Lý do khiến răng trở nên nhạy cảm

Bạn có cảm thấy ê buốt khi uống nước đá không? Hay bạn thấy mình đau khi đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa. Răng của bạn có thể là răng nhạy cảm.

Tuy nhiên, bạn không phải chịu đựng những cơn đau. Bạn có thể làm một số thứ để làm giảm tình trạng nhạy cảm của răng và cải thiện sức khỏe răng miệng. Dưới đây là những nguyên nhân và những giải pháp để giảm tình trạng nhạy cảm của răng.

Chải răng quá mạnh

Đôi khi răng nhạy cảm là do việc chải răng quá mạnh hoặc bàn chải đánh răng quá cứng. Theo thời gian, bạn có thể làm mòn lớp bảo vệ của răng và làm lộ ra những ống cực nhỏ dẫn đến các dây thần kinh. Khi các ống này tiếp xúc với nhiệt độ cực đoan (nóng, lạnh), axit hoặc đồ ăn dính có thể khiến răng nhạy cảm và cảm giác không thoải mái. Giải pháp đơn giản nhất là chuyển sang dùng một bàn chải có lông mềm mại hơn và chải răng nhẹ nhàng.

 

Ăn đồ ăn có tính axit

Nếu các đường dẫn tới dây thần kinh của bạn bị lộ ra, các thực phẩm có tính axit như nước sốt cà chua, chanh, bưởi, kiwi, và dưa muối có thể gây ra những cơn đau. Nhưng nếu bạn tránh các loại đồ ăn này bạn có thể tránh được sự khó chịu ở răng.

 

Thói quen nghiến răng

Ngay cả khi men răng là chất cứng nhất trong cơ thể, nghiến răng có thể làm mòn men răng. Việc nghiến răng sẽ để lộ phần ngà răng hoặc lớp giữa của răng chứa các ống dẫn đến các dây thần kinh. Hãy nói chuyện với bác sĩ nha khoa về việc tìm một vật bảo vệ miệng để dừng thói quen nghiến răng..

 

Sử dụng kem đánh răng làm trắng răng

Nhiều hãng sản xuất thêm các hóa chất làm trắng răng vào công thức kem đánh răng của họ, và một số người nhạy cảm hơn với các hóa chất này so với những người khác. Nếu kem đánh răng bạn đang dùng có chứa các chất làm trắng răng, hãy cân nhắc việc chuyển sang một loại khác mà không chứa chất làm trắng.

 

Hay sử dụng nước súc miệng

Giống như các loại kem đánh răng làm trắng răng, một vài loại nước súc miệng, các dung dịch có chứa cồn và các hóa chất khác có thể làm răng bạn nhạy cảm hơn – đặc biệt là khi tiếp xúc với ngà răng. Thay vào đó hãy thử các dung dịch florua trung tính hoặc đơn giản là bỏ qua việc súc miệng và cẩn thận hơn khi dùng chỉ nha khoa và đánh răng.

 

Bệnh về nướu (lợi)

Tụt lợi chân răng ngày càng phổ biến ở nhiều lứa tuổi (đặc biệt khi bạn không chăm sóc răng miệng), có thể là nguyên nhân của răng nhạy cảm. Nếu bệnh về nướu hoặc viêm nướu là vấn đề, hãy gặp bác sĩ nha khoa để được chữa trị các bệnh tiềm ẩn, và cũng có thể để hàn răng.

 

Có quá nhiều mảng bám trên răng

Mục đích của việc dùng chỉ nha khoa và chải răng là loại bỏ các mảng bám sau khi bạn ăn. Sự tích tụ quá nhiều mảng bám có thể khiến men răng bị bào mòn. Một lần nữa, răng của bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn vì chúng bị mất đi sự bảo vệ của men răng. Giải pháp ở đây là chăm sóc răng miệng hàng ngày thật tốt và đến bác sĩ nha khoa để vệ sinh răng miệng định kì 6 tháng 1 lần – hoặc thường xuyên hơn nếu cần thiết.

 

Từng có một số can thiệp nha khoa

Răng thường nhạy cảm sau khi phá tủy răng, nhổ răng, hoặc bọc răng. Nếu các dấu hiệu không mất đi sau một thời gian, bạn nên sắp xếp một cuộc hẹn khác với nha sĩ vì có thể đó là dấu hiệu viêm nhiễm.

 

Răng bị nứt

Một chiếc răng bị sứt hoặc bị nứt có thể gây đau đớn và vượt quá độ nhạy cảm của răng. Nha sĩ sẽ cần kiểm tra răng của bạn và quyết định phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như bọc chiếc răng đó lại.

 

Răng bị sâu quanh khu vực hàn răng

Khi bạn già đi, lớp hàn răng có thể bị yếu và gãy, hoặc hở tại các cạnh. Nó tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ trong những khe nhỏ này, dẫn đến sự tích tụ axit và làm hỏng men răng. Hãy đến gặp bác sĩ nha khoa nếu bạn thấy tình trạng nhạy cảm này  giữa các lần khám, trong hầu hết các trường hợp, lớp hàn có thể được thay lại dễ dàng.

Răng nhạy cảm có thể điều trị được. Trong thực tế, bạn có thể sử dụng loại kem đánh răng đặc biệt dành cho răng nhạy cảm. Tuy nhiên nó không hiệu quả cho tất cả mọi người. Chỉ có đi khám để tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến sự nhạy cảm của răng và tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top