Hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi

Hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi là gì?

Những phụ nữ uống quá nhiều rượu khi mang thai có thể sinh ra những đứa trẻ mắc phải Hội chứng rối loạn ở thai nhi do rượu (fetal alcohol spectrum disorders – FASD). FASD là một thuật ngữ được dùng để miêu tả một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến các em bé mà nguyên nhân do mẹ uống rượu trong lúc mang thai. Những rối loạn này có biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể gây ra những dị tật về thể chất cũng như trí tuệ cho trẻ sơ sinh.

Một số dạng của FASD:

  • Hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi (FAS)
  • Hội chứng ngộ độc rượu một phần
  • Những dị tật bẩm sinh do rượu
  • Rối loạn phát triển thần kinh do rượu
  • Rối loạn hành vi thần kinh liên quan tới việc sử dụng rượu của người mẹ trước khi mang thai

FAS là trường hợp nặng của hội chứng này. Những trẻ mắc FAS có thể gặp phải những vấn đề về thị giác, thính giác, trí nhớ, độ tập trung, khả năng học tập và giao tiếp. Mặc dù mức độ khuyết tật ở mỗi người là khác nhau nhưng những tổn thương thường là vĩnh viễn.

 

Nguyên nhân gây hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi

Khi một phụ nữ mang thai uống rượu, một phần rượu sẽ dễ dàng đi qua nhau thai và vào cơ thể thai nhi. Tuy nhiên, quá trình phân giải rượu ở cơ thể thai nhi lại không giống như ở người lớn. Một lượng rượu lớn tích tụ trong cơ thể thai nhi có thể ngăn cản thai nhi hấp thụ đủ dinh dưỡng và lượng oxy cần thiết để hình thành nên các cơ quan trong cơ thể.

Những tổn thương này có thể diễn ra trong vòng một số tuần đầu thai kỳ khi người phụ nữ vẫn chưa biết mình đang mang thai. Nguy cơ càng tăng cao nếu người mẹ bị nghiện rượu nặng.

Theo một số nghiên cứu, việc lạm dụng rượu gây ra những tổn thương nghiêm trọng nhất trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ uống rượu tại bất cứ thời điểm nào lúc mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi.

 

Các triệu chứng của hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi

Do hội chứng này gây ra rất nhiều vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần nên các triệu chứng cũng rất đa dạng, từ nhẹ cho tới nặng, bao gồm:

  • Đầu nhỏ
  • Môi trên mỏng đôi khi bị chẻ, khoảng cách giữa các mắt nhỏ và các bất thường khác trên khuôn mặt
  • Chiều cao và cân nặng dưới mức trung bình
  • Tăng động
  • Thiếu tập trung
  • Kém phối hợp vận động
  • Chậm phát triển trí tuệ và gặp phải những vấn đề về tư duy, ngôn ngữ, chuyển động và các kỹ năng xã hội
  • Khả năng đánh giá yếu kém
  • Gặp phải các vấn đề về thị giác, thính giác
  • Khuyết tật khả năng học tập và trí tuệ
  • Các bệnh tim mạch
  • Dị tật tiết niệu
  • Dị tật chi và ngón tay, ngón chân
  • Dễ thay đổi tâm trạng

 

Chẩn đoán

Trẻ được chẩn đoán càng sớm càng dễ điều trị. Hãy đưa trẻ đi khám ngay nếu bạn cho rằng con bạn mắc hội chứng FAS. Hãy cung cấp cho bác sỹ những thông tin về tiền sử sử dụng rượu của bạn.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ có thể phát hiện ra những tiếng thổi tim hay những bệnh tim mạch khác. Khi trẻ lớn hơn, những dấu hiệu khác có thể giúp xác nhận chẩn đoán:

  • Tốc độ tăng trưởng chậm
  • Những bất thường trên khuôn mặt và sự phát triển của xương
  • Gặp phải các vấn đề về thị giác và thính giác
  • Khả năng tiếp thu ngôn ngữ chậm
  • Kích thước đầu nhỏ hơn bình thường
  • Kém phối hợp vận động

Những vấn đề về hệ thần kinh trung ương có thể thể hiện ở mặt thể chất hoặc hành vi như tình trạng tăng động, thiếu phối hợp vận động hay mất tập trung, rối loạn khả năng học tập.

 

Điều trị

Bản thân FAS không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng một số phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện triệu chứng. Chẩn đoán càng sớm, tiên lượng bệnh càng khả quan. Những phương pháp giáo dục đặc biệt và các hỗ trợ từ xã hội có thể giúp những trẻ nhỏ cải thiện những kỹ năng mà chúng gặp khó khăn như học cách nói chuyện, giao tiếp…

Tại gia đình

Trẻ mắc hội chứng FAS cần được sống trong một gia đình hòa thuận, êm ấm. Những trẻ này vẫn có thể làm tốt những công việc đơn giản thường ngày và nên được nhận thưởng cho những hành động tốt.

Tuy nhiên, chúng rất dễ nhạy cảm với những bất hòa, chia rẽ trong gia đình hơn trẻ bình thường. Trẻ mắc FAS đặc biệt dễ có xu hướng bạo lực và lạm dụng chất gây nghiện ở giai đoạn sau của cuộc đời nếu chúng phải tiếp xúc với bạo lực và ma túy khi còn nhỏ.

Thuốc điều trị

Hiện chưa có loại thuốc đặc hiệu để điều trị hội chứng FAS. Tuy nhiên, một vài loại thuốc có thể giúp cải thiện triệu chứng như:

  • Thuốc chống trầm cảm để điều trị bệnh trầm cảm và hỗ trợ khi trẻ có hành vi tiêu cực
  • Thuốc an thần kinh để điều trị chứng lo âu và dễ kích động
  • Thuốc chống lo âu để điều trị chứng lo âu

Tư vấn và trị liệu tâm lý

Các khóa học về hành vi có thể hỗ trợ đào tạo cho trẻ những kỹ năng xã hội như khả năng giao tiếp với bạn bè. Khóa học đào tạo chức năng quản trị có thể giúp cải thiện các kỹ năng tự kiểm soát, hiểu rõ nguyên nhân – kết quả hành vi của mình. Trẻ mắc FAS cũng cần hỗ trợ về học tập như trẻ cũng cần những gia sư về văn, toán để giúp đỡ trẻ khắc phục những khó khăn trong học tập tại trường.

Cha mẹ và anh chị em có thể đóng vai trò quan trọng đối với trẻ mắc FAS trong việc giúp trẻ đương đầu những khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ có thể tham gia vào nhóm Hỗ trợ Phụ huynh – bao gồm cố vấn, cung cấp các nhóm hỗ trợ, và huấn luyện về FAS cho cha mẹ và ông bà.

Lựa chọn điều trị thay thế

Một số gia đình lựa chọn những phương pháp điều trị thay thế cho việc sử dụng thuốc thông thường như massage, châm cứu, tập luyện thể dục hay tập yoga.

 

Phòng hội chứng ngộ độc rượu ở trẻ sơ sinh

Bạn có thể phòng hội chứng này ở trẻ sơ sinh bằng cách tuyệt đối không sử dụng rượu trong khi mang thai.

Nếu bạn là đối tượng nghiện rượu nặng nhưng lại đang muốn mang thai, hãy tham khảo ý kiến và tư vấn của bác sỹ.

Nếu bạn chỉ nghiện rượu nhẹ hoặc đôi khi uống xã giao, hãy từ bỏ rượu nếu bạn đang có ý định mang thai.

Nên nhớ rằng, rượu có thể gây ra những tổn thương chỉ trong vài tuần đầu thai kỳ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top