Nghiến răng ban đêm là một rối loạn thường gặp khi ngủ, gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Đây được coi là một rối loạn lớn về giấc ngủ bởi thường không được phát hiện ra cho đến khi có các tổn thương về răng. Nghiến răng khi ngủ xảy ra với khoảng 5-20% người trưởng thành và phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, thanh thanh thiếu niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành. Nghiến răng rất hiếm khi khởi phát sau tuổi 40, tỷ lệ mắc cũng giảm đi theo tuổi.
Nghiến răng thường xảy ra trung bình 25 lần một đêm, mỗi lần kéo dài khoảng 4-5 giây. Như vậy, trong một đêm, người có tật nghiến răng sẽ nghiến răng tổng cộng khoảng hơn 2 phút.
Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân của tật nghiến răng. Các yếu tố ảnh hưởng đến tật nghiến răng bao gồm: stress, chấn thương vùng hàm mặt, rối loạn chức năng hệ thần kinh, dinh dưỡng kém và các bệnh dị ứng. Sử dụng rượu và một số loại thuốc cũng có thể làm gia tăng sự xuất hiện của tật nghiến răng.
Trẻ nhỏ có tật nghiến răng thường sẽ không còn tật này khi trưởng thành. Tuy nhiên, nghiến răng có thể ảnh hưởng đến những người trưởng thành trong một khoảng thời gian không xác định. Những người trưởng thành có tật nghiến răng thường sẽ tăng tần suất nghiến răng trong khi bị stress (ví dụ như khi lo lắng các vấn đề về sức khỏe, gia đình hay công việc).
Nghiến răng có thể gây ra hội chứng khớp thái dương (là hội chứng mà sụn xung quanh khớp hàm trên và hàm dưới bị kích thích). Sự kích thích này có thể gây đau hàm và đau tai. Đau đầu liên quan đến căng cơ và khớp cũng là một triệu chứng phổ biến đi kèm với tật nghiến răng.
Việc tiếp xúc giữa bề mặt răng hàm trên và hàm dưới có thể làm cho răng bị nghiến quá mức, gây ra mất cân bằng giữa bên trái và bên phải hàm khi ngậm miệng, dẫn đến các bệnh nha chu và gây tăng áp lực cho các mô răng và chân răng. Thỉnh thoảng nghiến răng hoặc nghiến răng nhẹ có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng, nghiến răng mãn tính, liên tục có thể dẫn đến đau hàm và đau tai, dẫn đến các bệnh về răng lợi, thậm chí gây mất răng, gãy răng hoặc mất khả năng phục hồi của răng.
Và cũng như các rối loạn khi ngủ khác, nghiến răng có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn. Âm thanh tạo ra khi nghiến răng có thể gây ồn và làm ngắt quãng giấc ngủ của người ngủ cùng hoặc bạn cùng phòng. Hậu quả là những người có người thân có tật nghiến răng cũng sẽ phát triển các triệu chứng thứ cấp, như ngủ không ngon giấc.
Có hai mục tiêu chính trong việc điều trị tật nghiến răng: giảm căng thẳng và chăm sóc răng miệng.
Các liệu pháp thư giãn có thể làm giảm các stress có liên quan đến tật nghiến răng. Ngồi thiền và các hoạt động thư giãn có thể làm giảm tật nghiến răng.
Để ngăn chặn những tổn thương sâu hơn về răng, các nha sỹ có thể cho bệnh nhân sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm bằng cao su.
Một số phương pháp áp dụng tại nhà để làm giảm tật nghiến răng:
Giảm căng thẳng trong cuộc sống: Nếu bạn nghi ngờ những căng thẳng hàng ngày là nguyên nhân gây ra vấn đề, hãy tìm cách giải quyết vấn đề này. Các kỹ thuật thư giãn có thể giúp bạn đối phó với stress và sự tức giận. Thậm chí một số điều bình thường như tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng có thể giúp ích cho bạn.
Làm ấm cơ vùng mặt: Đặt một chiếc khăn mặt ấm lên mặt vào buổi sáng để thư giãn cơ vùng mặt.
Nhai thức ăn mềm: Tránh ăn những loại thức ăn như kẹo cứng, bánh mỳ giòn hoặc bánh mỳ nướng và tránh nhai kẹo cao su. Không nhai các đồ vật như đầu bút chì hoặc đá.
Dùng thuốc giảm đau: Aspirin, acetaminophen và các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn khác có thể giúp bạn giảm đau hàm.
Giảm hoặc không sử dụng rượu: Tật nghiến răng thường sẽ trở nên tệ hơn sau khi bạn sử dụng các loại đồ uống có cồn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh