Có bao nhiêu loại đau tim?

Hội chứng mạch vành cấp và đau tim

Hội chứng động mạch vành cấp – hay hội chứng mạch vành cấp (viết tắt là ACS) xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn, gây cản trở việc cung cấp máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng cho tim. Đau tim là một dạng của ACS. Tình trạng này xảy ra khi tim không nhận được đủ lượng máu cần thiết để hoạt động. Cơn đau tim này có thể gọi là nhồi máu cơ tim.

Đau tim được chia thành 3 dạng bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI)
  • Nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI)
  • Đau thắt ngực không ổn định

Đoạn ST chênh lên ở đây đề cập tới hình ảnh đoạn sóng ST xuất hiện trên điện tâm đồ. Nhìn chung, cả 3 dạng đều được coi là các cơn đau tim nghiêm trọng.

 

Nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI)

Khi một cơn đau tim xuất hiện, STEMI sẽ được nghĩ tới đầu tiên. Một cơn STEMI xảy ra khi mạch vành của tim bị tắc nghẽn hoàn toàn và kéo theo một vùng lớn của cơ tim sẽ bị ngắt cung cấp máu. Cơn đau tim khi đó sẽ xảy ra và gây ra các tổn thương nghiêm trọng.

STEMI có các triệu chứng cổ điển bao gồm đau vùng giữa ngực, cảm giác khó chịu ở ngực có thể được mô tả như chèn ép, căng tức chứ không phải đau nhói. Một số người còn mô tả cảm giác đau ở một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ hoặc vùng hàm.

Các triệu chứng khác có thể đi kèm như:

  • Buồn nôn
  • Thở ngắn
  • Lo lắng
  • Choáng váng
  • Toát mồ hôi và lạnh

 

Nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI)

Không giống như STEMI, động mạch vành khi này không bị tắc hoàn toàn mà chỉ bị tắc một phần. Điều này dẫn tới không có hình ảnh đoạn sóng ST chênh lên xuất hiện trên điện tâm đồ. Đối với tình trạng này, chụp mạch vành sẽ cho biết mức độ tắc nghẽn của động mạch. Xét nghiệm máu cũng là một phương pháp cận lâm sàng hữu hiệu, cho biết mức protein troponin tăng cao. Mặc dù tổn thương ít hơn so với STEMI, tuy nhiên tình trạng này vẫn được coi là một tình trạng nguy hiểm.

 

Co thắt động mạch vành – cơn đau tim im lặng/đau tim không tắc nghẽn mạch vành

Co thắt động mạch vành hay còn được biết đến là mạch vành co thắt/đau thắt ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim thầm lặng. Các triệu chứng của nó giống như STEMI, và thậm chí có thể bị nhầm lẫn với đau cơ, khó tiêu… Tình trạng này xảy ra khi một trong những động mạch vành co thắt chặt đến mức khiến lượng máu của tim bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc giảm lưu lượng mạnh. Biện pháp cận lâm sàng hữu ích trong trường hợp này là xét nghiệm máu và các phương pháp chụp mạch để đánh giá.

Tình trạng này không gây ra các tổn thương vĩnh viễn trong thời gian mạch vành bị co thắt. Mặc dù các cơn đau tim thầm lặng không nghiêm trọng như 2 trường hợp trên, song chúng làm tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau tim khác nghiêm trọng hơn trong tương lai.

 

Yếu tố nguy cơ của các cơn đau tim

Yếu tố nguy cơ của STEMI và NSTEMI là tương tự nhau:

  • LDL trong máu cao (cholesterol tỉ trọng thấp – cholesterol xấu)
  • Huyết áp cao
  • Béo phì
  • Lối sống ít vận động
  • Hút thuốc
  • Tiểu đường
  • Tuổi cao

Các yếu tố nguy cơ cũng có mối liên quan đến tuổi tác. VÍ dụ: từ khoảng 55 tuổi trở lên, nam giới có khả năng bị đau tim cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên sau thời kỳ mãn kinh, những nguy cơ tại nữ giới lại tương tự như nam giới. Ngoài ra, nam giới thường gặp các vấn đề về các mạch máu lớn của tim, trong khi nữ giới thường gặp các vấn đề về các mạch máu nhỏ.

Yếu tố nguy cơ của tình trạng co thắt động mạch vành

Những yếu tố nguy cơ của STEMI và NSTEMI cũng có thể khiến xảy ra co thắt động mạch vành. Tuy nhiên, có một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ co thắt mạch vành riêng biệt. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:

  • Chứng đau nửa đầu
  • Thừa hormone tuyến giáp
  • Dị ứng mạn tính
  • Hút thuốc
  • Sử dụng rượu quá nhiều
  • Lượng magie trong cơ thể thấp
  • Đang dùng thuốc trong hóa trị ung thư

 

Tổng kết

Đau tim có nhiều kiểu khác nhau, và mỗi kiểu lại có một hình thái và những yếu tố nguy cơ khác nhau. Nhìn chung, đây điều là các tình trạng nguy hiểm và cần được khám và tư vấn kịp thời của các bác sĩ chuyên khoa. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế sớm nhất nếu bạn thấy bản thân hay người thân đang gặp phải các dấu hiệu như trên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top