Nếu trẻ mọc răng muộn thì sao?

Mọc răng là một trong số những dấu mốc phát triển quan trọng, nhưng lại thường đi kèm với sự khó chịu, khóc lóc, và thậm chí là cả những đêm mất ngủ. Tuy nhiên, khi bé đã trải qua được cột mốc đầu tiên này, việc mọc những chiếc răng sau có thể sẽ dễ chịu hơn.

Mọc răng bình thường là như thế nào?

Đa số trẻ sẽ mọc chiếc răng đầu tiên trong khoảng từ 4-7 tháng. Nhưng khoảng dao động này cũng có thể sẽ lớn hơn và vẫn được coi là bình thường. Do đó, bạn đừng quá lo lắng nếu bé chưa mọc răng khi đã 7 tháng hoặc 9 tháng.

Cụ thể hơn, đa số trẻ sẽ bắt đầu mọc răng quanh tháng thứ 6 và sẽ có đủ bộ răng khi khoảng 3 tuổi. Tuy nhiên, lịch trình này có thể sẽ không đúng với một số trẻ, đặc biệt là nếu trẻ có thể mọc răng từ trong bụng mẹ! Nghe có vẻ khó tin nhưng một số trẻ em sinh ra đã có sẵn 1-2 chiếc răng, tỷ lệ này là 1/6000-1/8000 trẻ, tức là không quả phổ biến.

 

Nếu 3 tháng trẻ đã mọc răng thì sao?

Một số trẻ mọc răng từ rất sớm và bạn cũng không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Nếu trẻ bắt đầu mọc răng từ khoảng 2-3 tháng, thì điều đó có nghĩa là trẻ chỉ mọc sớm hơn lịch trình thông thường một chút. Hoặc là nếu trẻ 3 tháng đang phát triển hết sức bình thường và bắt đầu có dấu hiệu của việc mọc răng như chảy dãi hoặc mút tay, gặm đồ đạc. Điều này là hoàn toàn bình thường và trẻ sẽ mọc răng sau khoảng thời gian này.

Hai răng cửa dưới thường sẽ là 2 răng mọc đầu tiên, do vậy, bạn hãy theo dõi kỹ khu vực này. Khi trẻ đã bắt đầu có răng, bạn nên sử dụng bàn chải lông mềm, nhỏ để làm sạch khu vực quanh răng của trẻ hoặc sử dụng khăn sạch, ẩm để lau lợi của bé hàng ngày.

 

Nếu trẻ mọc răng muộn thì sao?

Đến đây hẳn bạn đã biết không nên quá lo lắng nếu trẻ mọc răng sớm. Nhưng trẻ mọc răng muộn có đáng lo hay không. Câu trả lời cũng là không!

Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau. Do vậy đừng quá lo ngại nếu tất cả bạn bè cùng tuổi đều đã bắt đầu mọc răng mà con bạn thì chưa, bởi trẻ sẽ sớm mọc răng theo lịch trình của mình. Trên thực tế, bạn không nên so sánh con mình với con nhà người ta, mà nên so sánh trẻ với anh chị em ruột của trẻ về thời điểm mọc răng. Hoặc, bạn có thể nghĩ về thời điểm mọc răng của bạn và vợ/chồng mình. Tại sao? Vì yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nhất định khi trẻ bắt đầu mọc răng. Nếu trẻ bị sinh non hoặc có cân nặng sơ sinh thấp, thì trẻ cũng có thể sẽ mọc răng muộn.

Trung bình, trẻ sẽ có:

  • 4 răng khi được 11 tháng
  • 8 răng khi được 15 tháng
  • 12 răng khi được 19 tháng
  • 16 răng khi được 23 tháng.

Khoảng thời gian này thường đi kèm với những triệu chứng và dấu hiệu rất căng thẳng (nhưng hoàn toàn bình thường). Các triệu chứng thường sẽ tự đến và tự đi hoặc sẽ đến khi răng mới nhú lên và sẽ biến mất khi răng đã lên khỏi lợi. Ngược lại, rất nhiều trẻ có thể mọc răng mà không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào (sốt, chảy nước dãi, quấy khóc).

Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn chưa mọc răng khi được 18 tháng, bạn nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ chuyên về răng trẻ em để được lượng giá. Trong những trường hợp hiếm gặp, các vấn đề sau có thể sẽ khiến trẻ chậm mọc răng:

  • Thiếu dinh dưỡng
  • Thiếu vitamin
  • Suy giáp

 

Đã rất lâu rồi con tôi chưa mọc răng, có nên lo lắng không?

Một lần nữa, không!

2 răng cửa dưới thường sẽ mọc trước, sau đó là 4 răng cửa hàm trên. Sau đó, trẻ có thể sẽ mọc 2 răng một lần, mỗi bên mọc 1 cái. Nhưng quy trình này có thể sẽ rất khác nhau và rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình này. Nếu bạn lo lắng về việc đã quá lâu rồi trẻ không mọc thêm răng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.

 

Dấu hiệu mọc răng

Các dấu hiệu mọc răng phổ biến bao gồm:

  • Chảy dãi
  • Nhai, nhá đồ vật
  • Kích thích, dễ quấy khóc, khó chịu
  • Sưng, căng lợi
  • Sốt nhẹ trên 37.2 độ C

Nếu trẻ có các dấu hiệu như sốt cao trên 38 độ c, nôn mửa, tiêu chảy thì đó không phải là những dấu hiệu phổ biến khi mọc răng. Nếu trẻ gặp phải các dấu hiệu này, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

 

Giảm khó chịu cho trẻ

Khi trẻ mọc răng, hẳn bạn sẽ rất mệt mỏi về sự quấy khóc của trẻ. Để giúp trẻ bớt khó chịu. Dưới đây là một số cách bạn có thể thử:

  • Nhẹ nhàng mát xa vùng lợi của trẻ bằng ngón tay sạch hoặc bằng gạch sạch, ẩm
  • Chườm lạnh lên vùng lợi sắp mọc răng của trẻ
  • Sử dụng đồ chơi bằng nhựa hoặc cao su đã được để lạnh
  • Nếu trẻ đã có thể ăn được đồ ăn cứng, bạn có thể để lạnh một vài lát dưa chuột và sau đó cho bé gặm. Nên giám sát trẻ khi gặm để tránh hóc, nghẹn
  • Nếu được bác sĩ cho phép, có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn dành cho trẻ em như acetaminophen hoặc ibuprofen.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top