Viêm da cơ địa là một tình trạng mạn tính, có biểu hiện ngứa, đỏ da, thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bệnh có tính gia đình và được khởi phát bởi:
Dị ứng nguyên;
Bệnh lý da và hệ thống khác;
Hóa chất hoặc ô nhiễm không khí.
Trong đó, mực xăm hay tác động cơ học của dụng cụ xăm cũng có thể làm bùng phát đợt bệnh cấp tính trên người có viêm da cơ địa. Bên cạnh việc bùng phát viêm da cơ địa thì xăm hình trong những trường hợp này còn dễ gặp phản ứng tăng nhạy cảm với mực xăm gồm viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da dị ứng ánh sáng. Đặc biệt là mực xăm màu đỏ thường gây ra những phản ứng này và ít gặp hơn là màu đen, xanh dương, tím và xanh lá.
Do đó, nếu đang có tình trạng bệnh cấp tính thì nên trì hoãn và chờ đến khi đợt bệnh lui hoàn toàn rồi hãy xăm hình.
Trong viêm da cơ địa thì da trở nên dễ nhạy cảm với môi trường bên ngoài và dễ bị kích ứng hay dị ứng bởi các yếu tố như hóa chất. Do đó, có nhiều vấn đề có thể gặp phải khi xăm hình ở người viêm da cơ địa như:
Ngứa nhiều trong quá trình lành thương;
Nhiễm trùng;
Bùng phát viêm da cơ địa như ngứa và đỏ;
Phản ứng dị ứng mực xăm;
Tăng hay giảm sắc tố, sẹo do lành thương không tốt tại vị trí xăm.
Ngoài ra, một số trường hợp viêm da cơ địa sau đợt bệnh cấp tính do ngứa gây cào gãi nhiều dẫn đến nhiễm trùng, bệnh dai dẳng và khi lui bệnh để lại những dát tăng sắc tố, sẹo. Những trường hợp này được ghi nhận là có sử dụng những biện pháp ngụy trang trong đó có xăm hình để che đi khiếm khuyết ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ bởi sẹo hay rối loạn sắc tố, đặc biệt ở vùng phơi bày, dễ nhìn thấy. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy khi xăm hình cho mục đích này có thể làm cho viêm da cơ địa tái phát hay gây các rối loạn da khác như viêm da, điều này còn làm nặng hay rõ thêm những khuyết điểm muốn che đi.
Trong thời gian lành thương sau xăm hình nếu thấy xuất hiện các triệu chứng ngứa, đỏ ở vùng da xung quanh vết thương thì có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
Thoa kem có chứa hydrocortisone giúp giảm ngứa;
Loại bỏ băng dán trên vết thương (nếu có) trong vòng 24 giờ;
Rửa vết xăm hình nhẹ nhàng, tránh cào gãi hay cọ xát mạnh;
Không tự ý sử dụng kháng sinh thoa như neosporin vì có thể gây phản ứng dị ứng tại chỗ;
Thoa dưỡng ẩm không chứa chất tạo hương hay những sản phẩm chuyên biệt cho da có cơ địa dị ứng.
Trong một số trường hợp nặng như phát ban da nhiều ở vùng da xung quanh vết xăm mới hay hình xăm bị nhiễm trùng do ngứa gây cào gãi nhiều thì nên đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được khám và điều trị thích hợp. Những dấu hiệu của một hình xăm bị nhiễm trùng gồm:
Sưng phù, đỏ nhiều xung quanh vùng xăm;
Tiết dịch từ vết xăm;
Sốt hay ớn lạnh.
Nếu có viêm da cơ địa thì không có nghĩa là không thể xăm hình. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tình trạng da trước khi xăm hình, ví dụ như không nên xăm hình khi đang có bệnh lý hoạt động kể cả không phải ở vị trí muốn xăm hình. Và trong trường hợp cần thiết nên tham khảo ý kiến bác sĩ Da liễu trước khi xăm hình hay khi có biểu hiện bất thường tại vị trí xăm sau xăm hình.
Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.
Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.