I. Các câu hỏi về siêu âm thai trong tam cá nguyệt thứ nhất
1. Khi nào nên đi siêu âm thai lần đầu tiên?
Khi nào mẹ bầu bắt đầu xuất hiện các biểu hiện có thai thì nên tiến hành đi siêu âm. Những biểu hiện đã thụ thai bao gồm:
- Xuất hiện máu thụ thai. Loại máu này có thể màu hồng, cũng có thể là màu đỏ hay nâu. Lượng máu thụ thai thường ít hơn máu kinh nguyệt.
- Xuất hiện cảm giác đau ở bụng, có thể đau nhẹ hoặc đau dữ dội.
- Âm đạo có tiết dịch
- Ngực đau nhức và căng tức, đau từ bầu ngực đến đầu ngực
- Đi kèm với những biểu hiện trên là cơ thể trở nên mệt mỏi
- Có các biểu hiện ốm nghén như: buồn nôn hàng ngày, khi ngửi thấy mùi thức ăn,…
- Tâm trạng đột nhiên thay đổi
- Tiêu hóa rối loạn, bao gồm: Táo bón, đầy hơi, đánh rắm…
- Tiểu tiện nhiều hơn thường ngày
2. Siêu âm thai nhiều có an toàn không?
Hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy siêu âm thai nhiều không an toàn. Tuy nhiên, mẹ bầu không cần phải thực hiện siêu âm quá nhiều bởi điều đó vừa gây lãng phí thời gian, vừa không hiệu quả. Mẹ bầu nên đi siêu âm thai định kỳ theo lịch do bác sĩ chuyên khoa sắp xếp.
3. Khám thai định kỳ sẽ khám những gì?
Vào giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt thủ thuật xét nghiệm tổng quát. Mục đích của các thủ thuật này để xác định tình trạng thai nhi, xác định sức khỏe của mẹ,… xem có vấn đề gì cần can thiệm y tế không. Mặc dù khác nhau, nhưng cơ bản khám thai định kỳ sẽ gồm các bước:
- Tính tuổi thai và dự tính thời gian sẽ sinh em bé. Nếu bạn không rõ ngày mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định bạn siêu âm để có kết quả chính xác nhất.
- Tiến hành đo huyết áp, chiều cao và cân nặng của bạn
- Xét nghiệm máu đầy đủ, để kiểm tra nhóm máu, kiểm tra thiếu máu, miễn dịch rubella, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, chlamydia và HIV
- Bạn cũng sẽ được xét nghiệm nước tiểu để xem bạn có bị nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu không
- Sàng lọc cổ tử cung để kiểm tra papillomavirus ở người (HPV) và / hoặc bất kỳ dấu hiệu ung thư cổ tử cung nào.
- Kiểm tra sự phát triển thể chất, tăng trưởng và bất kỳ biến chứng nào với thai kỳ của bạn bằng cách siêu âm
II. Các câu hỏi về siêu âm thai trong tam cá nguyệt thứ hai
1. Giai đoạn này nên chú ý những gì?
Ở Tam cá nguyệt thứ hai, hầu như các triệu chứng ốm nghén sẽ không “hành hạ” bạn đêm ngày nữa. Thai nhi đã cơ bản được hình thành, những cơ quan thiết yếu và các hệ thống trong cơ thể thai nhi gần như đã ổn định. Giai đoạn này, thai nhi sẽ tăng kích thước và càng lúc càng thành hình hơn.
Ở giai đoạn này, mẹ bầu nên cẩn thận những cơn cảm vặt gây nghẹt mũi. Ngoài ra, bụng của mẹ cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Theo mẹo dân gian, chỉ bằng cách nhìn dáng bụng, mọi người có thể đoán được mẹ bầu đang mang thai bé trai hay bé gái. Tuy nhiên đây là cách không có bằng chứng khoa học. Trong tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu có thể tiến hành siêu âm giới tính thai nhi để xác định được giới tính em bé một cách chính xác nhất.
Ngoài ra, mẹ bầu hãy sẵn sàng cho những cơn co thắt (có tên khoa học là Braxton Hicks) từ khoảng tuần 26 trở đi. Đây là những cơn co dạ con không đau để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ sau này và tăng cường việc lưu thông máu. Những cơn này không nguy hiểm, nhưng nếu nó ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mẹ bầu hãy đi siêu âm thai và xin ý kiến chuyên môn của bác sĩ.
2. Những biểu hiện của thai nhi chứng tỏ thai phát triển tốt trong tam cá nguyệt thứ hai
– Tuần thứ 13: Siêu âm thấy rõ xương. Xương của thai nhi bắt đầu cứng chắc hơn, đặc biệt là xương sọ và các xương dài. Da của thai nhi tuy vẫn còn mỏng và dễ nhìn xuyên qua, nhưng nó sẽ sớm dày lên.
– Tại tuần thứ 14, thai nhi có chiều dài khoảng 87 mm và nặng khoảng 45 g là phát triển bình thường. Bác sĩ có thể xác định kích thước thai nhi thông qua siêu âm thai.
– Tuần thứ 16, mắt thai nhi bắt đầu cử động, bắt đầu sinh ra tóc. Vào thời điểm tuần thứ 16 này, thai nhi có chiều dài khoảng 120 mm và nặng khoảng 110 g.
– Tuần thứ 18, thai nhi hình thành mắt và tai. Vào tuần thứ 18 của thai kỳ, thai nhi có chiều dài khoảng 140 mm và nặng khoảng 200 g
– Tuần thứ 20, thai nhi cử động đủ mạnh để mẹ cũng cảm nhận được dù không cần siêu âm. Một em bé phát triển bình thường sẽ có chiều dài khoảng 260 mm và nặng khoảng 320 g.
– Tuần thứ 21, em bé bắt đầu có phản xạ mút tay
– Tuần thứ 22, khi siêu âm sẽ nhìn thấy tóc, lông mày và lông tơ của em bé. Thai lúc này có chiều dài khoảng 280 mm và nặng khoảng 460 g.
– Tuần thứ 23, là một trong những tuần quan trọng cần siêu âm thai định kỳ để tầm soát bệnh bẩm sinh. Em bé lúc này sẽ có phản xạ nấc, giật, hình thành các vân tay vân chân.
– Tuần thứ 24, thai nhi có chiều dài khoảng 300 mm và nặng khoảng 630 g là thai phát triển tốt.
– Tuần thứ 26, lúc gần kết thúc giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi sẽ có chiều dài khoảng 360 mm và nặng khoảng 760 g.
III. Các câu hỏi về siêu âm thai trong tam cá nguyệt thứ ba
1. Siêu âm lúc này giúp được gì cho bác sĩ và thai phụ?
Giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba chính là 3 tháng cuối cùng trước khi sinh em bé. Thời điểm này thai phụ cần cực kì cẩn thận và phải tuân thủ lịch siêu âm thai định kỳ mà bác sĩ đã đặt ra. Việc siêu âm vào tam cá nguyệt thứ ba hết sức quan trọng. Trong giai đoạn này, siêu âm sẽ giúp giải quyết các vấn đề sau:
- Siêu âm vào lúc này sẽ giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá được sự phát triển của thai nhi
- Giúp xác định vị trí nhau thai, kịp thời kiểm tra và phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai (nếu có). Từ đó, đưa ra phương án xử lý nhanh chóng và kịp thời nhất nếu có các dấu hiệu bất thường.
- Siêu âm lúc này sẽ giúp bác sĩ đưa ra ngày dự sinh chính xác nhất. Điều này giúp mẹ bầu có thời gian chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi bé chào đời.
- Bác sĩ sẽ đưa ra các thông số về cân nặng và kích thước của em bé. Với những em bé có kích thước nhỏ quá hoặc lớn quá so với trung bình, bác sĩ sẽ nói trước với mẹ bầu để gia đình có hình thức chuẩn bị phù hợp, giúp mẹ tròn con vuông
- Ngoài ra còn một vấn đề nữa, đó là kiểm tra số lượng nước ối của mẹ bầu tại tử cung nhằm đánh giá mức độ thích hợp của quá trình chuyển dạ.
2. Nếu mẹ bầu có các biểu hiện này thì phải lập tức siêu âm ngay:
- Mẹ bầu cảm thấy hoạt động của bé rất ít hoặc không cảm thấy gì. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để đánh giá sức khỏe của em bé, từ đó tư vấn mẹ bầu phương pháp sinh con nào hiệu quả hơn: sinh con tự nhiên hay sinh con qua mổ,…
- Nếu mẹ bầu là người có tiền sử bị huyết áp cao, thiếu máu, trầm cảm, hen suyễn, một số bệnh về tim, gan, nhiễm trùng, bệnh về đường tình dục,…. thì buộc phải đi siêu âm thường xuyên. Vì có một số căn bệnh sẽ truyền từ mẹ sang con, việc siêu âm thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu và bác sĩ chuẩn bị đủ thông tin cần thiết. Có đủ thông tin sẽ giúp mẹ tự tin hơn, sinh con thuận lợi hơn
- Mẹ bầu đã từng gặp các biến chứng sinh nở trong lần sinh trước đó cần được siêu âm 3 tháng cuối thai kỳ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe và sự an toàn của cả mẹ và bé.
- Với trường hợp ngôi thai ngược, tức là bé chưa quay đầu xuống dưới, thai nhi ở ngôi mông hoặc ngang tử cung, mẹ bầu cần thực hiện siêu âm nhằm theo dõi bởi điều này gây nhiều bất lợi cho quá trình sinh nở.
- Mẹ mắc tiểu đường trong quá trình mang thai rất dễ sinh non, thai nhi kém phát triển dẫn đến thiếu cân. Do đó, mẹ nên siêu âm kiểm tra nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời
- Nếu như kích thước em bé vượt quá tử cung của mẹ bầu, mẹ cũng cần siêu âm thường xuyên để bác sĩ theo dõi sức khỏe cho cả mẹ và bé
- Khi mẹ gặp các vấn đề bất thường liên quan đến nhau thai như nhau tiền đạo, bong non, ra huyết bất thường, chảy dịch lạ từ âm đạo, đau trằn bụng,… cần được siêu âm theo dõi kịp thời để có hướng xử lý tốt nhất, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp