Trên cơ thể, có hàng trăm dây chằng với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau, phân bố tại các vị trí như: cổ, lưng, đầu gối, khớp háng,… Đây là một cơ quan bao quanh khớp, được cấu tạo từ các mô sợi gồm nhiều phân tử collagen liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó, cơ quan này có chức năng chính là kết nối các khớp lại với nhau, đồng thời cố định và bảo vệ đầu khớp.
Giãn dây chằng là tình trạng dây chằng ở các khu vực như: khớp đầu gối, cột sống, cổ, thắt lưng,… bị kéo căng quá mức nhưng không bị đứt. Nguyên nhân làm dây chằng bị giãn là do vận động sai tư thế, tai nạn hoặc va chạm mạnh trong quá trình lao động. Lúc này, vùng tổn thương sẽ sưng to lên khiến bạn cảm thấy đau nhức. Đồng thời, việc đi lại hay vận động cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do khớp bị lỏng lẻo.
Nếu để lâu ngày thì tình trạng dây chằng bị kéo căng quá mức sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: đứt dây chằng, viêm dây chằng,...
Dây chằng bị giãn là tình trạng thường gặp khi vận động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến dây chằng bị kéo căng:
Ngồi sai tư thế khi làm việc hoặc bưng bê đồ không đúng cách có thể khiến dây chằng bị giãn. Đồng thời, trong quá trình chơi các môn thể thao như: điền kinh, đẩy tạ,… việc tiếp đất sai hoặc trượt té cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Do đó, khi hoạt động bạn nên cẩn thận để tránh làm tổn thương dây chằng.
Việc khuân vác hoặc bưng bê các độ vật nặng cần rất nhiều sức lực của cơ bắp, đồng thời làm kéo căng dây chằng. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì hệ thống dây chằng sẽ bị kéo căng quá mức và liên tục, từ đó dẫn đến hiện tượng giãn dây chằng.
Té ngã, va đập mạnh trong tai nạn giao thông hoặc lao động sẽ khiến xương khớp bị tổn thương. Đồng thời gây giãn cơ và làm dây chằng bị kéo căng. Do đó, khi bạn xoay, duỗi, gấp,… sẽ cảm thấy rất đau nhức.
Dây chằng được cấu tạo từ các mô liên kết, có thành phần chính là collagen . Theo thời gian thì số lượng collagen do cơ thể sản xuất sẽ ngày càng ít đi. Do đó, dây chằng của người già sẽ bị thoái hóa và dễ kéo giãn quá mức.
Một số bệnh lý liên quan đến xương khớp có thể làm dây chằng bị giãn như: thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp,… Do đó, bạn nên điều trị dứt điểm các bệnh này để hạn chế tình trạng dây chằng bị giãn.
Khi dây chằng bị giãn sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
Người bị tổn thương dây chằng sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải gánh chịu những cơn đau nhức. Tùy theo mức độ tổn thương của dây chằng mà cơn đau có thể thoáng qua hoặc kéo dài âm ỉ. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, ẩm ướt thì cơn đau sẽ trở nên dữ dội và nhức mỏi nhiều hơn. Do đó lúc quay người, đứng lên ngồi xuống đột ngột hoặc khuân vác đồ, thì cảm giác đau nhức sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.
Khi dây chằng bị kéo căng quá mức thì các vùng tổn thương xung quanh dây chằng đó sẽ sưng tấy. Đồng thời, do máu tập trung lại nhiều nên vùng tổn thương sẽ bị nóng và đỏ lên. Sau một thời gian, vùng da tại đó sẽ chuyển thành tím bầm.
Khi dây chằng bị kéo căng quá mức, bạn sẽ bị căng cứng khớp. Để vận động lại bình thường thì bạn phải xoa bóp khớp vài phút. Nếu dây chằng bị đứt thì việc đi lại sẽ trở nên khó khăn do khớp xương bị lỏng lẻo
Các triệu chứng trên đều giống với triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Do đó, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu không khắc phục sớm, thì tình trạng dây chằng bị kéo giãn sẽ chuyển biến phức tạp hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Đồng thời, tình trạng này có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm như: viêm khớp, thoái hóa khớp,… Do đó, để giảm thiểu các cảm giác đau nhức bạn có thể tham khảo một số biện pháp chữa trị dưới đây:
Ngay sau khi dây chằng bị kéo căng, bạn nên cố định khớp bằng nẹp. Đồng thời, bạn nên hạn chế vận động mạnh và có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý để giảm bớt tổn thương lên dây chằng.
Nếu để máu ứ lại làm chèn ép dây chằng sẽ gây đau nhiều hơn, do đó bạn không nên ngồi im một chỗ. Để tăng cường độ dẻo dai của các dây chằng và lưu thông mạch máu, bạn nên tập các bài yoga theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với việc xoa bóp các khớp.
Sau khi dây chằng bị kéo căng, để giảm bớt cảm giác đau nhức, bạn có thể chườm lạnh lên vùng tổn thương. Cách làm này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu. Tuyệt đối bạn không nên chườm nóng lên vùng tổn thương. Vì điều này có thể khiến vùng tổn thương bị sưng to hơn.
Để dây chằng nhanh chóng hồi phục, bạn nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như: rau xanh, củ quả tươi, thịt, cá,… Những thực phẩm này sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, từ đó hỗ trợ tiêu viêm và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, bạn nên kiêng ăn một số thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn,… Bởi vì chúng có thể khiến mức độ tổn thương dây chằng trở nên nặng hơn.
Giãn dây chằng gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu không khắc phục sớm, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ, căng cứng khớp bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Đồng thời, bạn không nên tự chữa trị bằng các phương pháp dân gian, vì có thể làm mức độ tổn thương trở nên nặng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh