✴️ Viêm da xốp hóa là gì?

Viêm da xốp hóa là gì?

Viêm da xốp hóa là tình trạng gây ra da khô, đỏ, ngứa và nứt nẻ, thường liên quan đến một số tình trạng viêm do chất dịch tích tụ dưới da. Viêm da xốp hóa có mối liên hệ mật thiết với viêm da dị ứng hoặc bệnh chàm. Đây là tình trạng viêm da phổ biến gây ra bởi dị ứng.

Triệu chứng của viêm da xốp hóa

Các triệu chứng của viêm da xốp hóa bao gồm:

  • Da khô, bong vảy;
  • Ngứa dữ dội;
  • Phát ban, đặc biệt là ở tay, bên trong khuỷu tay và phía sau khoeo gối;
  • Mụn nước do phát ban, có thể có dịch trong trường hợp nặng;
  • Da đỏ, viêm do gãi liên tục.

Nguyên nhân

Viêm da dị ứng là nguyên nhân lâm sàng phổ biến nhất có liên quan với viêm da xốp hóa. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, nhưng nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này có liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.

Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng cho thấy những người mắc bệnh này có thể bị đột biến gen chịu trách nhiệm tạo ra một loại protein gọi là filaggrin - giúp duy trì hàng rào bảo vệ trên lớp trên cùng của da. Khi không có đủ filaggrin, hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, cho phép hơi ẩm thoát ra ngoài và không thể ngăn chặn sự xâm nhập của các chất gây dị ứng và vi khuẩn.

Viêm da dị ứng có xu hướng di truyền và có thể đi kèm với các tình trạng khác chẳng hạn như hen suyễn và sốt hoa cỏ (hay fever).

Các tác nhân có thể bao gồm:

  • Các chất gây dị ứng như thực phẩm cụ thể, thực vật, thuốc nhuộm và các loại thuốc;
  • Các chất kích thích, như xà phòng, mỹ phẩm, mủ cao su và một số kim loại trong trang sức;
  • Tăng mức độ căng thẳng;
  • Thay đổi nồng độ hormone;
  • Khí hậu khô hoặc ẩm ướt;
  • Đổ mồ hôi nhiều cũng có thể làm tăng tình trạng ngứa.

triệu chứng của viêm da xốp hóa

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của viêm da xốp hóa bao gồm:

Tuổi: Viêm da dị ứng thường gặp ở trẻ em hơn người lớn, với 10 - 20% trẻ em và 1 đến 3% người lớn gặp phải tình trạng này.

Dị ứng: Người có da dễ bị dị ứng có nguy cơ bị viêm da xốp hóa cao hơn.

Chất gây kích ứng: Tiếp xúc kéo dài với các chất gây kích thích, như chất tẩy rửa, hóa chất hoặc kim loại có thể gây ra tình trạng này.

Tiền sử gia đình: Người có tiền sử gia đình bị viêm da cơ địa có nhiều khả năng bị viêm da xốp hóa.

Chẩn đoán

Bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán viêm da xốp hóa bằng cách khám da kết hợp với các triệu chứng cụ thể, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên đôi lúc cũng cần phải nhờ đến sinh thiết da để hỗ trợ chẩn đoán.

Ngoài ra, có thể thực hiện một thử nghiệm kích thích da bao gồm việc đặt các miếng dán có chứa chất gây dị ứng thông thường lên lưng của một người để xem chúng có gây ra phản ứng dị ứng nào trên da hay không.

Biến chứng

Trong thời gian bộc phát, việc cào gãi vết mẩn ngứa có thể khiến da khô nứt nẻ hoặc phồng rộp dẫn đến nhiễm trùng da. Gãi nhiều lần cũng có thể dẫn đến dày da - quá trình gọi là liken hóa. Da dày có thể gây ngứa nhiều hơn ngay cả khi tình trạng viêm không hoạt động.

Điều trị

Mặc dù không có cách chữa trị cụ thể đối với viêm da xốp hóa, tuy nhiên có thể điều trị đợt viêm da cấp bằng thuốc, chăm sóc da và thay đổi lối sống. Dưới đây là các phương pháp điều trị có thể cho viêm da xốp hóa:

  • Giữ ẩm hàng ngày và vệ sinh da bằng kem dưỡng ẩm;
  • Tránh sử dụng xà phòng, sữa tắm và chất tẩy rửa vì có thể gây kích ứng da;
  • Sử dụng các loại kem bôi steroid tại chỗ phù hợp để giảm viêm và ngứa.
  • Sử dụng các chất ức chế calcineurin tại chỗ, như thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus để kiểm soát đợt viêm da cấp.
  • Dùng thuốc kháng histamine để giảm các triệu chứng dị ứng. Các loại thuốc kháng histamine thế hệ mới không gây buồn ngủ sẽ ít có tác dụng phụ gây mệt mỏi hơn.
  • Đeo băng, quấn khăn ướt hoặc bôi thuốc mỡ để giúp vùng da tổn thương khỏi bị cọ xát, tránh trầy xước.
  • Phương pháp điều trị bằng tia cực tím hoặc liệu pháp quang học. Liệu pháp này thường không được khuyến nghị cho trẻ em. Ánh sáng mặt trời tự nhiên có thể giúp giảm giảm viêm.
  • Sử dụng steroid đường uống có thể làm giảm các triệu chứng trong thời gian viêm da cấp tính hoặc mức độ lan rộng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đối với một số trường hợp, việc uống bổ sung vitamin A hoặc dầu cá có thể làm giảm các triệu chứng.

dưỡng ẩm cho viêm da xốp hóa

Phòng ngừa

Các cách để giảm bớt sự khó chịu của viêm da xốp hóa và giảm khả năng bùng phát bao gồm:

  • Duy trì thói quen chăm sóc da hàng ngày;
  • Tránh các tác nhân gây dị ứng như thực phẩm, mỹ phẩm, chất tẩy rửa hoặc các loại động vật;
  • Đeo găng tay không cao su khi làm việc để bảo vệ da tay;
  • Tránh làm trầy xước vùng da bị ảnh hưởng;
  • Mặc quần, áo có chất liệu mềm, thoáng khí, tránh các loại vải gây ngứa;
  • Giặt quần áo bằng bột giặt không sinh học;
  • Giữ cho da thoáng mát.
  • Điều trị các triệu chứng ngay khi vừa xuất hiện. Tình trạng bùng phát khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát hơn.

Tổng kết

Sống chung với viêm da xốp hóa có thể là một điều không hề dễ dàng đối với những người mắc bệnh. Tình trạng này không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy không có nguy cơ lây lan từ người này sang người khác.

Mặc dù không có biện pháp chữa trị triệt để tuy nhiên viêm da xốp hóa cũng có thể được kiểm soát. Phác đồ điều trị bao gồm dùng thuốc, chăm sóc da và thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và giảm nguy cơ bùng phát.

Có thể bạn quan tâm: Người bị viêm da cơ địa thì có xăm hình được không?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top