✴️ Vỡ xương bánh chè có đi lại được không và phương pháp điều trị

Nội dung

Vỡ xương bánh chè có đi lại được không? Vỡ xương bánh chè là một loại chấn thương khá phổ biến thường xảy ra khi người bệnh ngã gập gối xuống đất. Lúc này khớp gối sưng to, đau chói, không thể tự co duỗi được. Khi ấn vào có cảm giác đau, khám thấy dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè.

Vỡ xương bánh chè có đi lại được không

Vỡ xương bánh chè là một loại chấn thương khá phổ biến

 

Điều trị vỡ xương bánh chè như thế nào?

Thông thường khi bị chấn thương khớp gối, người bệnh chưa thể biết có tổn thương bánh chè hay không. Vì thế người bệnh cần nghỉ ngơi và nằm bất động theo dõi.

Để giảm đau, nên lấy khăn lạnh hoặc gói đá vào khăn và chườm trong 20 phút. Sau đó, cần theo dõi nếu tình trạng sưng đau phù nề không giảm hoặc đau càng tăng thì có thể là tổn thương vỡ hoặc gãy xương bánh chè.

Tùy vào từng trường hợp bệnh, mức độ vỡ xương bánh chè, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn

Phương pháp này thường được áp dụng khi vỡ xương bánh chè dạng nứt rạn, không di lệch (2 mảnh và mặt khớp bánh chè-lồi cầu đùi không bị khấp khểnh); người bệnh cao tuổi không đi đứng được hoặc có bệnh nội khoa nặng kèm theo. Tùy từng trường hợp có thể được bó bột.

Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bó bột hoặc phẫu thuật

Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bó bột hoặc phẫu thuật

 

Điều trị phẫu thuật

Thường được chỉ định khi vỡ xương bánh chè, 2 phần vỡ rời xa nhau quá 4mm, gãy vụn khi diện khớp của các mảnh gãy khấp khểnh hoặc có mảnh rời di lệch vào khớp gối. Bác sĩ có thể mổ buộc vòng chỉ thép, mổ buộc xương chữ U, mổ bắt vít, mổ néo ép. Trong trường hợp vỡ vụn quá, cần mổ lấy bỏ xương bánh chè.

Vỡ xương bánh chè có đi lại được không?

Thông thường khi vỡ xương bánh chè sẽ ảnh hưởng tới khả năng đi lại, vận động. Người bệnh cần phải nằm bất động để đợi thời gian phục hồi. Trong thời gian này, người bệnh cần áp dụng các bài tập vật lý trị liệu kèm theo để sớm hồi phục. Cụ thể như:

Đối với bệnh nhân bó bột

Người bệnh cần bất động khớp gối, cần tập co cơ tĩnh trong nẹp, bột đặc biệt là cơ tứ đầu đùi. Kết hợp tập chủ động các khớp tự do như háng, cổ chân để tăng cường tuần hoàn. Sau khi bột khô, người bệnh cần đứng dậy, tập đi với nạng.

Giai đoạn sau khi tháo bột hoặc tháo nẹp cố định khớp gối, người bệnh cần xoa bóp chống kết dính xung quanh sẹo mổ, xung quanh xương bánh chè và xung quanh khớp.

Đồng thời tập duỗi khớp, gấp gối tăng dần, tập các bài xuống tấn, đạp xe đạp, trên dụng cụ chuyên biệt, tập bơi, lên xuống cầu thang.

Sau điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện sớm khả năng vận động

Sau điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ 

 

Đối với bệnh nhân phẫu thuật

Đối với các trường hợp bệnh nhân phẫu thuật thì từ ngày thứ nhất đến 14 ngày cần duỗi gối tối đa; gấp khớp gối tới 90 độ kết hợp chườm lạnh khớp gối, băng chun ép cố định. Người bệnh đi lại bằng nạng đến khi kiểm soát được cơ đùi.

Sau phẫu thuật từ 2 – 6 tuần, bệnh nhân cần vận động của khớp gối. Tăng sức mạnh nhóm cơ đùi, tập duỗi khớp gối tối đa, thực hiện các bài tập với chun, tạ, dụng cụ chuyên dụng.

Sau khi sức khỏe ổn định, người bệnh cần tái khám kiểm tra theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Để sau vỡ xương bánh chè có thể sớm đi lại, vận động thì người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Áp dụng các bài tập luyện co duỗi đúng phương pháp, phù hợp với sức khỏe. Tránh vận động quá sức khiến vết thương lâu lành.

Bên cạnh đó, người bệnh vỡ xương bánh chè cũng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung thực phẩm tốt cho xương khớp, giàu canxi để hồi phục nhanh chóng bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top