Rất có thể bạn đã đã bị chứng răng nhạy cảm. Đây là hiện tượng quá cảm ngà hoặc triệu chứng ê buốt chân răng. Nó có biểu hiện là khi bạn ăn uống những đồ nóng, lạnh, ngọt, chua hoặc khi hít thở trong điều kiện không khí lạnh cũng có thể làm bạn thấy ê buốt hoặc đau răng.
Răng ê buốt không lành tính như bạn nghĩ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến triệu chứng ê buốt tích lũy dần và ngày càng nặng thêm, thậm chí dẫn đến viêm tủy. Ngoài ra, nó cũng sẽ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên khó chịu khi phải kiêng khem quá mức hay luôn ám ảnh về cảm giác ê buốt.
Do tổn thương cấu trúc răng: Những trường hợp mòn men răng, mòn hở cổ răng, răng bị sứt mẻ làm lộ lớp ngà răng nhạy cảm. Khi ngà bị lộ, những ống này có thể bị kích thích bởi sự thay đổi nhiệt độ hoặc một số loại thực phẩm gây ra tình trạng ê buốt răng.
Do tụt nướu răng theo thời gian để lộ lớp ngà ở bề mặt bên ngoài dưới chân răng, khi chúng phải trực tiếp tiếp xúc với môi trường bên ngoài, axit trong nước bọt và trong thực phẩm chuyển hóa làm cho chân răng bị mòn, men răng bị mài mỏng, gây ra những kích thích cho hệ thống dây thần kinh bên trong khiến răng ê buốt.
Do chế độ chăm sóc răng miệng không tốt: Chải răng quá kỹ lưỡng, sử dụng kem đánh răng có độ mài mòn cao hoặc chải răng không đúng cách hay chải răng nhiều hơn ba lần một ngày không có tác dụng làm răng chắc khỏe mà có khả năng gây mất men răng làm răng bị ê buốt.
Chế độ ăn uống nhiều axit: Một chế độ ăn chứa nhiều axít như nhiều thức ăn chua, cam chanh, dưa chua hoặc nước ngọt có gas, soda có thể gây mòn răng và phân hủy bề mặt răng và dẫn tới lộ ngà là nguyên nhân răng ê buốt.
Nước súc miệng chuyên dụng diệt sạch vi khuẩn và tạo hơi thở thơm mát cho răng cũng là một lý do gây ra ê buốt ở răng. Đó là vì nước súc miệng có chứa axit và khi sử dụng thường xuyên sẽ mài mòn men răng.
Do một số thói quen xấu: Thói quen nhai đá, nghiến răng khi ngủ vào ban đêm cũng dần khiến cấu trúc răng bị tổn thương. Tuy nghiến răng có thể diễn ra trong vô thức nhưng thường gặp ở tất cả các lứa tuổi và thường kéo dài, gây nên những phiền toái trong cuộc sống.
Chọn loại bàn chải đánh răng mềm lông: Nếu bạn muốn giữ lớp bảo vệ răng của bạn lâu dài nhất có thể, việc đầu tiên cần phải làm là thay loại bàn chải bình thường với phần răng cứng bằng các loại bàn chải đặc biệt có lớp răng bàn chải mềm mại.
Các loại bàn chải mềm vẫn có khả năng làm sạch răng hiệu quả và đồng thời không làm tổn thương lớp men răng cũng như nướu răng. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe răng miệng khuyến khích bạn dùng các loại bàn chải đã được FDA chứng nhận.
Chọn các sản phẩm chăm sóc răng có chứa Florua: Đây là chất đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Chất này có thể bảo vệ, góp phần tái tạo và tăng cường bề mặt răng đã bị khử khoáng và làm mòn bởi các loại axit do vi khuẩn sản sinh ra. Vì vậy, để tái tạo men răng cho răng nhạy cảm, bạn cần dùng các loại nước súc miệng và kem đánh răng có chứa florua.
Nên hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit như nước ép trái cây, đồ uống chứa carbonat, sữa chua… có thể làm mòn men răng theo thời gian để răng không có cơ hội suy yếu.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách: Không dùng tăm xỉa răng mà hãy dùng chỉ nha khoa. Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2 phút. Bạn không nên đánh răng quá mạnh, mà chỉ chà nhẹ nhàng, chậm rãi.
Theo các chuyên gia nha khoa, sau khi ăn uống, bạn nên đợi ít nhất 30 phút mới được đánh răng. Bởi vì, men răng sẽ trở nên yếu và mềm hơn sau khi bạn ăn uống những thực phẩm có nhiều đường, tinh bột, axit… Do đó, nếu bạn đánh răng ngay, thì có thể khiến men răng bị xói mòn, bị tổn thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, để loại bỏ bớt thức ăn và vi khuẩn trong khoang miệng, giảm thiểu mùi hôi miệng sau khi ăn uống, bạn có thể súc miệng với nước muối ấm pha loãng hoặc nước súc miệng chuyên dụng trong khoảng 3 - 5 phút. Sau đó, đợi ít nhất 30 phút rồi hãy đi đánh răng. Cách này sẽ giữ cho khoang miệng của bạn luôn sạch sẽ, đồng thời bảo vệ răng và nướu luôn khỏe đẹp.
Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần: Nhưng nếu tình trạng này không thuyên giảm, tốt nhất bạn hãy đi khám bác sĩ nha khoa để xác định nguyên nhân chính xác. Vì có thể nguyên nhân đau buốt là do một vấn đề nào đó nghiêm trọng hơn là từ chân răng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh