Những món ăn thức uống dễ khiến men răng của bạn bị tổn hại

Mảng bám răng là một lớp màng dính chứa đầy vi khuẩn gây ra bệnh nướu răng và sâu răng. Trong những thực phẩm bạn ăn hàng ngày có nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể gây tích tụ mảng bám, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.

Mảng bám răng là một loại màng dính được tìm thấy trên răng. Nó hình thành khi vi khuẩn trong miệng được trộn với thức ăn và đồ uống có đường hoặc tinh bột. Vi khuẩn trong miệng, axit và carbohydrate từ thức ăn hoặc đồ uống trộn lẫn với nhau và tạo thành mảng bám trên răng.

Nếu mảng bám không được loại bỏ bằng cách đánh răng thường xuyên, nó có thể khiến men răng bị hư hại và cuối cùng gây ra sâu răng. Mảng bám răng không được làm sạch bằng cách chải răng cũng có thể cứng lại thành cao răng, hay còn gọi là vôi răng.

Làm thế nào bạn có thể ngăn chặn mảng bám tàn phá răng của bạn? Bên cạnh việc giữ vệ sinh răng miệng và đi khám răng định kỳ, bạn hãy cố gắng hạn chế những thực phẩm dưới đây.

1. Đồ uống có đường

Đồ uống có đường như như nước ngọt, nước có gas, soda, nước tăng lực… có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Chúng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tăng cân, mắc bệnh tim mạch, kháng insulin, và chúng đặc biệt có hại cho nướu và răng.

Nghiên cứu cho thấy rằng nước ngọt và đồ uống có đường ăn mòn răng của bạn. Trên thực tế, thường xuyên tiêu thụ đồ uống có gas có tính axit như soda và đồ uống thể thao được coi là yếu tố chính gây xói mòn răng. Lạm dụng chúng thường xuyên có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi cho răng.

Những đồ uống này ảnh hưởng đến răng của bạn theo hai cách có hại: Chúng có tính axit và cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn gây sâu răng. Vi khuẩn gây sâu răng, chẳng hạn như Streptococcus mutans, ăn đường và tạo ra axit khử khoáng hoặc phá vỡ men răng.

Vì vậy, uống nhiều đồ uống có tính axit, có đường như coca rất có hại cho răng. Chúng không chỉ có tính axit tự nhiên mà còn dẫn đến sản sinh axit nhiều hơn.

Vì lý do này, tốt nhất bạn nên tránh hoặc hạn chế đồ uống có đường, có tính axit càng nhiều càng tốt. Bạn cũng nên tránh đánh răng ngay sau khi uống đồ uống có tính axit như soda vì dễ làm tổn thương men răng.

 

2. Kẹo ngậm, kẹo mút

Như đã nói ở trên, đường nuôi vi khuẩn có hại trong miệng, dẫn đến sản sinh axit phá vỡ men răng. Đây là lý do tại sao lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây sâu răng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em và người lớn có chế độ ăn nhiều đường bổ sung có nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng cao hơn đáng kể.

Ngậm kẹo như kẹo mút và kẹo ngậm có đường là một trong những điều tồi tệ nhất bạn có thể làm cho răng của mình. Việc mút, ngậm làm tăng thời gian răng tiếp xúc với đường, đây là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của sâu răng.

Ăn nhiều đường bổ sung cũng có thể gây hại cho nướu răng bằng cách góp phần làm tăng tình trạng viêm và stress oxy hóa, có thể làm hỏng mô nướu.

 

3. Trái cây họ cam quýt

Trái cây họ cam quýt như cam, bưởi và chanh là trái cây mọng nước chứa nhiều vitamin C. Nhưng nếu ăn quá nhiều, hàm lượng axit của chúng có thể ăn mòn men răng, khiến răng dễ bị sâu hơn.

Ngoài ra, axit từ cam quýt có thể gây khó chịu cho vết loét miệng. Nếu bạn muốn bổ sung chất chống oxy hóa và vitamin, nên ăn chúng điều độ vào bữa ăn và sau đó súc miệng sạch bằng nước.

 

4. Bánh mì trắng và khoai tây chiên

Carbs tinh chế như bánh mì trắng và một số loại thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên, có thể góp phần gây ra tình trạng sức khỏe răng miệng kém.

Cũng như khi bổ sung đường, vi khuẩn trong miệng nhanh chóng lên men đường có trong các nguồn carb như bánh mì trắng và khoai tây chiên, tạo ra axit ăn mòn men răng. Ăn nhiều thực phẩm này có liên quan đến việc tăng nguy cơ sâu răng.

Hơn nữa, một số nghiên cứu cũng cho thấy, thực phẩm giàu tinh bột có thể làm tăng tác động gây sâu răng của đường. Tinh bột có tính dính, làm tăng thời gian đường lưu lại trên răng, bị mắc kẹt trên và giữa các kẽ răng và nuôi vi khuẩn trong mảng bám.

Vì vậy, bạn nên thay thế thực phẩm giàu tinh bột đã qua chế biến như bánh mì trắng và khoai tây chiên bằng các nguồn carb giàu chất dinh dưỡng hơn như trái cây, khoai lang và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp cải thiện sức khỏe răng miệng.

 

5. Rượu

Đa số chúng ta đều biết, uống rượu không có lợi cho sức khỏe tổng thể nhưng ảnh hưởng của rượu với sức khỏe răng miệng như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Khi uống rượu, bạn sẽ bị khô miệng, thiếu nước bọt. Tác dụng của nước bọt là ngăn không cho thức ăn dính vào răng và rửa sạch các mảnh thức ăn. Nó thậm chí còn giúp sửa chữa các tổn thương ban đầu của sâu răng, bệnh nướu răng và các bệnh nhiễm trùng miệng khác. Vì vậy để tuyến nước bọt hoạt động tốt bạn không nên uống rượu mà nên uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ, sữa…

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, cần tạo thói quen thường xuyên vệ sinh răng miệng đúng cách bằng cách đánh răng hoặc dùng chỉ tơ nha khoa. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn những thực phẩm gây hại men răng, nướu răng và gây sâu răng như thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, nhiều tinh bột chế biến… Nên khám răng định kỳ phát hiện sớm tổn thương răng để điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top