết quả dương tính rất sớm khi sán xâm nhập vào trong cơ thể, trước khi có tổn thương ở gan.

* Xét nghiệm phân
– Xét nghiệm phân đặc hiệu nhất để chẩn đoán xác định nhiễm sán lá gan lớn giai đoạn mạn tính. Nếu tìm thấy trứng sán lá gan lớn trong phân là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh, tuy nhiên tỷ lệ là rất thấp vì:

+ Người không phải là vật chủ thích hợp, nên sán không đủ trưởng thành, rất khó đẻ trứng.
+ Giai đoạn mới nhiễm, hay giai đoạn cấp tính chưa đủ thời gian để sán đẻ trứng, thường phải sau 3-4 tháng kể từ khi nhiễm ấu trùng.
+ Khi sán chưa ký sinh trong đường mật thì không đẻ trứng.

* Xét nghiệm dịch mật
– Xét nghiệm này ít được sử dụng vì khả năng tìm thấy trứng sán không cao.

return to top