Chỉnh hình răng - mặt là gì?

Chỉnh hình răng - mặt là gì?

Chỉnh hình răng-mặt (CHRM) là một chuyên ngành trong Răng-Hàm-Mặt, thường được gọi là niềng răng, chuyên điều trị răng và hàm có vị trí không bình thường.

Ở một số trẻ em và người lớn, răng và hàm phát triển không bình thường. Khi cắn răng lại, các răng trên và dưới không ăn khớp với nhau gọi là sai khớp cắn. Sai khớp cắn thường do các răng mọc không đúng vị trí, nghiêng, xoay hoặc chen chúc. Sai khớp cắn ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ về răng-mặt làm cho bệnh nhân mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp, còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Sai khớp cắn trầm trọng gây khó khăn trong việc ăn uống, phát âm và làm sạch răng. Những bất thường này nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể đưa đến những sai lệch trầm trọng hơn ở tuổi trưởng thành.

CHRM bao gồm việc điều trị và kiểm soát sự tăng trưởng của mặt, hình dạng và sự phát triển của hàm ở trẻ em, điều chỉnh những sai lệch về vị trí răng ở trẻ lớn và người trưởng thành. CHRM thường được nghĩ là niềng răng, nhưng thật ra niềng răng chỉ là một phần trong CHRM.

 

Bệnh lý nào cần được điều trị CHRM?

Nếu bạn hoặc con bạn có bất cứ vấn đề nào sau đây, nên đến Bác sĩ chuyên CHRM để được tư vấn và điều trị:

• Răng hô (Sai khớp cắn hạng II): khi cắn răng lại, răng trên chìa ra phía trước quá nhiều so với răng dưới. Điều trị không chỉ cải thiện về thẩm mỹ mà còn bảo vệ răng khỏi bị chấn thương khi chơi thể thao hoặc bị té ngã…

Hình 1: Răng hô trước điều trị.

Hình 2: Răng hô sau điều trị.

• Răng móm (Sai khớp cắn hạng III): khi cắn răng lại, răng dưới nằm phía trước răng trên. Răng móm là dạng sai hình cần được điều trị rất sớm (ở giai đạon răng sữa) và có hiệu quả tốt trước 11-12 tuổi ở bé gái, 13-14 tuổi ở bé trai. Sau tuổi này, việc điều trị có tiên lượng dè dặt và đôi khi cần đến phẫu thuật chỉnh hàm ở tuổi trưởng thành.

Hình 3: Răng móm trước điều trị.

Hình 4: Răng móm sau điều trị.

Hình 5: Răng móm trước điều trị (trường hợp nặng).

Hình 6: Răng móm sau điều trị kết hợp chỉnh nha và phẫu thuật chỉnh hàm.

• Răng chen chúc: xảy ra khi hàm bệnh nhân bị hẹp, không đủ chỗ cho tất cả các răng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể phải nhổ bớt một vài răng để tạo chỗ cho những răng còn lại.

Hình 7: Răng chen chúc trước và sau điều trị.

• Cắn hở: khi cắn răng lại, có một khoảng hở giữa răng trên và dưới, thường do thói quen xấu như đẩy lưỡi, mút ngón tay, cắn bút… phát sinh trong quá trình trưởng thành.

Hình 8: Cắn hở trước và sau điều trị.

• Cắn sâu: khi cắn răng lại, các răng trên phủ răng dưới quá nhiều

Hình 9: Cắn sâu trước và sau điều trị.

Khi nào nên bắt đầu khám CHRM?

- 7 tuổi: là độ tuổi các răng vĩnh viễn phía trước (răng cửa) bắt đầu mọc. Theo Hội Chỉnh Hình Răng Mặt Hoa Kỳ, nên đưa trẻ đi khám ở độ tuổi này để phát hiện sớm và điều chỉnh một số bất thường về răng và hàm cũng như những thói quen xấu (mút tay, đẩy lưỡi, mút môi…) gây ra những bất thường này.

- 7-11 tuổi: là giai đoạn các răng sữa và răng vĩnh viễn cùng tồn tại trên cung hàm. Giai đoạn này cũng là giai đoạn tốt nhất để điều chỉnh các sai lệch về xương, thông thường bằng khí cụ tháo lắp.

- 11-13 tuổi: là giai đoạn trẻ có đủ các răng vĩnh viễn, và là đỉnh cao tăng trưởng. Đây gần như là độ tuổi cuối cùng để có thể thực hiện những điều chỉnh các sai lệch về xương. Sau độ tuổi này, chỉ có thể điều chỉnh răng.

- Từ sau 13 tuổi: sau đỉnh tăng trưởng, bệnh nhân có thể được điều chỉnh sai hình răng ở bất kỳ độ tuổi nào. Hiện nay không có độ tuổi nào được xem là giới hạn của chỉnh hình răng-mặt.

Mặc dù bất cứ tuổi nào cũng có thể được điều trị CHRM, nhưng nếu can thiệp bắt đầu từ tuổi nhỏ sẽ giúp việc điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều trị sớm có thể nên được tiến hành trong một số trường hợp cụ thể sau:

 

CHRM dùng những khí cụ nào?

Khí cụ cố định (Niềng năng): thường được sử dụng nhất trong CHRM, gồm:

- Khâu được gắn dính vào răng (thường là các răng cối lớn) và dùng để giữ chắc khí cụ

- Mắc cài được gắn ở phía trước của các răng

- Các dây có dạng hình cung, ngang qua các mắc cài và được gắn vào khâu. Khi dây cung được cột chặt lại, lực tác động trên răng theo thời gian sẽ giúp di chuyển chúng từ từ vào vị trí thích hợp.

Hình 10: Mắc cài kim loại và mắc cài sứ.

Bộ giữ khoảng cố định: nếu trẻ bị nhổ sớm một răng sữa, cần đặt bộ giữ khoảng để ngăn hai răng ở hai bên không di lệch vào khoảng trống cho đến khi răng vĩnh viễn mọc lên.

Hình 11: Bộ giữ khoảng cố định.

Khí cụ tháo lắp: dùng để điều trị xương ở trẻ nhỏ, thường là những khí cụ cần được đeo 12-15 tiếng mỗi ngày để có hiệu quả hoặc dùng để điều trị những trường hợp nhẹ. Có thể tháo ra để rửa sạch.

 

Những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng: là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành điều trị. Vệ sinh răng miệng được thực hiện với bàn chải mềm thông thường và bàn chải kẽ răng đối với khí cụ cố định (niềng răng, mắc cài).

- Giữ gìn khí cụ tháo lắp: Tháo ra chải rửa ngày 3 lần và ngâm trong ly nước sạch khi không đeo.

- Hạn chế tối đa thức ăn dai, cứng để tránh làm rơi mắc cài. Việc thường xuyên làm rơi mắc cài sẽ làm châm lại và phức tạp thêm quá trình điều trị. Thông thường, một mắc cài không thể dán lại quá hai lần.

- Tuân thủ điều trị trong việc tự đeo các loại thun và khí cụ tháo lắp.

- Tuân thủ điều trị trong việc thực hiện các bài tập chức năng giúp loại bỏ thói quen xấu.

- Tái khám đúng hẹn.

- Liên lạc với bác sĩ ngay nếu có gì bất thường.

 

Những điều cần lưu ý sau điều trị

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng. Thông thường các răng sau điều trị chỉnh nha còn lưu lại khe hở do khâu nên cần thêm sự hỗ trợ của chỉ nha khoa để làm sạch vùng này.

- Tuân thủ thời gian đeo khí cụ duy trì.

- Nhổ các răng khôn mọc lệch, kẹt để duy trì kết quả điều trị.

- Tái khám đúng hẹn.

- Làm lại khí cụ duy trì nếu làm hỏng, gãy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top