Một số lưu ý đối với một số thuốc nhắm đích thường dùng dành cho người bệnh

Nội dung

Các thuốc nhắm đích phân tử là thuốc tác động chọn lọc lên các đích đặc hiệu- các phân tử liên quan đến quá trình tăng sinh của khối u. Chính vì vậy nó làm tăng hiệu quả điều trị bệnh và hạn chế được tác dụng không mong muốn trên tế bào lành. Chúng ta hiểu thế nào là điều trị nhắm trúng đích? Một cách đơn giản đó là: bằng cách nào đó trực tiếp hoặc gián tiếp, thuốc sẽ tác dụng nhiều nhất đến tế bào ung thư và hạn chế tối đa tác động trên tế bào lành. Và như vậy, tác dụng không mong muốn sẽ giảm- Đây là điểm khác cơ bản cũng là ưu thế của liệu pháp này so với hóa trị kinh điển.

 

1. Khi bệnh nhân sử dụng Bevacizumab

Đây là thuốc kháng sinh mạch (ức chế tăng sinh mạch) với cơ chế hoạt động là ngăn chặn quá trình hình thành mạch máu nuôi khối u, để làm giảm lượng máu đến nuôi dưỡng khối u, từ đó làm khối u chậm hoặc không phát triển. Thuốc được dùng cho nhiều bệnh ung thư, điển hình là Ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư tử cung, buồng trứng…

Khi được chỉ định thuốc này, bệnh nhân cần thông báo bác sỹ biết nếu mình có tiền sử tăng huyết áp, chảy máu, bệnh lý dạ dày, bệnh lý mạch máu hay bệnh thận. Các thuốc điều trị bệnh kết hợp cần được duy trì dưới sự kiểm tra giám sát của bác sỹ điều trị.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sỹ nếu có các triệu chứng: Đau đầu, chóng mặt hoặc đột ngột nóng bừng; Xuất hiện các mảng bầm tím dưới da, chảy máu cam hoặc rong đa kinh; Đau thượng vị âm ỉ hoặc đột xuất; phù chi.

 

2. Khi bệnh nhân được chỉ định các thuốc ức chế kinase (TKIs) thế hệ 1,2,3.

Các thụ thể yếu tố tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi TKI là thụ thể yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGFR), thụ thể yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi cơ bản (bFGFR), thụ thể yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu (PDGFR) và thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR).  Một số thuốc như Elotinib, Gefitinib, Osimetinib được dùng chủ yếu cho bệnh nhân ung thư phổi tiến triển và di căn có đột biến EGFR, hiện nay TKI thế hệ 3 đã được chỉ định cho bệnh ung thư phổi ở giai đoạn sớm hơn.

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sỹ biết tiền sử dị ứng, bệnh lý gan, bụi phổi, xơ phổi của mình nếu có.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân hãy thông báo ngay cho bác sỹ nếu có các triệu chứng: Ban da, viêm loét khóe móng, khó thở, tiêu chảy hoặc nặng tức vùng gan. Hãy luôn giữ ẩm, vệ sinh và làm mềm da là một trong những biện pháp mà người bệnh có thể dự phòng phần nào các tác dụng không mong muốn trên da khi phải dùng loại thuốc này.

 

3. Khi bệnh nhân được chỉ định thuốc Trastuzumab

Trastuzumab – Là kháng thể đơn dòng nhắm vào các tế bào ung thư có thụ thể HER-2 dương tính. Tế bào ung thư biểu hiện quá mức có HER2 có thể khiến tế bào phát triển và phân chia nhanh hơn. Thuốc trastuzumab sẽ ức chế thụ thể HER2 làm cho tín hiệu gửi đến tế bào bị gián đoạn dẫn tới chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc chủ yếu được chỉ định cho bệnh nhân ung thư vú có HER2 (+).

Trước trong và sau điều trị, bệnh nhân cần thông báo cho thầy thuốc biết các triệu chứng về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sốt…

 

4. Khi bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc Rituximab

Rituximab là một kháng thể đơn dòng kháng kháng nguyên CD20. CD20 là protein xuyên màng, kỵ nước có chủ yếu trên bề mặt của các tế bào lympho B đã thuần thục và tiền lympho (pre-B). Biểu hiện của kháng nguyên CD20 rất cao (trên 90%) ở tế bào B trong bệnh u lympho không Hodgkin. Do vậy, với mục đích điều trị ung thư thì Rituximab được chỉ định cho điều trị U lympho ác tính không Hodgkin thể tế bào B lan tỏa có CD20 (+). Do thuốc là kháng thể khảm một phần từ chuột, do vậy khả năng bị dị ứng cao. Vì thế tuân thủ đúng và nghiêm ngặt tốc độ truyền, các thuốc chuẩn bị trước truyền là bắt buộc. Ngoài ra, trước truyền, người bệnh nhất thiết phải cho thầy thuốc biết tiền sử viêm gan B (nếu có) của mình.

 

Nếu có ý định sinh em bé trong thời gian điều trị (đối với tất cả các thuốc trên), tốt nhất bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sỹ điều trị.

 

Một số thông tin người bệnh cần cung cấp cho thầy thuốc trước khi điều trị (nếu có):

– Tiền sử bị dị ứng.

– Tiền sử mắc bệnh tim- mạch.

– Tiền sử bệnh phổi: hen phế quản, viêm phế quản mạn, lao phổi…

– Tiền sử bệnh lý dạ dày- tá tràng: viêm loét dạ dày tá tràng; chảy máu dạ dày…

– Tiền sử bệnh gan: Viêm gan B, xơ gan, sán lá gan…

– Tiền sử bệnh thận: Viêm cầu thận; suy thận; hội chứng thận hư; đã ghép thận…hoặc chỉ có 1 thận…

– Tiền sử động kinh, tâm thần…

– Tiền sử các bệnh về máu

– Tiền sử mắc các bệnh bẩm sinh di truyền

return to top