Lý do gây nên triệu chứng phù nề

Phù nề là gì?

Phù nề hay còn gọi là tích nước, là tình trạng sưng phù do tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Sự sưng phù này khiến phần cơ thể đó trở nên to hơn và sưng húp do lượng nước dư thừa. Tích nước có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể - chẳng hạn như sưng tấy ở chân hay tình trạng giữ nước trên mặt. Cơ thể có một hệ thống phức tạp để kiểm soát lượng chất lỏng, nhưng thận là cơ quan chính kiểm soát việc giữ nước. Chức năng của thận là lọc máu và duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể. Trọng lượng nước là một thuật ngữ khác dùng để mô tả chất lỏng tồn tại trong cơ thể thay vì được thận lọc ra ngoài.

 

Nguyên nhân giữ nước

Các nguyên nhân phổ biến gây tích nước bao gồm:

  • Ngồi ở một tư thế quá lâu
  • Ăn quá nhiều muối
  • Mang thai
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Một số loại thuốc, như dùng thuốc lợi tiểu để kiểm soát huyết áp .

Ngoài ra, cũng có một số tình trạng bệnh nhất định cũng có thể gây giữ nước, bao gồm:

  • ‌Suy tim‌: Khi tim không còn bơm máu hiệu quả nữa, tình trạng tích nước sẽ xảy ra ở các chi dưới – bao gồm chân, mắt cá chân và bàn chân. Cuối cùng, sự tích tụ chất lỏng cũng sẽ xảy ra trong phổi.
  • ‌Bệnh thận‌: Thận chịu trách nhiệm lọc máu và kiểm soát lượng chất lỏng. Nếu thận bị tổn hại, phù nề sẽ xảy ra.
  • ‌Tuần hoàn kém‌: Các vấn đề về tuần hoàn có thể dẫn đến giữ nước và sưng tấy do tích tụ chất lỏng.

 

Triệu chứng giữ nước

Việc giữ nước có thể khiến bạn cảm thấy nặng nề và sưng húp hơn bình thường. Các triệu chứng phổ biến nhất là sưng tấy ở bàn chân, cẳng chân, bàn tay hoặc đôi khi là ở bụng. Sự tích nước này gây ra vết lõm trên da khi bị ấn xuống hoặc bị nén (như khi đi tất).

Theo bác sĩ, các triệu chứng khác của tình trạng tích nước có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau nhức
  • Khó thở (nếu chất lỏng tích tụ trong phổi)

 

Biện pháp khắc phục tình trạng giữ nước

Trong một số trường hợp, tình trạng giữ nước có thể tự biến mất. Nhưng nếu bạn đang cố gắng giảm bớt tình trạng này, có một số biện pháp tự nhiên bao gồm:

  • Uống nhiều nước hơn
  • Cắt giảm thực phẩm mặn và có đường
  • Tập thể dục
  • Nâng cao bàn chân của bạn
  • Mang tất nén

Cách khác để giúp cải thiện tình trạng phù nề là nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc giúp cải thiện khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa của thận.

 

4 mẹo để ngăn chặn việc giữ nước

Trong một số trường hợp, việc giữ nước có thể ngăn ngừa được. Với lối sống thích hợp và thay đổi chế độ ăn uống, bạn hoàn toàn có thể tránh được tình trạng này. Dưới đây là một số lời khuyên:

1. Duy trì lượng nước thích hợp

Cách dễ nhất để ngăn ngừa tình trạng giữ nước là duy trì lượng nước thích hợp. Khi chúng ta bị mất nước nhẹ, cơ thể sẽ giữ lại lượng nước dư thừa. Để chống lại điều đó, hãy đặt mục tiêu uống đủ 2 lít nước mỗi ngày trừ khi bác sĩ khuyên bạn nên hạn chế chất lỏng.

2. Tập thể dục thường xuyên

Một chiến lược khác mà chuyên gia gợi ý để kiểm soát tình trạng phù nề là tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục sử dụng cơ bắp của bạn để đẩy nước ra khỏi các mô và khiến chúng quay trở lại tĩnh mạch.

3. Hạn chế muối và đường

Mặc dù bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn muối và đường nhưng việc hạn chế hai thành phần này giúp giảm lượng nước mà cơ thể bạn tích trữ. Thực phẩm gây giữ nước bao gồm:

  • Thịt và cá đã được xử lý, hun khói hoặc đóng hộp
  • Thịt nguội
  • Bánh mỳ
  • Súp và rau đóng hộp
  • Pizza
  • Bữa ăn đóng gói sẵn
  • Đồ nướng
  • Đồ ăn nhẹ có vị mặn như khoai tây chiên và bimbim

Những thực phẩm này có thể gây tích nước và viêm nhiễm trong cơ thể.

4. Thử dùng thực phẩm bổ sung

Có một số chất bổ sung và dược liệu có thể giúp giảm sưng phù, bao gồm rễ bồ công anh, magiê và vitamin B. Tất cả đều có thể đóng vai trò quản lý lượng chất lỏng trong cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi thử bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung không kê đơn nào, đặc biệt nếu bạn hiện đang dùng thuốc. 

Nếu tình trạng sưng phù của bạn không cải thiện sau một vài ngày hoặc sau khi thử các biện pháp khắc phục và chiến lược phòng ngừa ở trên, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế để xác định nguyên nhân và tìm cách kiểm soát tình trạng phù nề này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top