Vì sao bạn hay bị đau đầu sau tai?

Nội dung

Hầu hết mọi người đều đã từng đau đầu, nhưng kiểu đau đầu phía sau tai thì ít gặp hơn. Trên thực thế, có hơn 300 kiểu đau đầu. Dưới đây là một số lời khuyên của bác sỹ dành cho bạn để xác định khi nào thì cần đi kiểm tra khi bị đau đầu sau tai.

Nguyên nhân

Không phải lúc nào cũng tìm được chính xác nguyên nhân đau đầu. Nếu bạn bị đau đầu sau tai, kéo dài thì một số nguyên nhân có thể gặp gồm

Đau dây thần kinh chẩm

Đau dây thần kinh chẩm là một loại đau đầu do chấn thương hoặc chèn ép thần kinh ở cổ. Chèn ép thần kinh có thể xảy ra khi cổ ở tư thế cong trong một thời gian dài, hoặc do viêm khớp cổ và vai. Đau dây thần kinh chẩm gây ra những cơn đau và nhói ở cổ, ở phía sau hoặc một bên đầu và sau tai. Một số người có thể gặp cơn đau ở trán hoặc sau mắt, thậm chí gây nên dễ nhạy cảm vùng da đầu. Cơn đâu bắt đầu ở cổ và lan lên trên.

Viêm xương chũm

Xương chũm nằm ở sau tai. Viêm xương chũm là tình trạng viêm, nhiễm trùng xương do vi khuẩn. Đây là hậu quả của viêm tai giữa không được điều trị. Viêm xương chũm có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng thường gặp ở trẻ em. Dấu hiệu nhận biết gồm có sưng, đỏ và chảy mủ tai. Nó có thể gây ra đau đầu, sốt, nghe kém.

Bệnh lý khớp thái dương hàm

Khớp thái dương hàm giúp xương hàm dưới chuyển động trong các động tác há và ngậm miệng. Nếu khớp bị trật, chấn thương, tổn thương do viêm khớp, khớp không thể hoạt động trơn tru, xuất hiện các tiếng kêu khớp, lục cục trong quá trình há, ngậm miệng. Bệnh lý khớp thái dương hàm ảnh hưởng đến chức năng nhai. Nó cũng liên quan đến những cơn đau vùng xương hàm dưới. Trong một số trường hợp, khớp có thể bị trật nên bạn không thể mở hoặc há miệng, Tình huống này có thể tự trở về bình thường hoặc đòi hỏi cần có các can thiệp của bác sỹ chuyên khoa.

Các vấn đề nha khoa

Những bệnh lý liên quan đến khoang miệng và răng có thể gây ra những cơn đau đầu sau tai nếu nguyên nhân là răng mọc kẹt, khối áp xe,…Đi kèm với đó là các triệu chứng khác gồm hôi miệng, đau lợi, khó nhai. Nha sỹ sẽ giúp xác định lại chính xác nếu nguyên nhân liên quan đến các vấn đề nha khoa.

 

Khi nào cần đi kiểm tra

Một số người xuất hiện những cơn đau đầu và cho rằng không cần thiết phải đi khám bác sỹ. Tuy nhiên bạn nên đi kiểm tra nếu:

  • Tình trạng đau tăng lên
  • Nghi ngờ viêm tai
  • Bạn đã được điều trị nhưng không cải thiện
  • Đang sốt
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân

Tìm kiếm sự trợ giúp ngay của cơ sở y tế nếu:

  • Đau đầu đột ngột, dữ dội
  • Hàm dưới không cử động
  • Sốt cao, buồn nôn, nôn
  • Lú lẫn
  • Hôn mê
  • Co giật

Những dấu hiệu trên có thể cho thấy một vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn

 

Chẩn đoán

Sau khi tiến hành khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, nếu bạn bị viêm tai sẽ được chuyển đến bác sỹ chuyên khoa tai – mũi – họng. Nếu nghi ngờ đau dây thần kinh chẩm, bạn được tiến hành gây tê thần kinh. Nếu cơn đau giảm sau khi tiến hành gây tê, bác sỹ sẽ xác nhận nguyên nhân gây đau là dây thần kinh chẩm. Để kết luận các trường hợp do bệnh lý khớp thái dương hàm cần kết hợp với phim x-quang. Đau đầu dai dẳng, kéo dài và không xác định được nguyên nhân được chuyển đến bác sỹ thần kinh để làm thêm x-quang, CT hoặc CT-scan, MRI,…

 

Phòng ngừa đau đầu

Để giảm thiểu nguy cơ đầu đầu sau tai, cần lưu ý:

  • Chú ý đến tư thế: giữ đầu cổ quá lâu ở một vị trí có thể gây chèn ép dây thần kinh
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị cầm tay: Vì khi sử dụng chúng, cổ bạn có xu hướng nghiêng, gập xuống
  • Giải lao: Nếu làm việc cả ngày tại bàn làm việc, nên đứng dậy đi lại, thường xuyên giải lao để ngăn chặn co cứng các cơ cổ và vai
  • Ăn đúng giờ: Bỏ bữa ăn có thể gây ra đau đầu
  • Thư giãn: Căng thẳng, mệt mỏi làm tăng nguy cơ đâu đầu. Ngủ và dậy đúng giờ vào cùng một thời điểm trong ngày giúp bạn có một giấc ngủ tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top