Nguyên tắc điều trị chỉnh hình can thiệp sớm chen chúc răng

Nội dung

Điều trị chỉnh hình sớm là gì?

Thuật ngữ chỉnh hình sớm đề cập đến tất cả các can thiệp và điều trị có thể được thực hiện trong suốt giai đoạn răng sữa hay răng hỗn hợp với mục đích loại trừ hay giảm tới mức thấp sự bất hài hòa của cấu trúc xương, hàm nhằm giúp đưa đến sự phát triển và tăng trưởng bình thường của khớp cắn, chức năng, thẩm mỹ và tâm lý ở trẻ.

Mục tiêu chung:

– Cải thiện sự phát triển cấu trúc xương, răng

– Loại trừ hoặc kiểm soát bất kỳ các yếu tố môi trường có khả năng ảnh hưởng, chi phối sự phát triển bình thường của khớp cắn

– Tạo môi trường phát triển tối ưu cho sự phát triển khớp cắn

– Sửa chữa hoặc hướng dẫn sự phát triển của khớp cắn sai lệch đến khớp cắn bình thường

– Tạo điều kiện cho giai đoạn chỉnh hình tiếp theo

Phương pháp chung

Những cụm từ phòng ngừa và can thiệp đã được sử dụng trong nhiều loại điều trị chỉnh hình sớm nhưng vẫn còn được hiểu chưa đúng, những thuật ngữ phòng ngừa, can thiệp, sửa chữa nên được giải thích như sau:

– Điều trị chỉnh hình can thiệp bao gồm các loại điều trị nhằm phòng ngừa những sai lệch khớp cắn trước khi nó xảy ra như duy trì khoảng hoặc kiểm soát các thói quen.

– Bao gồm tất cả các loại điều trị có thể được sử dụng trong thời gian phát triển của một khớp cắn bị sai lệch nhằm hướng dẫn sự bất thường thành bình thường và phòng ngừa những tác động bất lợi đối với khớp cắn, một số phương pháp của loại hình điều trị này bao gồm thu hẹp khoảng, nới rộng khẩu cái, sửa chữa cắn chéo răng sau, răng trước, duy trì khoảng leeway trong các trường hợp chen chúc vừa và kiểm soát sự bất hài hòa về kích thước của cung răng và cung hàm.

– Điều trị sửa chữa: được tiến hành sau khi sự sai lệch khớp cắn đã phát triển xong.

 

Nguyên tắc điều trị chỉnh hình can thiệp sớm chen chúc răng 

Mức độ chen chúc trên cung hàm được tính bằng hiệu số giữa tổng kích thước gần xa của răng (khoảng trống cần có) và chu vi cung răng (khoảng trống hiện có). Cung răng chen chúc khi hiệu số này dương, có khe hở khi hiệu số âm và lý tưởng nhất khi có giá trị bằng 0, nghĩa là đủ chỗ cho các răng sắp xếp thẳng hàng. Do đó, tình trạng chen chúc có thể được điều trị bằng cách tăng khoảng trống hiện có hay giảm khoảng trống cần có hoặc kết hợp cả hai.

 

Trên phương diện điều trị chỉnh hình can thiệp tình trạng chen chúc ở giai đoạn bộ răng hỗn hợp, có thể có những phương pháp điều trị chung như sau:

– Giữ chiều dài cung răng hay còn gọi là giữ chu vi cung răng, giữ khoảng leeway.

– Gia tăng chiều dài cung răng: nới rộng xương hàm/ cung răng theo chiều ngang, di xa răng cối (nới rộng theo chiều trước sau).

– Giảm kích thước răng: trong giai đoạn bộ răng hỗn hợp chỉ đề cập đến phương pháp nhổ răng có hướng dẫn (nhổ răng tuần tự).

Để có thể lựa chọn được phương pháp can thiệp thích hợp, mức độ trầm trọng của tình trạng chen chúc chỉ là một phần trong chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị. Một chẩn đoán chính xác và đầy đủ phải bao gồm rất nhiều yếu tố về xương, răng, thẩm mỹ mô mềm…

return to top